Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | V. Phẩm Người Ngu_ Kệ số 5 và 6 (dhp 64, 65)

Thursday, 22/09/2022, 08:48 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 22.9.2022


V. Phẩm Người Ngu_ Kệ số 5 và 6 (dhp 64, 65)

V. Phẩm Người Ngu_ Kệ số 5 (dhp 64)

Duyên sự:

Bài kệ nầy đức Phật thuyết tại chùa Jetavana Sāvatthi, vì câu chuyện của tỳ kheo Udāyi.

Chuyện rằng, tỳ kheo Udāyi ở Jetavana nơi mà đức Phật và chư thinh văn thường cư ngụ thuyết giảng giáo pháp, nhưng tỳ kheo Udāyi thì không học hỏi được điều gì.

Những lúc các vị đại trưởng lão đi vắng, tỳ kheo Udāyi đến giảng đường và ngồi trên pháp toạ. Một ngày kia chư tỳ kheo khách tăng ghé về chùa thấy tỳ kheo Udāyi ngồi trên pháp toà giảng đường, họ nghĩ rằng: “Hẵn đây là bậc đại trưởng lão đa văn”. Nhưng khi các vị hỏi pháp liên quan đến uẩn, xứ, giới, đế thì tỳ kheo Udāyi không biết và không giải thích được.

Chư tỳ kheo khách mới chê trách: “sư đó là ai, sao cư ngụ chung một chùa với đức Phật và các vị đại trưởng lão mà không hiểu biết pháp vậy?” Rồi các vị thuật lại việc ấy lên đức Phật. Bậc đạo sư thuyết pháp cho các vị ấy và Ngài đã nói lên bài kệ nầy: “Yāvajīvampi ce bālo … dabbī sūparasaṃ yathā”.

Dứt pháp thoại các vị tỳ kheo khách đã chứng quả A la hán.

*

Chánh văn:

Yāvajīvampi ce bālo

paṇḍitaṃ payirupāsati

na so dhammaṃ vijānāti

dabbī sūparasaṃ yathā.

(dhp 64)

*

Thích văn:

yāvajīvampi [hợp âm yāvajīvaṃ api]

yāvajīvaṃ [trạng từ] trọn đời, suốt đời.

api ce [bất biến từ] dù, cho dù, mặc dù.

paṇḍitaṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính paṇḍita] người trí, bậc trí.

payirupāsati [động từ hiện tại ngôi III số ít (pari + upa + căn ās)] ngồi gần, quây quần, thân cận.

dhammaṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính dhamma] pháp, giáo pháp.

vijānāti [động từ hiện tại ngôi III số ít (vi + căn ñā)] hiểu biết, nhận thức.

dabbī [chủ cách số ít của danh từ nữ tính dabbī] cái muỗng, cái vá múc.

sūparasaṃ [đối cách số ít của hợp thể danh từ nam tính sūparasa (sūpa + rasa)] vị canh, chất vị của súp canh.

yathā [trạng từ] như thể, như là.

*

Việt văn:

Người ngu dù trọn đời

thân cận bậc trí tuệ

cũng không biết giáo pháp

như muỗng với vị canh.

(pc 64)

*

Chuyển văn:

Bālo api ce yāvajīvaṃ paṇḍitaṃ payirupāsati so dhammaṃ na vijānāti yathā dabhī sūparasaṃ.

Kẻ ngu dốt cho dù thân cận bậc trí đến trọn đời nó cũng không hiểu biết được giáo pháp, như thể cái muỗng với vị canh.

*

Lý giải:

Kẻ ngu khác hơn người tối dạ. Người tối dạ là người chậm hiểu, chậm nhớ, nhưng nó có thể dể dạy, kiên nhẫn, siêng năng. Còn kẻ ngu là người không biết giá trị của kiến thức, không biết làm lợi ích cho mình và người, không dể dạy, không kiên nhẫn, lười biếng, lánh nặng tìm nhẹ.

Do đó kẻ ngu dù có sống gần với bậc trí trọn đời nó cũng không lãnh hội được giáo pháp, bởi kẻ ngu lười biếng, khó dạy, không kham nhẫn được lời dạy bảo nghiêm khắc không chịu khó học hỏi với bậc trí. Đức Phật ví dụ kẻ ngu như cái muỗng canh trong tô canh. Múc canh, tiếp xúc với canh, nhưng cái muỗng không thưởng thức được vị của canh như thế nào.

Người tối dạ sống gần bậc trí dần dần cũng có thể hiểu biết giáo pháp nhờ dể dạy, chịu khó học tập, kiên nhẫn với lời giáo huấn nghiêm khắc và siêng năng. Cũng. Như câu tục ngữ “cần cù bù thông minh” vậy.


