Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | V. Phẩm Người Ngu - Kệ số 16 (dhp 75)

Thursday, 20/10/2022, 06:28 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 20.10.2022


V. Phẩm Người Ngu_ Kệ số 16 (dhp 75)

Duyên sự:

Bài kệ nầy đức Phật thuyết khi Ngài trú ở Jetavana thành Sāvatthi, nhân câu chuyện của sa di Tissa.

Sa di Tissa là con của một gia đình đàn tín hộ độ tôn giả Sāriputta, ở thành Rājagaha.

Tôn giả Sāriputta đã tế độ Sa di Tissa lúc bảy tuổi. Sa di Tissa xuất gia ở chùa, hằng ngày cha mẹ, bà con, và các bạn nhỏ đi đến chùa thăm chơi và cho thật nhiều lợi lộc.

Sa di Tissa nhận thấy lợi lộc và quyến thuộc sẽ làm trở ngại sự tu tiến nên đã xin phép thầy tế độ để đi xa khỏi quê nhà mà hành thiền, Tôn giả Sāriputta cho phép đệ tử đi và dạy cho đề mục tu quán.

Sa di Tissa đi đến một ngôi làng ở miền rừng núi. Tại đấy Sa di Tissa sống viễn ly trong núi rừng chỉ vào làng khất thực vào buổi sáng thôi. Nhập hạ đến tháng thứ ba thì Sa di chứng quả A la hán cùng với tuệ phân tích.

Mãn hạ, Tôn giả Sāriputta cùng chư tăng đi đến địa phương ấy để thăm vị Sa di đệ tử để dắt về thành Rājagaha. Nhưng Sa di Tissa đảnh lễ xin phép thầy cho ở lại chốn núi rừng. Cũng vì vậy mà vị Sa di nầy có biệt danh là Vanavāsītissa (Tissa Ẩn Lâm).

Chư tăng quay về Sāvatthi, vào buổi chiều các vị tỳ kheo hội họp trong giảng đường đã bàn luận về Sa di Tissa, trẻ nhỏ mà sống ẩn dật nơi rừng núi hoang vắng tội nghiệp.

Đức Phật đến giảng đường nghe câu chuyện giữa các tỳ kheo, Ngài dạy rằng: đường danh lợi là khác, đường níp bàn là khác, vị đệ tử Phật biết rõ hai lối đi khác nhau thì bỏ lợi lộc để sống viễn ly chứng ngộ níp bàn. Rồi đức Phật đã nói lên bài kệ: “Aññā hi lābhūpanisā … vivekamanubrūhaye”.

Dứt pháp thoại, có nhiều tỳ kheo chứng thánh quả.

*

Chánh văn:

Aññā hi lābhūpanisā

aññā nibbānagāminī

evametaṃ abhiññāya

bhikkhu buddhassa sāvako

sakkāraṃ n’ābhinandeyya

vivekamanubrūhaye.

(dhp 75)

*

Thích văn:

aññā [chủ cách số ít nữ tính của phiếm chỉ đại từ añña] khác, cái khác.

hi [bất biến từ] tất nhiên, thật vậy, bởi lẽ.

lābhūpanisā [chủ cách số ít của hợp từ nữ tính labhūpanisā (lābha + upanisā)] duyên trợ sanh lợi đắc, phương cách có lợi lộc, duyên thế lợi.

nibbānagāminī [chủ cách số ít của hợp từ nữ tính nibbānagāminī (nibbāna + gāminī)] đường dẫn đến níp bàn.

evametaṃ [hợp âm evaṃ etaṃ]

evaṃ [trạng từ] như vậy, như thế.

etaṃ [đối cách số ít nữ tính của chỉ thị đại từ eta] điều đó, lẽ đó.

abhiññāya [bất biến quá khứ phân từ (abhi + ñā + ya)] sau khi biết rõ, khi đã hiểu được.

bhikkhu [chủ cách số ít của danh từ nam tính bhikkhu] vị tỳ kheo, vị tỳ khưu.

buddhassa [sở thuộc cách số ít của danh từ nam tính buddha] của đức Phật, của đấng Giác ngộ.

sāvako [chủ cách số ít của danh từ nam tính sāvaka] người đệ tử, người học trò.

sakkāraṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính sakkāra] sự kính lễ; lễ phẩm.

n’ābhinandeyya [hợp âm na abhinandeyya]

na [phủ định từ] không, chẳng.

abhinandeyya [động từ khả năng cách ngôi III số ít (abhi + căn nand + eyya)] nên vui thích, nên hoan hỷ. “Nābhinandeyya” không nên vui thích, không nên hoan hỷ.

vivekamanubrūhaye [hợp âm vivekaṃ anubrūhaye]

vivekaṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính viveka] sự tách biệt, sự viễn ly, sự ẩn dật.

anubrūhaye [động từ khả năng cách ngôi III số ít (anu + căn brūh + aya + e)] nên phát triển, nên trau giồi, nên thực hiện.

*

Việt văn:

Duyên lợi lộc là khác

đường níp bàn là khác

khi biết rõ như vậy

tỳ kheo đệ tử Phật

chớ ưa thích lễ lộc

nên tu tập viễn ly.

(pc 75)

*

Chuyển văn:

Lābhūpanisā aññā hi, nibbānagāminī aññā hi, buddhassa sāvako bhikkhu evaṃ etaṃ abhiññāya sakkāraṃ na abhinandeyya vivekaṃ anubrūhaye.

Duyên sanh lợi lộc là khác, nhân đến níp bàn là khác, vị tỳ kheo đệ tử của đức Phật sau khi biết rõ điều khác biệt như thế, không nên ham thích lễ phẩm, phải tu hạnh viễn ly.

*

Lý giải:

Hai lối đi, một đàng dẫn đến lợi đắc thế gian, một đàng dẫn đến níp bàn giải thoát. Khác biệt nhau:

- Vị xuất gia tầm cầu lợi lộc sẽ có lối sống hư hỏng, tà mạng, để rồi phải bị thối đoạ vào khổ cảnh.

- Vị xuất gia từ bỏ lợi lộc, hướng cầu giải thoát, đắc chứng níp bàn, sẽ có lối sống chân chánh, được hiện tại lạc trú và hưởng vị tịch tịnh chấm dứt khổ đau.

- Một đệ tử của bậc Chánh giác phải từ bỏ, không ưa thích lợi đắc cung kính. Nên tu tập hạnh viễn ly.

Trước hết phải sống thân viễn ly (kāyaviveka) tức là thích ẩn dật nơi thanh vắng như núi rừng, lánh xa hội chúng. Thân viễn ly chưa đủ, phải có tâm viễn ly (cittaviveka) tức là tâm lìa bỏ năm triền cái: tham dục, sân hận, dã dượi, phóng dật và hoài nghi. Khi thân tâm viễn ly phát triển thiền định_thiền tuệ chứng đạo quả níp bàn, như vậy sẽ đạt đến sanh y viễn ly (upadhiviveka) là xuất ly các hành, chấm dứt luân hồi sanh tử.

Dứt Phẩm thứ năm

Phẩm người ngu

Tỳ khưu Tuệ Siêu biên soạn