Môn học: PĀLI PHÁP CÚ - Kệ số 1 _ Phẩm Song Đối

Friday, 18/03/2022, 10:16 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 18.3.2022


Kệ số 1 _ Phẩm Song Đối

Chánh văn:

Manopubbhaṅgamā dhammā

manoseṭṭhā manomayā

manasā ce paduṭṭhena

bhāsati vā karoti vā

tato naṃ dukkhamanveti

cakkaṃ’va vahato padaṃ

(dhp 1)

Các pháp, ý dẫn đầu,

ý là chủ, ý tạo,

nếu với ý tội lỗi

nói ra hay hành động

đau khổ sẽ theo sau

như xe, chân vật kéo.

(pc 1)

*

Thích văn:

manopubbhaṅgamā [chủ cách số nhiều của phức hợp ngữ manopubbaṅgama (mana + pubbaṅgama). Dùng như tính từ cho danh từ dhammā] có ý đi trước, có ý dẫn đầu.
manoseṭṭhā [chủ cách số nhiều của phức hợp ngữ manoseṭṭha (mana + seṭṭha). Dùng như tính từ cho danh từ dhammā] có ý là trưởng, có ý là chủ xướng.
manomayā [chủ cách số nhiều của chuyển hoá ngữ manomaya (mana + maya). Dùng như tính từ, cho danh từ dhammā] ý tạo ra, làm bằng ý.
dhammā [chủ cách số nhiều của danh từ nam tính dhamma] các pháp, những sự kiện nhân quả.
manasā [sở dụng cách số ít của danh từ đặc biệt mana] do ý, bởi ý, với ý.
ce [hình thức giản lược của giới từ sace] nếu, nếu như.
paduṭṭhena [sở dụng cách số ít của paduṭṭha (qkpt của động từ padussati). Dùng như tính từ đi với manasā] tồi bại, hư hỏng, tội lỗi.

bhāsati [động từ hiện tại ngôi 3 số ít bhāsati (bhās + a)] phát ngôn, nói ra.

Và [liên từ, bất biến từ] hay, hay là, hoặc, hoặc là.

karoti [động từ hiện tại ngôi ba số ít karoti (kar + o)] làm, tạo tác, hành động.
tato [trạng từ, bất biến từ] từ đó, từ đấy, vì vậy.
naṃ [đối cách số ít của đại từ ta] nó, người ấy.

dukkhamanveti [hợp âm dukkhaṃ anveti]

dukkhaṃ [chủ cách số ít của danh từ trung tính dukkha] sự khổ đau, nỗi khổ.

anveti [động từ hiện tại ngôi 3 số ít anveti (anu + i)] đi theo, theo tính, theo đuổi.

cakkaṃ’va (hợp âm cakkaṃ iva)

cakkaṃ [chủ cách số ít của danh từ trung tính cakka] vòng tròn, bánh xe. Nên hiểu trong trường hợp nầy danh từ cakka nghĩa là chiếc xe do bò hay ngựa kéo

iva [bất biến từ] ví như, tỷ như, như thể.
vahato [sở thuộc cách số ít của vahanta, hiện tại phân từ của động từ vahati (vah + a)] đang kéo đi, đang lôi đi. Dùng như một danh từ có nghĩa “con vật kéo” như con bò, con ngựa, con lừa ..v.v..
padaṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính pada] chân cẳng, chi thể của động vật để di chuyển, bước đi, chạy.

*

Chuyển văn:

Dhammā manopubbhaṅgamā manoseṭṭhā manomayā. Paduṭṭhena ce manasā bhāsati vā karoti vā, tato dukkhaṃ naṃ anveti cakkaṃ iva vahato padaṃ anveti.

Các pháp có ý dẫn đầu, có ý là chủ xướng, được tạo bằng ý. Nếu nói hay hành động bằng ý tội lỗi thì tất đau khổ sẽ theo kẻ ấy như xe chạy theo chân của con vật kéo.

*

Lý giải:

Các pháp có ý dẫn đầu, có ý là chủ, được tạo bằng ý. Các pháp (dhammā) ở đấy theo chú giải chỉ cho ba uẩn tâm sở: thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn. Nhưng nói chính xác, là Tư tâm sở (cetanācetasika) hay nghiệp (kamma). Tư tâm sở đồng sanh thọ uẩn, tưởng uẩn và hành uẩn bất thiện, gọi là nghiệp bất thiện. Ba danh uẩn nầy phải tương ưng với thức uẩn tức là tâm bất thiện, mới hoạt động tạo nghiệp bất thiện được. Thức, tâm và ý đồng nghĩa. Trong bốn uẩn đồng sanh đó thì thức uẩn (ý) gọi là dẫn đầu, là chủ xướng, ví như băng cướp có đầu đảng vậy.

