- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: PĀLI PHÁP CÚ
Bài học ngày 21.7.2022
III. Phẩm Tâm_ Kệ số 8 (dhp 40)
Duyên sự:
Bài kệ nầy đức Phật thuyết cho năm trăm vị tỳ kheo tu quán trong rừng, khi Ngài trú ở Sāvatthi.
Chuyện rằng, tại Sāvatthi có năm trăm tỳ kheo sau khi học đề mục thiền quán nơi bậc Đạo Sư, bèn cùng nhau đi xa một chặng đường trăm do tuần đến ngôi làng dân cư trù mật. Dân chúng thỉnh cầu chư Tăng an cư tại khu rừng gần làng để họ có dịp làm phước. Chư tỳ kheo nhận lời và đi vào khu rừng ấy.
Trong khu rừng nầy có rất nhiều phi nhân. Các phi nhân cảm nhận uy lực giới hạnh của chư Tăng nên không dám trú trên tàng cây cao hơn các tỳ kheo, bèn xuống đất ngồi và nghĩ rằng chư Tăng sẽ ngự trong rừng vài ngày sẽ đi, chúng ta sẽ thoải mái. Nhưng nhiều ngày trôi qua, rồi một tháng… các tỳ kheo vẫn ở không đi. Các vị phi nhân nhân trong rừng muốn đuổi chư tỳ kheo đi nên làm ma nhát, hiện hình hoặc tạo âm thanh kinh dị… khiến chư tỳ kheo giật mình run sợ, không thể định tâm tu thiền được. Chư Tăng đồng lòng rời khỏi khu rừng và trở về Jetavana đảnh lễ bậc Đạo Sư.
Về đến Sāvatthi, chư tỳ kheo yết kiến đức Phật, Ngài hỏi chư tỳ kheo sao đột nhiên trở về. Chư tỳ kheo tường thuật việc bị phi nhân ở khu rừng ấy quấy phá nên không yên tâm tu thiền được. Đức Phật bèn dạy cho chư tăng Kinh từ bi (Mettāsutta), Ngài bảo hãy trở lại khu rừng ấy và khi bước vào khu rừng thì đọc bài kinh ấy, chư thiên phi nhân ở đó sẽ có thiện cảm và không hù nhát nữa.
Chư tỳ kheo vâng lời, đảnh lễ Phật và trở lại khu rừng ấy. Khi bước vào khu rừng, chư Tăng an trú tâm từ đến các hàng phi nhân và tụng bài kinh Mettāsutta. Chư thiên trong toàn khu rừng cảm nhận được tâm từ của chư Tăng, chúng phi nhân hoan hỷ đón rước chư Tăng vào khu rừng. Từ đó không còn những âm thanh, những hình ảnh kinh dị nữa. Chư Tỳ kheo yên tâm tu tập.
Chư tỳ kheo đêm ngày chú tâm quán xét sự biến hoại của tự thể nầy, dể tan rã, tạm bợ, giống như đồ dùng bằng gốm sứ … chư vị đã tăng trưởng tuệ minh sát.
Bậc Đạo Sư đang ngồi tại hương thất, biết rõ sự tiến triển minh sát của các tỳ kheo ấy, Ngài phóng hào quang dù đang ở cách một trăm do tuần mà như đang ngồi trước mặt chúng tỳ kheo. Ngài phán dạy rằng: “quả thật vậy, này chư tỳ kheo, tự thể nầy vốn dể tan rã, tạm bợ, như món đồ gốm”. Rồi Ngài nói lên bài kệ ngôn: “Kumbhūpamaṃ kāyamimaṃ viditvā, biết thân như bình gốm ..v.v..”.
Khi bài pháp thoại chấm dứt, năm trăm vị tỳ kheo ngay tại chỗ ngồi đã chứng quả A la hán với bốn tuệ đạt thông, liền tán dương kim thân bậc Đạo Sư, và ra đi.
*
Chánh văn:
Kumbhūpamaṃ kāyamimaṃ viditvā
nagarūpamaṃ cittamidaṃ ṭhapetvā
yodhetha māraṃ paññāyudhena
jitañca rakkhe anivesano siyā.
