Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | IX. Phẩm Ác (Pāpavagga) _ Kệ số 2 (dhp 117)

Monday, 06/03/2023, 08:40 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 6.3.2023


IX

PHẨM ÁC

(Pāpavagga)

IX. Phẩm Ác _ Kệ số 2 (dhp 117)

Duyên sự:

Bài kệ nầy đức Thế tôn thuyết khi Ngài trú tại Jetavana thành Sāvatthi, vì câu chuyện của tỳ kheo Seyyasaka.

Tỳ kheo Seyyasaka là đệ tử của trưởng lão Lāḷudāyi.

Tỳ kheo Seyyasaka bị ức chế sinh lý nên tâm bực bội, thân bức xúc, trở nên tiều tuỵ xanh xao, thầy tế độ là trưởng lão Lāḷudāyi thấy đệ tử như vậy bèn hỏi nguyên do. Tỳ kheo Seyyasaka liền tâm sự với thầy việc mình bị ức chế sinh lý.

Thầy mới bảo học trò: “Trước đây ta cũng có tình trạng ấy, nhờ thủ dâm cho xuất tinh nên tâm sinh lý trở lại bình thường, thân tươi tắn lại. Ông hãy làm như ta đi! sẽ thấy thoải mái”.

Tỳ kheo ấy nghe theo lời thầy dạy, ăn uống bồi bổ, ngủ nghĩ đủ giấc, rồi khi cơ thể sung mãn dục nhiễm bèn thủ dâm cho xuất tinh. Theo cách nầy một thời gian tỳ kheo Seyyasaka tươi tắn lạc quan không còn héo sầu như trước nữa. Cứ vậy mỗi khi tâm buồn bực, vị ấy làm như thế.

Các tỳ kheo quen biết thấy tỳ kheo Seyyasaka sắc diện thay đổi, không còn úa xào nữa mới hỏi bằng cách nào mà cải thiện vậy? Tỳ kheo Seyyasaka nói cho các tỳ kheo nghe mọi việc.

Những vị tỳ kheo có tàm quý khi nghe vậy lấy làm bất mãn nên đem sự việc bạch trình lên đức Phật. Bậc Đạo Sư cho gọi tỳ kheo Seyyasaka đến hỏi rõ, tỳ kheo ấy thừa nhận hành động của mình.

Đức Phật đã quở trách tỳ kheo ấy và Ngài hợp Tăng ban hành học giới (điều tăng tàn thứ nhất). Sau đó đức Phật thuyết pháp và kết luận bằng bài kệ: “Pāpañce puriso kayirā … dukkho pāpassa uccayo ’ti”.

Cuối pháp thoại có nhiều vị chứng đắc thánh quả.

*

Chánh văn:

Pāpañce puriso kayirā

na naṃ kayirā punappunaṃ

na tamhi chandaṃ kayirātha

dukkho pāpassa uccayo.

(dhp 117)

*

Thích văn:

pāpañce [hợp âm pāpaṃ ce]

pāpaṃ [đối cách số ít của danh từ trung tính pāpa] điều ác, điều xấu, việc quấy.

ce [giới từ, hình thức giản lược của sace] nếu.

puriso [chủ cách số ít của danh từ nam tính purisa] đàn ông; một con người.

kayirā [động từ khả năng cách ngôi III số ít, hình thức attanopada “căn kar + yira”] có thể hành động, có thể làm.

na [phủ định từ] không. Dùng với động từ khả năng cách kayirā có nghĩa là “không nên làm, không nên hành động”.

naṃ [đối cách số ít trung tính của chỉ thị đại từ “ta”] điều ấy, việc ấy.

punappunaṃ [trạng từ “puna + puna”] nữa nữa, hoài hoài, tiếp tục.

tamhi [định sở cách số ít trung tính của chỉ thị đại từ “ta”] đối với việc ấy, trong việc ấy.

chandaṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính biệt ngữ chanda] sự ước muốn, nguyện vọng.

kayirātha [động từ khả năng cách ngôi ba số ít, hình thức attanopada “căn kar + yira”] có thể làm, nên làm. Dùng như trợ động từ, chandaṃ kayirātha: nên mong muốn; Na chandaṃ kayirātha: không nên mong muốn.

dukkho [chủ cách số ít nam tính của tính từ dukkha (dukkha + ṇa)] khổ đau, khó chịu.

pāpassa [chỉ định cách số ít của danh từ trung tính pāpa] việc ác, việc xấu, điều quấy.

uccayo [chủ cách số ít của danh từ nam tính uccaya] sự chất chứa, sự tích luỹ.

*

Việt văn:

Nếu người làm điều ác

chớ tiếp tục làm nữa

chớ ước muốn điều ác

tích luỹ ác là khổ.

(pc 117)

*

Chuyển văn:

Puriso ce pāpaṃ kayirā taṃ punappunaṃ na kayirā tamhi chandaṃ na kayirātha pāpassa uccayo dukkho.

Nếu người có làm điều ác xấu, không nên làm điều đó tiếp tục nữa; chớ có ước muốn điều ác ấy, chứa ác bị khổ đau.

*

Lý giải:

Có câu “ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt”, một điều ác được làm lập đi lập lại sẽ trở thành một thói xấu.

Ý nghĩa trong bài kệ pháp cú nầy đức Phật dạy nếu người mới làm điều quấy lần đầu thì nên biết nhận thức: “điều ấy là xấu xa, không lợi ích”. Rồi dừng lại không tái phạm. Như vậy sẽ không bị tiêm nhiễm thói xấu.

Người lập đi lập lại việc làm ác vì người đó thích thú mong muốn điều ác, thấy làm ác là sảng khoái. Bởi vậy, không nên mong muốn điều ác, nên sợ điều ác như người nam hay nữ chán ghét vết bẩn trên mặt hoặc bực mình vết bùn dính trên y phục sạch sẻ vậy.

Người không mong muốn điều ác sẽ không tái phạm việc làm quấy.

Tại sao phải bỏ điều ác? Vì sự chất chứa điều ác sẽ khiến bị khổ đau trong kiếp hiện tại và dẫn đến cõi khổ trong kiếp vị lai.

Tỳ khưu Tuệ Siêu biên soạn