Nói hay làm với ý tội lỗi. Ý tội lỗi (manasā paduṭṭhena) là với tâm bất thiện hay bốn danh uẩn bất thiện, nghĩa là bốn danh uẩn đồng sanh với căn bất thiện (akusalamūla) căn tham, căn sân và căn si. Thật ra, tâm bất thiện tạo ba nghiệp là thân ác nghiệp, khẩu ác nghiệp, ý ác nghiệp nhưng vì giới hạn cú pháp thi kệ nên chỉ đề cập khẩu hành và thân hành (bhāsati vā karoti vā).

Hình ảnh thí dụ về chiếc xe được con bò hay con ngựa kéo chạy để minh hoạ quả khổ đuổi theo kẻ tạo ác nghiệp suốt kiếp luân hồi, cũng như chiếc xa mãi lăn theo chân của con vật kéo nó, dù con bò hay con ngựa chạy đi cả ngày, chiếc xe vẫn không rời chân con bò hay con ngựa ấy. Hiện báo nghiệp có thể thành vô hiệu nghiệp; Sanh báo nghiệp có thể thành vô hiệu nghiệp; Nhưng hậu báo nghiệp ác sẽ trổ quả theo mãi cho đến khi người ấy kết thúc luân hồi mới thành vô hiệu nghiệp.

*

Duyên sự:

Đức Phật thuyết bài kệ pháp cú số 1 nầy khi Ngài trú tại chùa Jetavana ở thành Sāvatthi, do câu chuyện của Trưởng lão Cakkhupāla đắc A la hán nhưng bị mù mắt.

Ở Sāvatthi có ông trưởng giả Mahāpāla được nghe đức Phật thuyết pháp đã nhàm chán sự đời, bỏ gia sản và xuất gia theo đức Phật.

Sau khi xuất gia, Trưởng lão chọn đi con đường pháp hành, thọ trì hạnh đầu đã ngăn oai nghi nằm, ẩn cư tại một vùng biên địa, tinh tấn tu tập thiền quán.

Trải qua ba tháng an cư mùa mưa, hạ đầu tiên, trưởng lão chuyên cần hành đạo như vậy, vì không nằm ngủ nên sanh bệnh đau mắt. Có vị lương y trong làng bào chế thuốc nhỏ mắt cho trưởng lão, nhưng trưởng lão chỉ ngồi nhỏ thuốc nên không hiệu quả. Trưởng lão thường dạy tâm rằng: chớ có vì con mắt thịt nầy mà gián đoạn sa môn pháp, hãy làm cho phát sanh tuệ nhãn. Hết thời an cư mùa mưa đó, trưởng lão đã chứng tuệ nhãn, đắc quả A la hán, nhưng đồng thời bị mù đôi mắt. Cũng do nhân ấy mà các vị đồng phạm hạnh gọi Trưởng lão với biệt danh Cakkhupāla (Hộ Nhãn) nghĩa là bậc hộ trì tuệ nhãn.

Làm lễ tự tứ (pavāranā) xong, các vị tỳ kheo tính đưa Trưởng lão cùng về Jetavana để yết kiến đức Bổn sư nhưng trưởng lão không muốn làm phiền chư tăng nên xin để về sau. Đức Đế Thích dùng thần lực đưa trưởng lão về Sāvatthi đảnh lễ đức Phật.

Đức Phật đã xác chứng quả vị chứng đắc của Trưởng lão Cakkhupāla. Chư tỳ kheo nghe vậy bèn bạch hỏi đức Phật, Trưởng lão Cakkhupāla đã tạo nghiệp gì nay bị mù dù đắc A la hán?

Đức Phật kể lại, thời quá khứ vị ấy là một thầy thuốc tài giỏi. Một lần có người thiếu phụ nghèo bị đau mắt đến nhờ thầy chữa trị và hứa sẽ làm nô lệ nhà thầy để trả công cho thầy. Thế nhưng khi mắt đã khỏi thì thiếu phụ ấy nói tráo trở để khỏi làm nô lệ trả công cho thầy. Vị thầy thuốc tức giận sanh ác ý làm hại nàng, bèn bào chế lọ thuốc độc gạt người thiếu phụ nhỏ vào mắt khiến nàng ấy bị mù mắt. Do ác nghiệp như vậy nên quả xấu theo mãi, đến kiếp hiện tại dù chứng thánh quả A la hán vẫn phải bị mù loà.

Nhắc tiền nghiệp của Trưởng lão Cakkhupāla xong, đức Phật thuyết bài kệ pháp cú trên.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu