- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: PĀLI PHÁP CÚ
Bài học ngày 6.4.2023
IX
PHẨM ÁC
(Pāpavagga)
IX. Phẩm Ác _ Kệ số 12 (dhp 127)
Duyên sự:
Bài kệ nầy đức Phật thuyết khi Ngài trú tại Jetavana gần thành Sāvatthi, nhân câu chuyện của ba nhóm tỳ kheo.
Tương truyền, có ba nhóm tỳ kheo từ ba nơi du hành về Sāvatthi để diện kiến bậc Đạo sư.
Nhóm thứ nhất đi ngang qua một ngôi làng, các vị dừng chân khất thực trong ngôi làng ấy. Một nhà nọ đang bị hoả hoạn, có con quạ bay qua bị khói lửa làm mù mắt không thể bay, nó rớt xuống giữa đám cháy và chết. Các tỳ kheo thấy cảnh ấy, nghĩ rằng chúng ta sẽ hỏi đức Thế Tôn về ác nghiệp của chúng sanh nầy.
Nhóm thứ hai, các tỳ kheo nầy đáp thuyền vượt trùng dương, thuyền đang đi giữa biển bỗng nhiên đứng khựng không chạy nữa, mọi người trên thuyền cho rằng trong số người đi thuyền có kẻ xui xẻo, hãy rút thăm để biết ai vận xui. Cả ba lần bốc thăm, người vợ của thuyền trưởng đều trúng lá thăm số đen. Mọi người yêu cầu thuyền trưởng phải hy sinh vợ để thuyền chạy. Thế là họ bắt người phụ nữ vợ thuyền trưởng trói lại và cột vào chum cát thảy xuống biển tế Hải thần. Các tỳ kheo đi trên thuyền chứng kiến cảnh thương tâm như vậy, tự nghĩ không biết người phụ nữ nầy đã tạo ác nghiệp gì mà phải bị dìm chết như thế! Chúng ta sẽ hỏi đức Phật. Khi thuyền cập bến, các vị tỳ kheo lên bờ và bộ hành về Jetavana.
Một nhóm tỳ kheo khác gồm bảy vị, an cư ở miền biên địa. Khi mãn hạ các vị trở về Sāvatthi đảnh lễ bậc Đạo Sư. Dọc đường, chiều tối các vị ghé vào một ngôi chùa ở triền núi, xin tá túc qua đêm. Được sắp xếp cho ngủ trong động đá có bảy giường nằm. Không ngờ đến nữa đêm, một tảng đá bằng cái nhà từ trên núi lăn xuống chắn bít cửa động đá. Chư tăng trong chùa cố sức dẹp tảng đá để giải cứu bảy vị khách tăng nhưng không thể. Đến ngày thứ bảy, tảng đá tự động lăn đi, bảy vị tỳ kheo thoát chết nhưng đuối sức vì nhịn ăn bảy ngày. Bảy vị tỳ kheo ấy tự nghĩ: “Quả ác nầy của chúng ta, ngoài bậc Đạo Sư sẽ không ai biết được, chúng ta sẽ hỏi Ngài”.
Trên đường về Sāvatthi cả ba nhóm gặp nhau liền vầy đoàn đi về đảnh lễ Đức Thế Tôn. Sau khi đáp lời vấn an của Đức Thế Tôn, chư tỳ kheo lần lượt từng nhóm hỏi Ngài về tiền nghiệp của con quạ bị chết cháy, tiền nghiệp của người phụ nữ bị dìm chết dưới biển, tiền nghiệp của bảy tỳ kheo bị nhốt trong động đá.
Đức Phật lần lượt giải thích những tiền nghiệp được hỏi:
Tiền thân con quạ là một nông dân vì tức giận chon bò khó dạy đã chất rơm thiêu chết con bò. Do ác nghiệp ấy người nông dân sanh vào địa ngục, quả dư sót sanh làm chim quạ bảy kiếp bị chết cháy.
Tiền thân của vợ ông thuyền trưởng là nữ gia chủ, nhà có nuôi con chó, nó quyến luyến bà chủ, lúc nào cũng đi theo bà chủ như bóng với hình. Mọi người thấy thế chến nhạo bà là nữ thợ săn. Nữ gia chủ đánh đuổi con chó thế nào nó cũng đi theo mãi. Vì mắc cỡ với dân làng nên nữ gia chủ đả nhẫn tâm xích cổ con chó và đầu dây cột vào cái bình đầy cát ném nó xuống ao, con chó không thể trồi lên, nó ngộp nước mà chết. Nữ gia chủ ấy sau khi mệnh chung đã sanh vào địa ngục, quả dư sót sanh làm người, làm thú bị dìm chết dưới nước.
