Môn học: PĀLI PHÁP CÚ - III. Phẩm Tâm_ Kệ số 1&2

Sunday, 03/07/2022, 09:40 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 3.7.2022


III. Phẩm Tâm_ Kệ số 1&2

Duyên sự:

Hai bài kệ nầy được đức Phật thuyết khi Ngài trú tại núi Cālikā ở xứ Cālikā, do câu chuyện đại đức Meghiya, thị giả của đức Thế Tôn lúc tôn giả Ānanda chưa là thị giả.

Một buổi sáng nọ, tỳ kheo Meghiya muốn đi vào làng Jantu khất thực một mình đã xin phép đức Phật. Đức Phật chấp thuận.

Tỳ kheo Meghiya một mình đi vào làng Jantu khất thực. Sau bữa ăn, vị ấy kinh hành trên bờ sông Kimikālā thấy một rừng xoài yên tĩnh ngoạn mục, mới nghĩ rằng: “khu rừng xoài nầy hữu tình, thật thích hợp để hành thiền”. Rồi tỳ kheo Meghiya trở về gặp đức Phật xin phép: “Bạch Thế Tôn, ở kia con thấy có khu rừng xoài yên tĩnh ngoạn mục, con muốn đến khu rừng xoài ấy để tinh tấn hành thiền. Xin Thế Tôn cho phép con”. Đức Phật nói với tỳ kheo Meghiya: “Hãy thong thả, chờ đợi đến khi có vị tỳ kheo khác làm thị giả cho ta rồi ngươi hãy đi. Nay ta chỉ có một mình.

Mặc dù đức Thế Tôn ngăn như vậy nhưng tỳ kheo Meghiya vẫn nài nỉ xin Ngài cho phép: “Bạch Thế Tôn, đối với Thế Tôn đã hoàn tất việc nên làm, không có gì cần phải làm thêm nữa. Nhưng đối với con, phạm hạnh chưa thành mãn, vẫn còn việc cần phải làm thêm. Xin Thế Tôn cho phép con đi đến rừng xoài kia để tinh tấn tu hành. “Đức Thế Tôn cũng khuyên ngăn Meghiya”.

Đến lần thứ ba, tỳ kheo vẫn nài xin đức Thế Tôn cho phép đi đến rừng xoài để tinh tấn thiền định. Đức Thế Tôn bảo: “Nếu ngươi đã nói để tinh tấn thiền định, thì ta còn nói được gì nữa, vậy ngươi hãy đi và làm những gì ngươi thích”.

Tỳ kheo Meghiya bỏ y bát đức Thế Tôn xuống, để đức Thế Tôn ở lại một mình không có thị giả. Rồi ra đi đến nơi rừng xoài.

Tỳ kheo Meghiya đi sâu vào rừng xoài và trú trong rừng xoài ấy ngồi dưới một gốc cây. Nhưng tâm của tỳ kheo Meghiya luôn bị phân tán, không an trú đề mục được, phần lớn ba bất thiện tầm sanh khởi.

Tỳ kheo Meghiya bèn trở về đảnh lễ bậc Đạo Sư và sám hối lỗi lầm đã cãi lời đức Phật. Đức Phật đã khiển trách: “Ngươi đã quá nông nổi, ta ngăn cản ba lần mà ngươi vẫn cãi lời và bỏ ta lại một mình không có thị giả”, rồi đức Phật dạy Meghiya những pháp làm cho tâm được thuần thục. Dạy xong, đức Phật đã nói lên hai bài kệ pháp cú: “Phandanaṃ capalaṃ cittaṃ, tâm chập chờn dao động ..v.v..”.

Khi dứt bài kệ tỳ kheo Meghiya an trú quả Dự lưu.

*

Chánh văn:

Phandanaṃ capalaṃ cittaṃ

durakkhaṃ dunnivārayaṃ

ujuṃ karoti medhāvī

usukāro’ va tejanaṃ.

(dhp 33)

Vārijo’ va thale khitto

okamokata ubbhato

pariphandati’ daṃ cittaṃ

māradheyyaṃ pahātave

(dhp 34)

*

Thích văn:

phandanaṃ [chủ cách số ít của danh từ trung tính phandana] sự chao đảo, chập chờn.

capalaṃ [chủ cách số ít trung tính của tính của tính từ capala] rung động, dao động.

cittaṃ [chủ cách số ít của danh từ trung tính citta] tâm, tư tưởng.

durakkhaṃ [chủ cách số ít trung tính của tính từ hợp thể durakkha (du + rakkha)] khó hộ trì, khó gìn giữ.

dunnivārayaṃ [chủ cách số ít trung tính của tính từ hợp thể dunnivāraya (du + nivāraya)] khó ngăn cản, khó ngăn chận, khó kềm chế.

