Môn học: PĀLI PHÁP CÚ - III. Phẩm Tâm_ Kệ số 6 & 7

Sunday, 17/07/2022, 08:59 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 17.7.2022


III. Phẩm Tâm_ Kệ số 6 & 7

Duyên sự:

Hai bài kệ nầy được Đức Phật thuyết tại Jetavana ở Sāvatthi, do câu chuyện tỳ khưu Cittahattha.

Một cư dân Sāvatthi đến chùa được các vị tỳ kheo cho thức ăn khất thực còn dư. Ăn no nê một bữa người ấy nghĩ: “đi tu kiếm ăn dể dàng hơn sống ở nhà, vậy ta hãy xuất gia”. Người ấy về từ giả gia đình rồi đến chùa xin xuất gia. Chư tăng hoan hỷ thu nhận cho người ấy xuất gia.

Xuất gia không được bao lâu, người ấy thấy nhàm chán mới hoàn tục.

Hoàn tục ít lâu thấy đời sống cư sĩ khó nhọc, mới vào chùa xin tu lại.

Cứ thế, người nầy trở vào trở ra sáu lần. Hoàn tục lần thứ sáu, về nhà một thời gian. Hôm nọ đi làm đồng vào nhà thấy bà vợ đang ngủ ngáy, hả miệng, nước dãi chảy nhểu nhão … anh ta chán ngấy, bèn bỏ nhà muốn xuất gia lại.

Trên đường đến chùa, anh ta suy niệm vô thường, khổ và đắc quả Nhập lưu. Anh ta vào chùa xin chư Tăng cho tu lại. Chư Tăng nghĩ: ông nầy đầu cứng như đá không thể làm vị sa môn, đã xuất gia rồi hoàn tục sáu lần. Nên chư Tăng không chịu làm lễ thọ giới cho anh ta.

Anh ta cứ năn nỉ chư Tăng xin từ bi tiếp độ, chỉ một lần nầy nữa thôi.

Chư Tăng nghe vậy cũng bi mẫn làm lễ xuất gia cho anh ta, và đặt cho cái tên là Cittahattha (người có tâm tuỳ hứng).

Mấy ngày sau, tỳ kheo Cittahattha chứng đắc quả A la hán với bốn tuệ đạt thông. Chư tỳ kheo không biết việc đắc chứng của vị ấy nên qua thời gian lâu sau, các vị mới hỏi tỳ kheo Cittahattha: “Sau lần nầy, lâu quá hiền giả chưa hoàn tục?”.

“Bạch các Ngài, hể ai còn tâm luyến ái thì mới hoàn tục. Ai dứt tâm luyến ái thì không còn hoàn tục nữa”.

Chư tỳ kheo đem chuyện nầy bạch trình đức Phật, tỳ kheo Cittahattha đã nói với các tỳ kheo như là vọng ngữ, khoe pháp cao nhân.

Nhưng bậc Đạo Sư đã xác nhận:

“Này chư tỳ kheo, vị ấy nói sự thật không đại vọng ngữ đâu. Con trai ta khi trước tâm không vững trú, không thông hiểu chánh pháp nên còn đi đi về về. Nhưng bây giờ thì niềm tin bất động rồi”.

Nói xong, đức Phật thuyết lên hai bài kệ : Anavaṭṭhitacittassa ..v.v..

*

Chánh văn:

Anavaṭṭhitacittassa

saddhammaṃ avijānato

pariplavapasādassa

paññā na paripūrati.

(dhp 38)

Anavassutacittassa

ananvāhatacetaso

puññapāpapahīnassa

natthi jāgarato bhayaṃ.

(dhp 39)

*

Thích văn:

anavaṭṭhitacittassa [sở thuộc cách số ít nam tính của danh từ hợp thể anavaṭṭhitacitta (an + avaṭṭhita + citta)] đối với người có tâm không vững trú.

saddhammaṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính saddhamma (sammā + dhamma)] chánh pháp, giáo pháp chân chính.

avijānato [sở thuộc cách số ít nam tính của tính từ avijānanta (na + vijānanta)_ hiện tại phân từ của động từ vijānāti] không hiểu.

pariplavapasādassa [sở thuộc cách số ít nam tính của danh từ hợp thể pariplavapasāda (pariplava + pasāda)] niềm tin bấp bênh, niềm tin dể dao động.

paññā [chủ cách số ít của danh từ nữ tính paññā] trí tuệ.

na [phủ định từ] không, chẳng có.

paripūrati [thì hiện tại ngôi III số ít (pari + căn pūr + a) viên mãn, viên thành, tròn đủ.

anavassutacittassa [sở thuộc cách số ít nam tính của tính từ hợp thể anavassutacitta (an + avassuta + citta)] đối với người có tâm không ái nhiễm, có tâm không mê luyến.

