Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | PHẨM NGÀN (sahassavagga) - Kệ số 13 (dhp 112)

Thursday, 16/02/2023, 17:46 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học 16.2.2023

VIII

PHẨM NGÀN

(sahassavagga)

VIII. Phẩm Ngàn _ Kệ số 13 (dhp 112)

Duyên sự:

Bài kệ nầy đức Phật đã thuyết ở Sāvatthi tại chùa Jetavana, vì câu chuyện của trưởng lão Sappadāsa.

Tương truyền trưởng lão Sappadāsa thị dân Sāvatthi sau khi được nghe đức Phật thuyết pháp đã phát tâm xuất gia thành vị tỳ kheo trong giáo pháp. Nhưng trãi qua thời gian dài hành đạo không có tiến triển nên chán nản, dù vậy vị ấy không muốn hoàn tục mà chỉ muốn chết trong chiếc y cà sa thôi, mới tìm cách cho chết.

Trước tiên, vị ấy bắt rắn độc cho nó cắn nhưng con rắn ấy tiền kiếp là nô bộc của vị ấy nên nó không cắn chủ. Vì thế sau nầy biết chuyện, chư tỳ kheo gọi trưởng lão là Sappadāsathera (vị trưởng lão có con rắn là nô bộc).

Lần thứ hai, trưởng lão Sappadāsa nhặt được lưỡi dao cạo tóc của các vị tỳ kheo cạo tóc bỏ quên. Vị trưởng lão suy nghĩ “ta sẽ dùng con dao nầy để kết liễu mạng sống của mình”. Khi vị ấy đi đến một chỗ vắng toan đưa lưỡi dao để cắt cổ, vị ấy quán xét từ khi xuất gia đến giờ giới hạnh của mình trong sạch không tỳ vết, xét vậy tâm hoan hỷ, toàn thân thấm nhuần phỉ lạc, sau khi tịnh chỉ tâm hỷ lạc vị ấy phát triển tuệ minh sát và đắc quả A la hán.

Trưởng lão cầm dao cạo đi vào chùa, gặp các vị tỳ kheo các vị hỏi vị ấy đi đâu mới về? Trưởng lão thành thật nói tôi đi tự sát nhưng đã sát trừ được phiền não nên không tự sát nữa. Các vị tỳ kheo cho là vị nầy phạm đại vọng ngữ nên mách với đức Phật. Đức Phật hiểu rõ nên phán dạy chư tỳ kheo rằng: “Thật thế, bậc lậu tận không bao giờ tự sát. Trước đó tỳ kheo nầy đưa dao lên cổ toan tự sát nhưng vừa khi chứng đắc A la hán thì vị ấy thôi không tự sát nữa.

Chư tỳ kheo bạch hỏi thêm về trưởng lão Sappadāsa. Đức Phật thuyết tiền nghiệp của trưởng lão, và Ngài kết luận bằng bài kệ: “Yo ca vassasataṃ jīve … viriyaṃ ārabhato daḷhan ’ti.

*

Chánh văn:       Yo ca vassasataṃ jīve

                               kusīto hīnavīriyo

                               ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo

                               viriyaṃ ārabhato daḷhaṃ.
                                        

(dhp 112)

*

Thích văn:

                              

kusīto [chủ cách số ít nam tính của tính từ kusīta] lười biếng, biếng nhác.

hīnavīriyo [chủ cách số ít nam tính của hợp thể tính từ hīnaviriya (hīna + viriya)] thiếu tinh tấn, không siêng năng, tinh tấn hạ liệt.

viriyaṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính viriya] tinh tấn, siêng năng

                    

ārabhato [sở thuộc cách số ít nam tính của hiện tại phân từ Ārabhanta (ā +

rabh + anta)] đối với người ra sức, của người thực hiện. Dùng như một trợ động từ “viriyaṃ ārabhati” (nỗ lực, siêng năng).

daḷhaṃ [trạng từ] một cách kiên trì, một cách kiên cường.

*

Việt văn:           Người sống cả trăm năm

                               biếng nhác, chẳng tinh cần

                               sống một ngày tốt hơn

                               nếu tinh tấn kiên trì.

(pc 112)

*

Chuyển văn:

Yo ca kusīto hīnavīriyo vassasataṃ jīve daḷhaṃ vīriyaṃ ārabhato ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo.

So với người sống cả trăm năm mà lười biếng, thiếu chuyên cần, thì một ngày sống của người tinh rấn kiên trì vẫn tốt hơn.

*

Lý giải:

Hīnavīriyo (thiếu chuyên cần) đồng nghĩa với nibbīriyo (không có tinh tấn).

         

Daḷhaṃ vīriyaṃ ārabhato nghĩathiraṃ vīriyaṃ ārabhantassa (của người tinh tấn bền bỉ).

Ý nghĩa của bài kệ nầy là, một người sống dù chỉ một ngày nhưng trong một ngày ấy tận lực tinh tấn đạt đến đạo quả níp bàn, cuộc sống như vậy tốt đẹp hơn, cao quí hơn là sống cả trăm năm nhưng giãi đãi biếng nhác. Vì sao vậy? vì sống chỉ một ngày mà tinh tấn đoạn tận khổ đau, còn người lười biếng dù sống cả trăm năm cũng không thoát được đau khổ, đau khổ đời nầy và đau khổ đời sau.

Lại nữa, một người sống siêng năng nỗ lực dù không đắc đạo quả nhưng nhờ siêng năng mà người ấy thu hoạch được tài sản để nuôi dưỡng cha mẹ, nuôi dưỡng vợ con, nuôi dưỡng bản thân và có phương tiện để làm các công đức. Đời sống của người ấy làm được lợi ích cho mình, làm lợi ích cho tha nhân. Bởi vậy dù người ấy chỉ sống một ngày vẫn có giá trị hơn là đời sống trăm năm của người biếng nhác, không làm lợi ích cho mình cũng không làm lợi ích cho người khác.

Tỳ khưu Tuệ Siêu biên soạn