ujuṃ [đối cách số ít của tính từ uju] ngay thẳng.

karoti [thì hiện tại ngôi III số ít, động từ karoti (kar + o)] làm, uốn nắn.

medhāvī [chủ cách số ít của danh từ nam tính medhāvī] người trí, bậc trí tuệ.

usukāro’ va [hợp âm (usukāro iva)]

usukāro [chủ cách số ít của danh từ hợp thể nam tính usukāra (usu + kāra)].

iva [bất biến từ] ví như, như là.

tejanaṃ [đối cách số ít của danh từ trung tính tejana] cây tên, mũi tên.

vārijo’ va [hợp âm (vārijo iva)]

vārijo [chủ cách số ít của danh từ hợp thể vārija (vāri + ja do căn jan)] sanh trong nước, con cá.

thale [định sở cách số ít của danh từ trung tính thala] trên đất liền, trên mặt đất, trên cạn.

khitto [chủ cách số ít của khitta quá khứ phân từ của động từ khipati] bị quăng đi, bị ném đi, bị thảy lên.

okamokata [okamokato (oka_m_oka + to)_hình thức xuất xứ cách với (to)] từ vùng nước, khỏi vùng nước, ra khỏi môi trường nước.

ubbhato [chủ cách số ít của ubbhata quá khứ phân từ của động từ ubbharati] kéo lên, vớt lên.

pariphandati’daṃ [hợp âm (pariphandati idaṃ)]

pariphandati [động từ hiện tại ngôi III số ít (pari + căn phand + a)] giãy giụa, vùng vẫy.

idaṃ [chủ cách số ít trung tính của đại từ ima] nầy, cái nầy.

idaṃ cittaṃ: tâm nầy.

māradheyyaṃ [đối cách số ít của danh từ hợp thể trung tính māradheyya (māra + dheyya)] ma giới, cảnh giới của ma, lãnh vực của ma.

pahātave [động từ nguyên mẫu (pa + căn hā + tave/tuṃ] để từ bỏ, để đoạn lìa.

*

Việt văn:

Tâm chập chờn, dao động

khó canh phòng, khó ngăn

người trí nắn tâm ngay

như thợ tên uốn tên.

(pc 33)

Như cá quăng lên cạn

vớt lên khỏi vùng nước

tâm nầy vùng vẫy mạnh

khi từ bỏ ma giới.

(pc 34)

*

Chuyển văn:

Phandanaṃ capalaṃ durakkhaṃ dunnivārayaṃ cittaṃ medhāvī ujuṃ karoti usukāro iva tejanaṃ (karoti).

Tâm vốn chập chờn, dao động , khó canh phòng, khó ngăn chận _ người trí luyện tâm ngay thẳng như người làm tên uốn nắn mũi tên.

Okamokato ubbhato thale khitto vārijo iva idaṃ cittaṃ pariphandati māradheyyaṃ pahātave.

Như cá bị vớt khỏi môi trường nước và vứt lên trên bãi cạn, tâm nầy cũng vùng vẫy khi cố từ bỏ cảnh giới ma.

*

Lý giải:

Hai bài kệ nầy được thuyết liên quan với nhau. Ở bài kệ trước đức Phật mô tả đặc tính của tâm: chập chờn, dao động, khó canh phòng, khó ngăn chận. Rồi Ngài dạy, người trí uốn nắn tâm cho ngay thẳng như người vót tên uốn nắn mũi tên cho thẳng để tên bắn đi không bị lệch mục tiêu.

Ở bài kệ sau, vì pahātave dùng ngữ pháp là vị biến cách nguyên mẫu (pa + hā + tuṃ/tave) nghĩa là “để từ bỏ”, thế thì nối tiếp ý nghĩa bài kệ trước: Medhāvī ujuṃ karoti māradheyyaṃ pahātave _ bậc trí nắm tâm ngay để từ bỏ ma giới. Thế nhưng, được cảnh báo là tâm nầy vốn thích thú trong môi trường năm dục lạc (pañcakāmaguṇālayābhirataṃcittaṃ) gọi là ma giới, nên khi hành giả kéo tâm ra khỏi ma giới ấy và đặt tâm lên đề mục quán (vipassanākammaṭṭhānekhittaṃ) thì tâm sẽ vùng vẫy không thể trụ yên, ví như con cá khi bị vớt ra khỏi môi trường nước, vứt lên bãi cạn, nó sẽ vùng vẫy không nằm yên.

Tuy vậy, vị hành giả có trí không bỏ cuộc, vẫn phải uốn nắn tâm ngay thẳng để đoạn trừ phiền não luân hồi.

Biên soạn giáo trình: Tỳ khưu Tuệ Siêu