Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | VI. Phẩm Hiền Trí (Paṇḍitavagga) - Kệ số 1 (dhp 76)

Sunday, 23/10/2022, 21:14 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 23.10.2022


VI

PHẨM HIỀN TRÍ

(Paṇḍitavagga)

VI. Phẩm Hiền Trí - Kệ số 1 (dhp 76)

Duyên sự:

Bài kệ nầy được đức Phật thuyết tại Sāvatthi khi Ngài trú tại Jetavana, nhân câu chuyện của Sư lão Rādha.

Tại thành Sāvatthi có một lão bà la môn tên Rādha. Ông lão đã già muốn xuất gia nên vào chùa làm công quả phục dịch cho các tỳ kheo, nhưng các tỳ kheo không tiếp độ cho ông thọ giới vì thấy ông đã quá già.

Đức Phật quán xét thấy ông lão Rādha có duyên lành sẽ đắc quả nên Ngài hỏi chư tăng ai từ mẫn tiếp độ ông lão Rādha?

Khi ấy tôn giả Sāriputta bạch với đức Thế Tôn xin được tiếp độ ông lão để trả ơn một lần ông lão đã sớt bát cho mình một dá cơm. Đức Phật khen tôn giả Sāriputta là người có hạnh tri ân, rồi Ngài nhắc bổn sanh Alīnacittajātaka (Jāṭaka 156).

Sau khi truyền cụ túc giới cho ông lão Rādha, tôn giả Sāriputta đã dẫn tỳ kheo Rādha đi du phương để dạy dỗ pháp tu.

Sư lão Rādha là người dể dạy, luôn luôn lắng nghe thầy tế độ dạy bảo với tâm cung kính, lúc phạm lỗi bị thầy khiển trách vẫn nhu thuận không sân hận.

Sư lão Rādha thực hành đúng theo lời thầy tế độ giáo huấn, chỉ sau thời gian ngắn đã chứng đắc đạo quả A la hán.

Tôn giả Sāriputta dẫn sư lão Rādha về Sāvatthi yết kiến bậc Đạo sư. Đức Thế tôn hỏi tôn giả Sāriputta về nết hạnh của sư lão Rādha. Tôn giả đáp vị sư nầy rất dể dạy và nhu thuận, không hề nóng giận khi phạm lỗi bị quở trách.

Đức Phật dạy các tỳ kheo nên dể dạy như tỳ kheo Rādha, khi được chỉ lỗi không nên tức giận, và cần phải xem người giáo huấn như là người chỉ cho kho tàng. Rồi đức Phật đã nói lên bài kệ nầy: “Nidhīnaṃ’va pavattāraṃ … seyyo hoti na pāpiyo ’ti”.

Dứt pháp thoại có nhiều vị tỳ kheo đắc được thánh quả.

*

Chánh văn:

Nidhīnaṃ’va pavattāraṃ

yaṃ passe vajjadassinaṃ

niggayhavādiṃ medhāviṃ

tādisaṃ paṇḍitaṃ bhaje

tāsisaṃ bhajamānassa

seyyo hoti na pāpiyo.

(dhp 76)

*

Thích văn:

nidhīnaṃ’va [hợp âm nidhīnaṃ iva]

nidhīnaṃ [chỉ định cách số nhiều của danh từ nam tính nidhi] của cải cất giấu, kho tàng.

iva [bất biến từ] ví như, như là.

pavattāraṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính pavattu (pa + căn vac hay căn vad + tu) = ācikkhitu] người nói ra, người chỉ bày, người mách chuyện.

yaṃ [đối cách số ít nam tính của liên quan đại từ ya] người mà.

passe [động từ khả năng cách ngôi III số ít, dạng attanopada (căn dis + a = passa)] nếu gặp, nên thấy, phải xem.

vajjadassinaṃ [đối cách số ít của hợp thể danh từ nam tính vajjadassī (vajja + dassī)] người chỉ cho thấy lỗi lầm, người chỉ lỗi, người tìm lỗi.

niggayhavādiṃ [đối cách số ít của hợp thể danh từ nam tính niggayhavādī (niggayha + vādī)] người la rầy, người khiển trách.

medhāviṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính medhāvī] người sáng suốt, người trí.

tādisaṃ [đối cách số ít nam tính của tính từ tādisa] như thế đấy, như cái ấy.

paṇḍitaṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính paṇḍita] bậc hiền trí, bậc minh triết.

bhaje [động từ khả năng cách hình thức attanopada, ngôi III số ít (căn bhaj + a)] nên hợp tác, nên cộng sự, nên giao thiệp.

bhajamānassa [sở thuộc cách số ít của hiện tại phân từ bhajamāna (bhaja + māna)] đối với việc hợp tác, đối với việc giao thiệp.

seyyo [chủ cách số ít của tính từ seyya] tốt đẹp, hay hơn.

hoti [động từ hiện tại ngôi ba số ít (căn hū)] là, có, trở thành.

na [phủ định từ] không, chẳng.

pāpiyo [chủ cách số ít của tính từ pāpiya] xấu, quấy, tội ác.

*

Việt văn:

Nếu gặp được người trí

chỉ lỗi và khiển trách

nên thấy như người mách

những kho tàng cất giấu

phải thân cận hiền trí

thân cận tốt, không xấu.

(pc 76)

*

Chuyển văn:

Vajjadassinaṃ niggayhavādiṃ medhāviṃ yaṃ nidhīnaṃ pavattāraṃ iva passe tādisaṃ paṇḍitaṃ bhaje tādisaṃ bhajamānassa seyyo na pāpiyo hoti.

Gặp người trí chỉ lỗi và khiển trách, nên thấy như người mách bảo cho những kho tàng. Phải thân cận bậc hiền trí ấy; Thân cận với người như thế là tốt đẹp chớ không phải xấu.

*

Lý giải:

Có hai hạng người tìm lỗi: Hạng tiểu nhân xoi mói lỗi lầm của người khác để hạ danh dự người; Hạng đại nhân tức người trí thì thấy lỗi người và chỉ lỗi để mong người sửa lỗi, như thầy chỉ lỗi học trò.

Có hai hạng người quở trách: Hạng người ác thì chê bai chỉ trích người khác với tâm sân hận; Hạng người thiện thì khiển trách để xây dựng cho nên thân, như cha mẹ trách mắng con cái.

Nếu gặp được người trí chỉ lỗi cho mình sửa, hoặc khiển trách để dạy dỗ mình nên người thì chớ phiền giận người trí ấy mà phải thấy như gặp người mách bảo cho những chỗ cất giấu tài sản để sống an lạc hạnh phúc.

Phải nên thân cận với bậc hiền trí như thế, tức là bậc thiện trí thức chỉ lỗi cho mình, và khiển trách giáo huấn mình.

Người thân cận bậc hiền trí như thế là tốt chứ không phải xấu, có nghĩa là khi gần bậc thiện trí bị vị ấy chỉ lỗi và khiển trách, đó không phải là xấu mặt mà đó là tốt đẹp. Vì sao? Vì nhờ như vậy được tiến bộ, nhờ như vậy được thành tựu tri thức và đạo đức.

Tỳ khưu Tuệ Siêu biên soạn