Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | V. Phẩm Người Ngu_ Kệ số 10 (dhp 69)

Sunday, 02/10/2022, 10:34 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 2.10.2022


V

PHẨM NGƯỜI NGU

(Bālavagga)

V. Phẩm Người Ngu_ Kệ số 10 (dhp 69)

Duyên sự:

Bài kệ nầy được đức Phật thuyết ở Sāvatthi khi Ngài ngụ tại chùa Jetavana, vì câu chuyện của vị trưởng lão ni Uppalavaṇṇā.

Trưởng lão ni Uppalavaṇṇā lúc chưa xuất gia là một tiểu thư con nhà bá hộ. Có nhiều vương tôn công tử đến nhà giạm hỏi xin cưới nàng. Cha nàng không dứt khoát để nhận lời ai mới hỏi con gái có muốn xuất gia không? Tiểu thư Uppalavaṇṇā liền chịu và xin cha cho phép xuất gia.

Nàng được đưa đến trú xứ của tỳ khưu ni và thọ đại giới.

Chẳng bao lâu sau, vào một ngày lễ bố tát (uposatha), tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā trong lúc quét dọn và thắp đèn nơi bố tát đường, tỳ khưu ni ấy nhìn chăm chú ngọn đèn lấy đó làm đề mục thiền (biến xứ lửa_tejokasiṇaṃ) chứng thiền; dựa trên định ấy phát triển tuệ minh sát đắc được quả vị A la hán với lục thông và tứ tuệ phân tích.

Thời gian sau Thánh ni Uppalavaṇṇā đi vân du trong xứ rồi trở lại vào ngụ trong khu rừng Andhavana gần thành Sāvatthi. Lúc bấy giờ đức Thế Tôn chưa ban hành luật cấm tỳ kheo ni ngụ ở rừng.

Người ta dựng lên một am cốc với chiếc giường nhỏ và che màng chung quanh, cho tỳ kheo ni trú ngụ.

Một sáng nọ, thánh ni Uppalavaṇṇā rời am cốc đi vào thành Sāvatthi để khất thực.

Có một chàng thanh niên tên Nanda đã thầm thương trộm nhớ khi Thánh ni còn là cư sĩ. Nay biết thánh ni Uppalavaṇṇā về ngụ tại khu rừng Andhavana, hắn ta nhân lúc nàng đi vắng đã vào rừng và phục sẵn dưới gầm giường trong am cốc của thánh ni Uppalavaṇṇā.

Khi thánh ni khất thực trở về, bước vào am cốc thì chàng thanh niên ấy đã cưỡng hiếp.

Thanh niên Nanda hành động tội lỗi xong bỏ đi. Vừa khuất bị sụp đất chết và tái sanh vào địa ngục A tỳ.

Vị trưởng lão ni đã trình sự việc ấy cho chư tỳ kheo ni. Chư tỳ kheo ni bạch lên đức Thế Tôn. Đức Phật đã thuyết pháp nói về kẻ ngu tạo ác nghiệp, nghĩ là ngọt nhưng khi quả chín muồi thì nó chịu khổ đau. Rồi Ngài nói lên bài kệ pháp cú: “Madhuvā maññati bālo … bālo dukkhaṃ nigacchati”.

Sau đó, đức Phật cho mời vua Pasenadi đến, và Ngài phán bảo nhà vua hãy cho xây dựng chỗ ngụ Ni chúng trong nội thành để tránh tổn hại phạm hạnh ni chúng.

*

Chánh văn:

Madhuvā maññati bālo

yāva pāpaṃ na paccati

yadā ca paccati pāpaṃ

bālo dukkhaṃ nigacchati.

(dhp 69)

*

Thích văn:

madhuvā [hợp âm madhu + iva]

madhu [hình thức giản lược của madhuṃ, đối cách số ít của danh từ trung tính madhu] mật ngọt.

iva [viết giản lược trong vần kệ là “vā”. Bất biến từ tỷ giảo] như, như là.

maññati [động từ hiện tại ngôi III số ít (căn man + ya)] nghĩ, nghĩ ngợi.

bālo [chủ cách số ít của danh từ nam tính bāla] người ngu, kẻ điên rồ.

yāva [trạng từ] cho đến, đến chừng.

pāpaṃ [chủ cách số ít của danh từ trung tính pāpa] điều ác, việc ác.

na [phủ định từ] không, chẳng, chưa.

paccati [động từ thụ động thể ngôi III số ít (căn pac + ya)] được nấu chín, được chín muồi.

yadā [trạng từ] khi nào, đến lúc mà.

dukkhaṃ [đối cách số ít của danh từ trung tính dukkha] sự khổ, nỗi khổ đau.

nigacchati [động từ hiện tại ngôi III số ít (ni + căn gam + a)] đến nơi, đạt đến, chịu, bị.

*

Việt văn:

Người ngu nghĩ là ngọt

khi ác chưa chín muồi

lúc ác chín muồi rồi

kẻ ngu chịu khổ đau.

(pc 69)

*

Chuyển văn:

Pāpaṃ yāva na paccati bālo madhuṃ iva maññati yadā ca pāpaṃ paccati bālo dukkhaṃ niggacchati.

Cho đến lúc ác nghiệp chưa chín muồi thì kẻ ngu nghỉ là mật ngọt, khi mà ác nghiệp chín muồi rồi kẻ ngu chịu khổ đau.

*

Lý giải:

Kẻ ngu si thiểu trí dể thảo mãn tính hiếu thắng nó hành động ác quấy, nghĩ là ngọt ngào như mật. Đó là vì ác nghiệp nó làm chưa tới lúc trổ quả.

Khi mà ác nghiệp chín muồi rồi, chừng ấy kẻ ngu mới thấy là đắng cay đau khổ.

Nếu người ta lường trước được hậu quả của hành động xấu thì đã không làm điều xấu ấy.

Do lúc ấy không kềm chế được, người ta chỉ biết hành động để thoả mãn dục vọng hay thoả mãn cơn tức giận, đến khi hậu quả xảy ra, bị phạt vạ, bị cầm tù, bị tử hình, hay bị tái sanh khổ cảnh, chừng ấy hối hận đã muộn màng.

Ác nghiệp như trái độc có vị ngọt vậy, phải biết sợ và tránh xa.

Biên soạn giáo trình: Tỳ khưu Tuệ Siêu