(dhp 40)
*
Thích văn:
kumbhūpamaṃ [đối cách số ít nam tính của hợp thể tính từ kumbhūpama (kumbha + upama)] tợ như bình gốm, như nồi đất nung.
kāyamimaṃ [hợp âm (kāyaṃ imaṃ)]
kāyaṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính kāya] thân thể.
imaṃ [đối cách số ít nam tính của đại từ ima] nầy, cái nầy.
viditvā [bất biến quá khứ phân từ của động từ vindati (vida + tvā) khi hiểu được, sau khi biết.
nagarūpamaṃ [đối cách số ít trung tính của hợp thể tính từ nagarūpama (nagara + upama)] tợ như thành phố, như thành trì.
cittamidaṃ [hợp âm (cittaṃ idaṃ)]
cittaṃ [đối cách số ít của danh từ trung tính citta] tâm, tư tưởng.
idaṃ [đối cách số ít trung tính của đại từ ima] nầy, cái nầy.
ṭhapetvā [bất biến quá khứ phân từ của động từ ṭhapeti (ṭhape + tvā)] sau khi đặt để, sau khi giữ lại.
yodhetha [động từ khả năng cách ngôi III, số ít attanopada] phải chiến đấu, phải đánh trận.
māraṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính māra] giặc ma, phiền não ma.
paññāyudhena [có bản ghi paññāvudhena sở dụng cách số ít của danh từ hợp thể paññāyudha / paññāvudha (paññā + āyudha / āvudha)] bằng khí giới trí tuệ, với gươm trí.
jitañca [hợp âm (jitaṃ ca)]
jitaṃ [đối cách số ít của tính từ jita (quá khứ phân từ của động từ jināti)] đã chiến thắng, đã thắng phục.
rakkhe [động từ khả năng cách ngôi III số ít _ attanopada (căn rakkh)] nên giữ gìn, nên hộ trì.
anivesano [chủ cách số ít của hợp thể tính từ anivesana (na + nivesana)] không trụ lại, không bám giữ, không dính mắc, không tham chấp.
siyā [động từ khả năng cách ngôi III số ít căn as] phải là, nên là.
*
Việt văn:
Biết thân như bình gốm
trú tâm như thành trì
đấu ma với gươm trí
giữ chiến thắng, không mắc.
(pc 40)
*
Chuyển văn:
Imaṃ kāyaṃ kumbhūpamaṃ viditvā idaṃ cittaṃ nagarūpamaṃ ṭhapetvā paññāyudhena māraṃ yodhetha jitaṃ ca rakkhe anivesano siyā.
Khi biết được thân nầy như cái bình gốm, cố thủ tâm nầy như thành trì, phải chiến đấu với ma bằng khí giới trí tuệ và giữ chiến thắng nhưng không dính mắc.
*
Lý giải:
Có hai thành phần, thân và tâm. Thân là khối sắc uẩn do tứ đại hợp thành. Tâm là thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn.
Thân tứ đại gọi là sắc. Tâm gồm thọ, tưởng, hành, thức gọi là danh.
Biết thân như bình gốm. Cái bình hay lu, chậu được làm từ đất nung, có tính chất dể vỡ, dể bể, rất mỏng manh, thân tứ đại nầy cũng mỏng manh, dể hư hoại như thế, bởi già bệnh và chết. Không làm gì được với thân tứ đại dể tan rã nầy.
Cái còn giữ lại được và làm lợi ích, đó là tâm. Mặc dù tâm cũng sanh diệt vô thường nhưng khéo tu tâm sẽ đạt đến giải thoát. Bởi vậy đức Phật dạy giữ tâm như thủ thành.
Tâm sanh (cittuppāda) có nhiều thứ. Có thứ tâm phải từ bỏ, như tâm bất thiện … có thứ tâm nên giữ lại và phát triển lớn mạnh, như tâm thiện ..v.v..
Nhưng phiền não ma (kilesamāra) chưa được diệt trừ, chúng sẽ gây rối, quấy phá tâm hành giả. Bởi thế phải dùng khí giới trí tuệ mà chiến đấu với phiền não ma, tức là tuỳ quán vô thường, tuỳ quán khổ não, tuỳ quán vô ngã.
Khi hành giả với trí tuệ tuỳ quán tam tướng sẽ đạt đến các ấn chứng tuệ minh sát (vipassanāñāṇa). Đó là sự chiến thắng của hành giả, nhưng chưa phải kết thúc cuộc chiến cho đến khi nào chưa chứng quả A la hán. Bởi thế hành giả nên giữ chiến thắng nhưng không dính mắc với chiến thắng ấy, giai đoạn nầy hành giả phải vượt qua các tuỳ phiền não (upakilesa) và tiến xa hơn nữa cho đến khi chứng đắc đạo quả.
Biên soạn giáo trình: Tỳ khưu Tuệ Siêu