ananvāhatacetaso [sở thuộc cách số ít nam tính của tính từ hợp thể ananvāhataceta (na + anvāhata + ceta)] đối với người có tâm không não hại, có tâm không công kích.

puññapāpapahīnassa [sở thuộc cách số ít nam tính của tính từ hợp thể puññapāpapahīna (puññapāpānaṃ pahīnaṃ)] người đã từ bỏ cả thiện lẫn ác.

natthi [(na + atthi) động từ hiện tại ngôi III, số ít căn as)] không có, chẳng có.

jāgarato [sở thuộc cách số ít của hiện tại phân từ jāgaranta (jāgar + anta)] người đang tỉnh, đang thức.

bhayaṃ [chủ cách số ít của danh từ trung tính bhaya] sự sợ hãi, sự kinh khiếp, tai hoạ, hoạn nạn.

*

Việt văn:

Người tâm không vững trú

không thông hiểu chánh pháp

niềm tin dể dao động

trí tuệ không viên mãn.

(pc 38)

Người tâm không ái luyến

tâm không nghĩ tàn hại

từ bỏ mọi thiện ác

tỉnh thức không sợ hãi.

(pc 39)

*

Chuyển văn:

Anavaṭṭhitacittassa saddhammaṃ avijānato pariplavapasādassa paññā na paripūrati.

Đối với người tâm không vững trú, không thông thiểu chánh pháp, niềm tin bấp bênh, thì trí tuệ không viên mãn được.

Anavassutacittassa ananvāhatacetaso puññapāpapahīnassa jāgarato bhayaṃ natthi.

Đối với người tâm không luyến ái, tâm không tàn hại, từ bỏ cả thiện ác và tỉnh thức, thì không có sự sợ hãi.

*

Lý giải:

Bài kệ đầu trong hai bài kệ nầy, đức Phật nói đến tình trạng trước đó của tỳ kheo Cittahattha, cứ đi xuất gia rồi hoàn tục, hoàn tục rồi xuất gia, tới lui sáu lần, do chưa viên thành trí tuệ.

Trí tuệ ở đây là tuệ minh sát (vipassanāñāṇa), tuệ đạo (maggañāṇa) và tuệ quả (phalañāṇa).

Vì sao trí tuệ không viên thành?

Vì tâm không vững trú, không thông hiểu chánh pháp, niềm tin bấp bênh dao động.

Gọi là người tâm không vững trú (anavaṭṭhitacittassa) nghĩa là có lúc muốn xuất gia, có lúc muốn làm cư sĩ, có lúc tinh tấn, có lúc lười biếng ..v.v.. không có kiên định lập trường.

Gọi là người không thông hiểu chánh pháp (saddhammaṃ avijānato) nghĩa là vị xuất gia mà không biết rõ các pháp giác phần (sattatiṃsabodhipakkhiya) là tinh hoa của giáo pháp, để tu tập.

Gọi là niềm tin bấp bênh dao động (pariplavapasādassa) nghĩa là người mà niềm tin phật pháp không nhất hướng, tin tam bảo cũng có, ngoại giáo cũng có, nghe đâu tin đó không phân biệt chánh tà.

Đối với người tâm không vững trú, không biết tinh hoa giáo pháp, không có niềm tin tam bảo nhất hướng như thế thì không thể thành tựu trí tuệ đạo quả.

Bài kệ sau trong hai bài kệ ấy, đức Phật mô tả trạng thái giác ngộ chứng quả A la hán của tỳ kheo Cittahattha nên không còn trở lui lại đời sống thế tục nữa.

Một vị A la hán là vị mà tâm không có mê luyến, đã dứt trừ tham ái (anavassutacittassa).

Vị A la hán đã tuyệt trừ sân hận, không còn não hại chúng sanh (ananvāhatacetaso).

Vị A la hán là vị đã hoàn toàn thanh tịnh không còn phiền não nên đã dứt bỏ mọi điều ác (pahīnapāpa), việc cần làm để trừ ác pháp đã làm xong, nên không cần làm thêm điều thiện nào nữa, gọi là dứt bỏ điều thiện (pahīnapuñña). Do ý nghĩa nầy mới nói bậc A la hán từ bỏ mọi thiện ác (puññapāpapahīnassa).

Vị A la hán là bậc tỉnh thức (jāgarato), nghĩa là vị Lậu tận thành tựu năm pháp tỉnh thức (pañcahi jāgaradhammehi samanāgato) tức ngũ lực: tín, tấn, niệm, định và tuệ.

Đối với bậc Lậu tận thì không còn mối đe doạ hay nỗi sợ hãi do phiền não. Bởi lẽ các phiền não đã được bốn thánh đạo đoạn trừ rồi không tái phát, không còn đeo bám vị ấy nữa. Nỗi sợ hãi (bhayaṃ) ở đây là nói đến nỗi sợ hãi do phiền não (kilesabhayaṃ).

Biên soạn giáo trình: Tỳ khưu Tuệ Siêu