Môn học: PĀLI PHÁP CÚ || Phẩm Đời (Lokavagga) - Kệ Số 12 (dhp 178)

Thursday, 07/09/2023, 17:25 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 7.9.2023

XIII

PHẨM ĐỜI

(Lokavagga)

XIII. Phẩm Đời_Kệ số 12 (dhp 178)

Duyên sự:

 

Bài kệ nầy được đức Phật thuyết tại Jetavana thành Sāvatthi, do chuyện chứng quả của công tử Kāla, con trai ông trưởng giả Anāthapiṇḍika.

Ông trưởng giả Anāthapiṇḍika có bốn người con, Mahāsubhaddā, Cūlasubhaddā, Sumanādevī và Kāla.

Hai con gái lớn của ông Anāthapiṇḍika là Mahāsubhadda và Cūlasubhadda đều chứng quả tu đà hườn, đứa con gái thứ ba Samanadevī thì đắc quả Tư đà hàm. Riêng về đứa con trai út, công tử Kāla lại không có niềm tin tam Bảo như người cha và ba người chị. Cậu ta không muốn gần đức Thế Tôn, không muốn nghe pháp, không muốn phục vụ tăng chúng những khi cha cậu thỉnh tăng về nhà để cúng dường. Mặc dù trưởng giả Anāthapiṇḍika nhiều lần dạy bảo con trai chớ nên như thế, hãy cung kính tam bảo. Nhưng cậu Kāka vẫn làm ngơ.

Trưởng giả Anāthapiṇḍika có tâm bi mẩn muốn tiếp độ đứa con trai an trú vào chánh pháp, mới khuyến dụ nó bằng tiền thưởng. Ông nói với cậu con trai:

“Này con trai, bắt đầu từ nay vào ngày trai giới nếu con đi đến tịnh xá thọ trì trai giới trọn đêm, cha sẽ cho con một trăm đồng vàng”.

Công tử Kāla đồng ý với cha. Vào ngày trai giới, cậu ta đi đến tịnh xá nhưng không trì giới và nghe pháp, mà  chỉ tìm chổ nằm ngủ cho thoải mái rồi thức dậy lúc trời hừng sáng trở về nhà.

Mỗi lần như thế, cậu ta về tới nhà và đòi cha cho tiền, nhận được một trăm đồng vàng mới chịu ăn sáng.

Một ngày kia, ông trưởng giả nói với con trai:

“Nầy Kāla, hôm nay nếu con đi nghe đức Thế Tôn thuyết pháp, và con nhớ được một câu pháp hay một bài kệ Phật ngôn, cha sẽ cho con ngàn đồng vàng”.

Công tử nghe số tiền thưởng lớn như vậy, liền nhận lời đi đến tịnh xá nghe pháp. Cậu ta chủ tâm rằng: “Ta chỉ cần nhớ được một câu kệ ngôn từ đức Phật, sẽ trở về”.

Đức Thế Tôn quán xét thấy duyên lành đạo quả của Kāla hôm này đã chín muồi, Ngài liền dùng Phật lực khiến cho Kāla khi đứng lên ra về thì quên ngay câu kệ ngôn vừa thuộc lòng. Cậu ta lại trở vào ngồi xuống nghe pháp để học thuộc kệ ngôn khác, rồi ra về, nhưng cũng quên mất. Lần thứ ba, công tử Kāla quyết tâm: “Lần này ta sẽ nghe pháp với sự suy ngẩm để nhớ Phật ngôn rõ ràng rồi hãy về”.

Do nghe pháp với tâm an tịnh, kính cẩn nên trí tuệ được khai thông, chân lý bừng sáng. Dứt pháp thoại, công tử Kāla đắc quả Dự lưu.

Chàng trú lại tịnh xá suốt đêm trì giới và thiền định. Khi trời rạng sáng, chàng cung thỉnh đức Phật và chư Tăng về nhà mình thọ thực.

Sáng sớm, trưởng giả Anāthapiṇḍika thấy từ xa con trai trở về, có đức Phật dẫn đầu chư tăng đang ngự đến. Ông trưởng giả vô cùng hoan hỷ, ông nghĩ rằng:

“Con trai ta hôm nay thật khác hẳn ngày thường, chắc chắn nột tâm đã có sự thay đổi”.

Trưởng giả thân hành ra tiếp rước y bát và cung thỉnh đức Phật và chư Tăng vào nhà và ngự trên chổ ngồi đã được soạn sẳn.

Công tử Kāla thưa với cha:

“Thưa cha, hôm nay con cung thỉnh đức Thế Tôn và chư Tăng đến thọ thực tại nhà chúng ta. Xin cha hãy hoan hỷ phước với con”.