V. Phẩm Người Ngu_ Kệ số 6 (dhp 65)

Duyên sự:

Bài kệ nầy đức Phật thuyết khi Ngài trú tại Jetavana thành Sāvatthi, do câu chuyện của ba mươi vị tỳ kheo xứ Pāvā (tiṃsamattapāveyyakabhikkhu).

Ba mươi vị tỳ kheo Pāveyyaka nầy xuất gia với đức Phật lúc sơ thời hoằng pháp.

Sau khi đức Phật chuyển pháp luân độ nhóm năm vị Koṇḍañña, rồi Yasa và năm mươi bốn người bạn của Yasa. Lúc đó trong thế gian có sáu mươi một vị A la hán. Đức Phật ban thông điệp hoằng pháp, Ngài và sáu mươi vị thinh văn, mỗi người đi một ngã để thuyết chánh pháp.

Đức Phật đi vào khu rừng Kappāsikavana. Bấy giờ có ba mươi vị công tử dòng họ Bhadda ở xứ Pāvā dẫn vợ du ngoạn, có một công tử chưa vợ dẫn theo một kỹ nữ làm bạn.

Thế rồi cô kỹ nữ ấy đã trộm lấy tư trang của họ và trốn đi. Cả nhóm đi tìm cô kỹ nữ trong rừng Kappāsikavana, họ gặp đức Phật hỏi Ngài có thấy một người phụ nữ không? đức Phật hỏi lại họ rằng đi tìm một phụ nữ và tìm chính mình, điều nào tốt hơn?

Cả nhóm lãnh hội được ý nghĩa lời nói nầy bèn ngồi lại nghe Phật thuyết pháp. Họ đắc sơ quả và xin thọ cụ túc giới bằng cách Thiện lai tỳ kheo (Ehibhikkhubhāvaṃ) thành tựu y bát.

Ba mươi vị tỳ kheo ấy thọ trì hạnh đầu đà sống ở rừng. Thời gian lâu sau, ba mươi vị trở về đảnh lễ bậc đạo sư và được nghe pháp thoại Anamatagga (luân hồi không có khởi điểm). Cả ba mươi vị đều chứng quả A la hán.

Khi biết được chuyện nầy, chư tỳ kheo tại Jetavana hội hợp ở giảng đường bàn luận về ba mươi vị tỳ kheo Pāveyyaka lãnh hội mau chóng.

Nghe chư Tăng bàn luận chuyện ấy, đức Phật đã giải thích rằng người có trí tuệ khi được gần bậc trí dù phút chốc cũng lãnh hội được giáo pháp nhanh chóng. Rồi đức Phật nói lên bài kệ: “Muhuttamapi ce viññū … jivhā sūparasaṃ yathā”.

Dứt bài kệ nhiều vị tỳ kheo chứng đắc a la hán.

*

Chánh văn:

Muhuttamapi ce viññū

paṇḍitaṃ payirupāsati

khippaṃ dhammaṃ vijānāti

jivhā sūparasaṃ yathā.

(dhp 65)

*

Thích văn:

muhuttamapi [hợp âm muhuttaṃ api]

muhuttaṃ [trạng từ] phút chốc, một lát.

api ce [bất biến từ] cho dù, mặc dù.

viññū [chủ cách số ít của danh từ nam tính viññū] người trí, người hiểu biết

khippaṃ [trạng từ] mau lẹ, nhanh chóng.

jivhā [chủ cách số ít của danh từ nữ tính jivhā] cái lưỡi.

*

Việt văn:

Người trí dù phút chốc

ở gần bậc hiền trí

nhanh chóng hiểu giáo pháp

như lưỡi với vị canh.

(pc 65)

*

Chuyển văn:

Viññū api ce muhuttaṃ paṇḍitaṃ payirupāsati khippaṃ dhammaṃ vijānāti yathā jivhā sūparasaṃ.

Người có trí mặc dù chỉ ở gần bậc hiền trí trong giây lát cũng mau chóng hiểu được giáo pháp, như cái lưỡi với vị canh.

*

Lý giải:

Người trí (viññū) là người có tuệ căn, thông minh, biết tìm hiểu điều lợi ích, có tâm học hỏi.

Người như vậy khi gặp bậc hiền trí (paṇḍita) khác giỏi hơn thì sẵn sàng học hỏi, cho dù chỉ gặp trong thời gian ngắn ngủi cũng nhanh chóng lãnh hội được pháp học. Rồi khi hiểu pháp tu liền tinh tấn thực hành chứng đắc pháp siêu thế. Người trí ấy ví như lưỡi nếm vị canh, mau chóng biết vị mặn lạt của canh.

Hãy sống làm người trí, đừng bở lỡ cơ hội được gần bậc hiền trí để lãnh hội những điều hay điều tốt mà bậc hiền trí chỉ dạy. Nếu chưa đắc đạo quả thì ít nhất cũng hiểu biết được pháp học, hoặc biết được những luân lý trong cuộc sống.

Biên soạn giáo trình: Tỳ khưu Tuệ Siêu