Tiền thân của bảy bị tỳ kheo bị nhốt trong hang đá bảy ngày, kiếp quá khứ bảy vị ấy là bảy đứa trẻ mục đồng chăn bò đi ăn cỏ ven rừng, khi chỗ nầy khi chỗ khác cứ bảy ngày thì trở lại chỗ cũ… Một hôm, chúng gặp một con kỳ đà và rượt bắt, con kỳ đà chạy thoát chun vào gò mối lớn có nhiều ngách. Lũ mục đồng mỗi đứa bẻ nhánh cây chèn lỗ ngách nhốt con kỳ đà, tính ngày mai đem cuốc xẻng ra đào bắt. Nhưng lũ trẻ hôm sau đánh bò đi ăn chỗ khác, quên con kỳ đà. Mãi đến bảy ngày sau quay lại cho bò ăn chỗ cũ, thấy gò mối sực nhớ ra con kỳ đà, chúng nhổ cây chèn cửa ngách, con kỳ đà chun ra ngất ngư gần chết vì đói. Lũ trẻ thấy vậy thương hại nên tha cho nó đi. Do tạo nghiệp ấy bảy đứa mục đồng dù không sát hại kỳ đà nhưng làm nó bị nhốt đói nên đã mười bốn kiếp bị bỏ đói.
Sau khi nhắc lại bổn sanh, đức Phật thuyết pháp về nghiệp báo, rồi Ngài đúc kết bằng bài kệ: “Na antalikkhe na samuddamajjhe … yaṭṭhaṭṭhito muñceyya pāpakammā ’ti”.
Cuối pháp thoại, ba nhóm tỳ kheo đắc được thánh quả và hội chúng cũng đạt được nhiều lợi ích.
*
Chánh văn:
Na antalikkhe na samuddamajjhe
na pabbatānaṃ vivaraṃ pavissa
na vijjati so jagatippadeso
yatthaṭṭhito muñceyya pāpakammā.
(dhp 127)
*
Thích văn:
antalikkhe [định sở cách số ít của danh từ trung tính antalikkha] trên không trung, trên bầu trời.
samuddamajjhe [định sở cách số ít của hợp thể danh từ nam tính samuddamajjha (samudda + majjha) ở giữa biển, giữa biển khơi.
pabbatānaṃ [sở thuộc cách số nhiều của danh từ nam tính pabbata] của những ngọn núi.
vivaraṃ [đối cách số ít của danh từ trung tính vivara] khe, chỗ hở, hang động.
pavissa [một hình thức bất biến quá khứ phân từ của động từ pavisati, = pavisitvā] sau khi đi vào, đã vào.
vijjati [động từ hiện tại ngôi III số ít (căn vid + ya)] có thể có, được tìm thấy.
jagatippadeso [chủ cách số ít của danh từ hợp thể nam tính jagatippadesa (jagati + padesa)] một vùng trên địa cầu, một nơi trên mặt đất, một lãnh thổ.
yatthaṭṭhito [chủ cách số ít nam tính của hợp thể danh từ (yattha + ṭhita)] nơi mà trú ở, chỗ trú mà…
muñceyya [động từ khả năng cách ngôi III số ít (căn muc + ṃ_a)] có thể thoát khỏi, có thể giải thoát.
pāpakammā [xuất xứ cách số ít của hợp thể danh từ trung tính pāpakamma] từ ác nghiệp, khỏi nghiệp ác.
*
Việt văn:
Không trên trời, giữa biển,
không lánh vào hang núi
không chỗ nào trên đời
thoát khỏi quả nghiệp ác.
(pc 127)
*
Chuyển văn:
Na antalikkhe na samuddamajjhe na pabbatānaṃ vivaraṃ pavissa yatthaṭṭhito pāpakammā muñceyya so jagatippadeso na vijjati.
Không ở trên hư không, không ở giữa biển cả, không phải đi vào hang núi, nơi mà trú ẩn có thể thoát khỏi ác nghiệp, nơi chốn ấy trong thế gian không có.
*
Lý giải:
Người ta có thể trốn tránh kẻ thù hay trốn tránh sự truy nã của vua hay trốn tránh chủ nợ theo đòi, bằng cách bỏ đi biệt xứ, cải tên đổi họ, thậm chí là tự sát để sanh cảnh giới khác ..v.v..
Nhưng nghiệp ác mà người đã tạo thì không thể trốn tránh ở đâu trong thế gian nầy để thoát khỏi quả của nghiệp ác, thậm chí là sanh ở cảnh giới khác, thế nên mới nói không có chỗ nào trên thế gian trú ẩn thoát khỏi ác nghiệp.
Ác nghiệp được tạo bởi tâm tương ưng căn bất thiện, tư bất thiện (akusalacetanā) có mãnh lực dị thời nghiệp trỗ sanh dị thục quả. Quả khổ theo sau như xe theo sau con bò kéo, dù con bò đi gần hay đi xa tới đâu thì chiếc xe vẫn bám theo sau vì ách xe máng vào cổ nó.
Người có trí và có niềm tin nhân quả muốn không bị quả khổ thì không tạo nghiệp ác. Trong duyên sự bài kệ pháp cú nầy cho thấy nhân quả báo ứng rõ ràng, tâm ác có kết quả ác ./.
Tỳ khưu Tuệ Siêu biên soạn