Công tử Kāla vẫn e ngại cha sẽ nhắc việc cho tiền ta đi thọ giới và nghe pháp, trước mặt đức Thế Tôn cùng Tăng chúng. Nhưng ông trưởng giả đã sắp đặt túi tiền thưởng, ông trao cho con trai trước mặt đức Phật, và nói: “đây là tiền thưởng của con đi chùa thọ giới và nghe pháp”. Chàng hổ thẹn nói rằng: “Thưa cha, giờ đây con không còn mong được tiền thưởng nữa”.

Ông trưởng giả nghe vật hoan hỷ bạch với đức Thế Tôn:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay con rất hài long về tư cách của Kāla. Những ngày trước từ chùa về nhà nếu không nhận được tiền thưởng sẽ không ăn vật thực. Hôm nay Kāla lại từ chối nhận tiền thưởng dù cả ngàn đồng”.

“Thật vậy, này gia chủ, quả Dự lưu mà Kāla đã chứng đạt còn cao quí hơn cả ngôi vị Chuyển luân vương, hơn chúa tể cõi trời, hơn sanh thú thiên giới nữa”.

Nói xong đức Thế Tôn đã thuyết lên bài kệ: “Pathavyā ekarajjena…v.v…sotāpattiphalaṃ varan’ ti”.

Pháp thoại đã đem lại lợi lạc cho nhiều người hiện diện.

 

Chánh văn:

12. Pathavyā ekarajjena

saggassa gamanena vā

sabbalokādhipaccena

sotāpattiphalaṃ varaṃ.

(dhp 178)

 

Thích văn:

 

Pathavyā [hình thức giản lược của pathaviyā. Sở thuộc cách, số ít, danh từ nữ tính pathavī] của quả đất, hoàn cầu.

            

Ekarajjena [sở dụng cách, số ít, nam tính, hợp thể tính từ ekarajja (eka + rajja)] độc quyền, thống lảnh.

 

Saggassa [chỉ định cách, số ít, danh từ nam tính sagga] cỏi trời, thiên giới.

 

Gamanena [sở dụng cách, số ít, trung tính, danh động từ gamana (gam + ana)] sự đi đến, sự hành trình, sự tái sanh.

 

Sabbalokādhipaccena [sở dụng cách, số ít, nam tính, hợp thể danh từ sabbhalokādhipacca (sabbaloka + ādhipacca / sabba + loka = sabbaloka / adhipati + ya = ādhipacca)] bá chủ toàn cầu, chủ tể vũ trụ.

 

Sotāpattiphalaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, hợp thể danh từ sotāpattiphala (sotāpatti + phala)] quả Tu đà hườn, quả Nhập lưu, quả Dự lưu.

 

Varaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, tính từ vara] cao quí, quí báu, ưu tú, tối thắng.

 

Việt văn:

12. Hơn thống lảnh hoàn cầu

hơn đi đến cỏi trời

hơn chúa tể thế giới

quả Dự lưu cao quí.

(pc 178)

 

Chuyển văn:

 

Pathavyā ekarajjena saggassa vā gamanena sabbalokādhipaccena sotāpattiphalaṃ varaṃ.

 

Quả vị Nhập lưu cao quí hơn chủ quyền trái đất, hơn tái sanh cỏi trời, hơn chúa tể cả thế giới.

 

Lý giải:

 

Thống lảnh hoàn cầu (pathavyā ekarajja) là nói đến vị Chuyển luân vương (cakkavattirājā), người với thiên luân báu chinh phục quả đất có biển là biên giới.

Đi đến cỏi trời (saggassa gamana) là sanh về hai mươi sáu cỏi, gồm sáu cỏi dục giới thiên, mười sáu cỏi sắc giới thiên, bốn cỏi vô sắc giới thiên.

Chúa tể thế giới (sabbalokādhipacca) là chủ quyền trong tất cả thế giới (sabbasmin loke ādhipaccaṃ), là vua của các vương quốc, lảnh tụ của các quốc gia, lảnh chúa của các lảnh thổ, kể cả là chúa loài mảng xà, chúa loài chim, chúa loài ngạ quỉ…v.v…

Dù ở các địa vị có quyền lực uy lực như thiên tiên, phạm thiên, chuyển luân vương, vua quốc độ, hay chúa tể các loài cũng không thoát khỏi khổ sanh, khổ già, khổ bệnh, khổ chết, khổ đoạ xứ.

Nhưng một người chứng đắc đạo quả Dự lưu (Sotāpatti) thì người ấy đoạn trừ ba kiết sử (thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ), đoạn trừ chủng tái sanh đoạ xứ, vị ấy chắc chắn sẽ đạt đến vô dư y níp bàn chậm lắm là từ đây đến bảy kiếp sống nữa thôi. Do ý nghĩa đó mà trong bài kệ nầy đức Phật dạy: Quả Dự lưu cao quí hơn quyền lực chuyển luân vương, hơn quyền lực chúa tể các loài, hơn uy lực phạm thiên_ chư thiên.

 

Dứt phẩm thứ mười ba

Phẩm đời

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn