Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | IX. Phẩm Ác (Pāpavagga) _ Kệ số 3 (dhp 118)

Thursday, 09/03/2023, 08:59 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 9.3.2023


IX

PHẨM ÁC

(Pāpavagga)

IX. Phẩm Ác _ Kệ số 3 (dhp 118)

Duyên sự:

Bài kệ nầy đức Phật thuyết khi Ngài trú tại Jetavana thành Sāvatthi, do câu chuyện của thiên nữ Lājā.

Chuyện xuất phát từ thành Rājagaha bấy giờ trưởng lão Mahākassapa trú ngụ trong thạch động Pipphali đang nhập thiền diệt (nirodhasamāpatti). Sau bảy ngày trưởng lão xuất thiền và dùng thiên nhãn quán xét người hữu duyên để hoá độ, thấy một phụ nữ nghèo làm việc giữ ruộng lúa sāli đang rang lúa thành cớm làm thức ăn.

Trưởng lão Mahākassapa bèn đắp y mang bát đi khất thực đến đó, Trưởng lão đứng gần ruộng lúa sāli của người phụ nữ ấy.

Người phụ nữ nhìn thấy trưởng lão, phát tâm tịnh tín, lấy cớm rang kính cẩn đặt vào bát của trưởng lão. Vị trưởng lão chúc phúc cho thí chủ xong bước đi tiếp.

Người phụ nữ sau khi cúng dường cớm rang đến vị trưởng lão, tâm tràn ngập niềm hoan hỷ, trở lại ruộng lúa làm việc. Rủi thay phụ nữ ấy bước đạp nhầm con rắn độc nó cắn vào chân cô ta, nộc độc khiến cô ta mệnh chung. Đang hoan hỷ với thiện sự cúng dường, cô Lājā chết sanh làm vị thiên nữ trên cõi trời Đạo Lợi, có tên là Lājādevadhītā.

Thiên nữ Lājā quán xét nhân gì được sanh thiên, thì biết rằng chỉ nhờ một việc thiện nhỏ là cúng dường đặt bát cho tôn giả Mahākassapa. Vị thiên nữ suy nghĩ việc thiện nhỏ, phước ít ỏi mà được sanh thiên như vầy, ta hãy tạo thêm phước báu để tăng trưởng thiên lạc.

Thiên nữ Lājā hiện xuống nơi trú xứ của trưởng lão Mahākassapa và làm công quả quét dọn chung quanh chỗ ở của trưởng lão.

Trưởng lão ngồi trong cốc nghe tiếng động bên ngoài bèn lên tiếng hỏi, vị thiên nữ đáp: con là thiên nữ Lājā xuống công quả phục dịch quét dọn cho Ngài.

Trưởng lão mới ngăn bảo không cần người phục dịch đâu. Vị thiên nữ xin Ngài chấp nhận để mình tạo thêm phước báu. Cầu xin ba lần, trưởng lão nhất quyết từ chối.

Thiên nữ bay lên hư không đứng lửng than khóc: “Bạch Ngài, xin ban ân cho con được tạo phước để an vui lâu dài”.

Đức Thế Tôn từ trong hương thất Jetavana ở thành Sāvatthi, với thiên nhĩ Ngài nghe tiếng khóc của vị thiên nữ bèn phóng hào quang thị hiện trước mặt thiên nữ ấy mà dạy rằng: “Hỡi thiên nữ, con trai ta Mahākassapa là người nghiêm túc, thu thúc các căn, không muốn có người phục dịch. Tuy nhiên, người đã làm phước, ước muốn điều thiện, tiếp tục làm thêm thì đó là điều đưa đến an lạc lâu dài”. Rồi Ngài nói lên bài kệ: “Puññañce puriso kayirā … sukho puññassa uccayo ’ti”.

Dứt pháp thoại, thiên nữ Lājā chứng đắc quả Dự lưu.

*

Chánh văn: 

Puññañce puriso kayirā

kayirāth’ etaṃ punappunaṃ

tamhi chandaṃ kayirātha

sukho puññassa uccayo.

(dhp 118)

*

Thích văn:

puññañce [hợp âm puññaṃ ce]

puññaṃ [đối cách số ít của danh từ trung tính puñña] phước báu, công đức, điều thiện.

kayirāth’ etaṃ [hợp âm kayirātha etaṃ]

kayirātha [động từ khả năng cách ngôi III số ít, hình thức attanopada, “căn kar + yira”] làm, thực hiện, hành động.

etaṃ [đối cách số ít trung tính của chỉ thị đại từ “eta”] cái đó, việc đó.

sukho [chủ cách số ít nam tính của tính từ sukha (sukha + ṇa)] an vui, an lạc, dể chịu.

puññassa [chỉ định cách số ít của danh từ trung tính puñña] phước thiện.

*

Việt văn:

Nếu người làm điều thiện

phải tiếp tục làm thêm

nên ước muốn điều thiện

tích thiện tất an lạc.

(pc 118)

*

Chuyển văn:

Puriso ce puññaṃ kayirā etaṃ punappunaṃ kayirātha tamhi chandaṃ kayirātha, puññassa uccayo sukho.

Nếu người làm được điều thiện phải tiếp tục làm thêm điều thiện ấy, nên có ước muốn điều tốt ấy, tích thiện được an lạc.

*

Lý giải:

Người có tâm ước muốn được phước báu, người ấy sẽ làm điều thiện.

Làm thiện không phải chỉ làm một lần hay chỉ thỉnh thoảng làm, mà phải làm lập đi lập lại cho thành thói quen thích làm phước. Vì chúng sanh phàm phu khó vui trong thiện pháp do bản chất phiền não tham sân si đã huân tập nên phải làm thiện lập đi lập lại để thành thói quen tốt, hay thành thường cận y dể sanh tâm thiện.

Nên thấy được lợi ích của phước báu. Chất chứa thiện sẽ đem lại an vui hạnh phúc đời nầy và đời sau, nhất là phước lành sẽ giúp cho người giảm thiểu phiền não, rồi đoạn tận phiền não, chấm dứt khổ luân hồi.

Bài kệ nầy còn có một ý nghĩa nữa là trong cuộc sống có những điều tốt đẹp, nếu đã làm được điều tốt đẹp ấy nên lập đi lập lại cho thành thói quen tốt. Luôn luôn thích sống làm điều tốt để đạt được chân thiện mỹ trong cuộc sống.

Tỳ khưu Tuệ Siêu biên soạn