Môn học: PĀLI PHÁP CÚ - IV. Phẩm Hoa_ Kệ số 3 (dhp 46)

Thursday, 04/08/2022, 09:20 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 4.8.2022


IV. Phẩm Hoa_ Kệ số 3 (dhp 46)

Duyên sự:

Bài kệ nầy được đức Phật thuyết sách tấn cho một vị tỳ kheo đang quán thân ảo ảnh.

Một vị tỳ kheo nọ sau khi xuất gia và học đề mục thiền quán từ bậc Đạo Sư đã đi vào rừng hành thiền nhưng trải qua một thời gian vẫn không chứng được đạo quả bèn trở về với ý định học hỏi lại đề mục với bậc Đạo Sư.

Đang trên đường về, giữa trưa nắng mùa hè như đổ lửa, ảo ảnh hiện ra nhìn xa thấy vậy mà gần thì không có gì cả. Vị tỳ kheo chợt nghĩ: Thân ngũ uẩn nầy cũng như ảo ảnh, giả tạo, hư ảo.

Đi được lúc lâu, thân nhớp nháp, đến bờ sông tỳ kheo ấy xuống tắm rữa. Xong lên bờ ngồi nhìn dòng nước chảy mạnh nổi bọt trắng xoá, bọt nước nổi lên rồi tan biến, vị tỳ kheo nhìn bọt nước mà quán thân ngũ uẩn nầy cũng tạm bợ như bọt nước vậy.

Bấy giờ Đức Phật đang ngự trong hương thất chùa Jetavana ở Sāvatthi, Ngài dùng thiên nhãn thấy vị tỳ kheo ấy trước quán thân như ảo ảnh, sau quán thân như bọt nước, Ngài thị hiện thần thông đến trước mặt vị tỳ kheo và thuyết lên bài kệ: “Pheṇūpamaṃ kāyamimaṃ viditvā … biết thân như bọt nước ..v.v..” để sách tấn vị tỳ kheo ấy.

Khi đức Thế Tôn nói dứt bài kệ thì vị tỳ kheo quán ảo ảnh ấy liền chứng đạo quả A la hán với bốn tuệ đạt thông. Vị ấy đảnh lễ kim thân Phật rồi ra đi.

*

Chánh văn:

Pheṇūpamaṃ kāyamimaṃ viditvā

marīcidhammaṃ abhisambudhāno

chetvāna mārassa papupphakāni

adassanaṃ maccurājassa gacche.

(dhp 46)

*

Thích văn:

pheṇūpamaṃ [đối cách số ít nam tính của tính từ hợp thể pheṇūpama (pheṇa + upama)] tợ như bọt nước, ví như bọt nước.

kāyamimaṃ [hợp âm kāyaṃ imaṃ]

kāyaṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính kāya] thân, thân thể.

imaṃ [đối cách số ít nam tính của chỉ thị đại từ ima] nầy, cái nầy.

viditvā [bất biến quá khứ phân từ của động từ vindati (vida + tvā)] sau khi biết, sau khi hiểu, đã nhận thức.

marīcidhammaṃ [đối cách số ít của hợp thể danh từ nam tính marīcidhamma (marīci + dhamma)] tánh huyễn hư, tính chất ảo ảnh.

abhisambudhāno [hình thức giản lược của abhisambudhamāno _ hiện tại phân từ của động từ abhisambujjhati (abhi + sam + budh + māna/āna) chủ cách số ít nam tính] khi ngộ ra, khi hiểu ra.

chetvāna [= chetvā. Bất biến quá khứ phân từ của động từ chindati (chid + tvā / tvāna)] sau khi cắt đứt, sau khi đoạn lìa, sau khi ngắt bẻ.

mārassa [sở thuộc cách số ít của danh từ nam tính māra] của ác ma.

papupphakāni [đối cách số nhiều của danh từ trung tính papupphaka (pa + puppha + ka)] những chồi hoa, những nụ hoa, những mũi tên hoa.

adassanaṃ [đối cách số ít của danh từ trung tính adassana] khỏi tầm nhìn, sự không thấy.

maccurājassa [sở thuộc cách số ít của hợp thể danh từ nam tính maccurāja (maccu + rāja)] của thần chết, của tử thần.

gacche [khả năng cách ngôi III số ít của động từ gacchati] phải đi, nên đi.

adassanaṃ gacche: nên đi khỏi tầm nhìn, nên vượt qua tầm mắt

*

Việt văn:

Biết thân như bọt nước

ngộ thân như ảo ảnh

ngắt chồi hoa ác ma

vượt tầm mắt thần chết.

*

Chuyển văn:

Imaṃ kāyaṃ pheṇūpamaṃ viditvā marīcidhammaṃ abhisambudhāno mārassa papupphakāni chetvāna maccurājassa adassanaṃ gacche.

Khi biết được thân nầy như bọt nước, hiểu được tính chất huyễn hư, thì nên ngắt bỏ những chồi hoa ác ma và vượt khỏi tầm mắt thần chết.

*

Lý giải:

Thân nầy tính chất huyễn hư ảo ảnh, mỏng manh, dể tan rã ví như bọt nước hình thành rồi biến hoại, khi biết vậy, ngộ ra vậy, thì nên cắt bỏ phiền não luân hồi, đạt đến quả vị A la hán.

Gọi là những chồi hoa của ma (mārassa papupphakāni) là nói sự luân hồi ba cõi: dục giới, sắc giới và vô sắc giới (tebhūmakāni vaṭṭāni). Sự luân hồi ấy do phiền não luân hồi (kilesavaṭṭa) và nghiệp luân hồi (kammavaṭṭa). Phải cắt bỏ luân hồi bằng thánh đạo (aviyamagga).

Một vị Lậu tận (khīnāsavo) hay A la hán gọi là người vượt tầm mắt thần chết, nghĩa là vị A la hán đạt đến vô dư y níp bàn không còn tái sanh trong ba cõi luân hồi nên gọi là vượt tầm mắt thần chết.

Biên soạn giáo trình: Tỳ khưu Tuệ Siêu