Môn học: PĀLI PHÁP CÚ - II. Phẩm Không Dể Duôi _ Kệ số 1,2 & 3

Sunday, 05/06/2022, 14:20 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 5.6.2022


II. Phẩm Không Dể Duôi _ Kệ số 1,2 & 3

Duyên sự:

Bài kệ nầy được đức Phật thuyết ở chùa Ghositārāma, gần thành Kosambī, do câu chuyện về cái chết của hoàng hậu Sāmāvatī và cái chết của thứ hậu Māgandiyā.

Vua xứ Udena xứ Kosambī có ba bà vợ chánh hậu Sāmāvatī, thứ hậu Vāsuladattā và thứ hậu Māgandiyā.

Hoàng hậu Sāmāvatī là nữ đệ tử của đức Phật, nhờ nghe pháp do thánh cư sĩ Khujjuttarā trùng thuật mà hoàng hậu và 500 cung nữ chứng quả Dự Lưu.

Thứ hậu Māgandiyā là con gái của hai vợ chồng bà la môn Māgandiyā. Lúc xuân thời là một thiếu nữ có nhan sắc, một lần theo cha mẹ đến gặp đức Phật, Ngài thuyết pháp độ hai ông bà đắc A na hàm. Và sau đó đã xuất gia, cả hai chứng A la hán. Riêng tiểu thư Māgandiyā vì tự ái khi nghe đức Phật thuyết pháp chỉ trích xác thân bất tịnh nên ôm hận trong lòng. Đến khi nàng được vua Udena rước về làm thứ hậu thì nàng Māgandiyā dùng quyền lực khiến bọn côn đồ chặn đường đức Phật dùng lời khiếm nhã chửi rủa mắng nhiếc đức Phật để rữa hận. Nhưng chưa hả giận, Māgandiyā biết hoàng hậu Sāmāvatī là đệ tử của đức Phật, bèn bày mưu tính kế hại hoàng hậu.

Thứ hậu Māgandiyā đã nhiều phen sàm tấu với đức vua về hoàng hậu Sāmāvatī. Lúc đầu nhà vua cả tin lời sàm tấu, nỗi cơn thịnh nộ và đích thân vua xử tử hoàng hậu, nhưng hoàng hậu an trú pháp và không chút oán hận đã khiến vua tỉnh ngộ, càng sủng ái hoàng hậu hơn nữa.

Tức giận, thứ hậu Māgandiyā thừa dịp nhà vua vi hành ngoại thành, đã khiến người chú ruột cùng đám thân tín hoả thiêu hậu cung giết chết hoàng hậu Sāmāvatī và 500 phi tần.

Vua Udena mất hoàng hậu, đau lòng khôn xiết. Vua muốn tìm ra thủ phạm giết hoàng hậu, giả vờ như rất hài lòng và muốn ban thưởng cho ai đã giết hoàng hậu.

Thứ hậu Māgandiyā đã lộ mặt lãnh công. Nhà vua bảo hãy mời hết thân quyến cùng tuỳ tùng của thứ hậu tập họp lại để ban thưởng. Thế là vua đã hành hình xử tử thứ hậu Māgandiyā và toàn gia của thứ hậu.

Sau cái chết thảm của hoàng hậu Sāmāvatī và 500 cung tần, chư tỳ kheo bạch hỏi đức Phật họ đã tạo nghiệp gì mà bị chết cháy như vậy. Đức Phật đã giải thích tiền nghiệp của họ đã cố ý thiêu chết một vị Phật Độc Giác khi Ngài đang nhập đại định trong bụi lùm, nên nau phải lảnh chịu quả của ác nghiệp ấy.

Chư tỳ kheo lại hỏi thêm trường hợp hoàng hậu Sāmāvatī bị hoả thiêu chết và thứ hậu Māgandiyā bị xử tử chết, hai cái chết ấy có khác biệt gì?

Đức Phật đã trả lời bằng ba bài kệ với ngụ ý thâm thuý: Appamādo amatapadaṃ, không dể duôi bất tử ..v.v..

*

Chánh văn:

Appamādo amatapadaṃ

pamādo maccuno padaṃ

appamattā na mīyanti

ye pamattā yathā matā.

(dhp 21)

Etaṃ visesato ñatvā

appamādamhi paṇḍitā

appamāde pamodanti

ariyānaṃ gocare ratā.

(dhp 22)

Te jhāyino sātatikā

niccaṃ daḷhaparakkamā

phusanti dhīrā nibbānaṃ

yogakkhemaṃ anuttaraṃ.

(dhp 23)

*

Thích văn:

appamādo [chủ cách số ít của danh từ hợp thể appamāda (na + pamāda)] sự không dể duôi, không giải đãi, bất khinh suất.

amatapadaṃ [chủ cách số ít trung tính của danh từ hợp thể amatapada (amata + pada)] đạo lộ bất tử, con đường đến níp bàn.

pamādo [chủ cách số ít nam tính của danh từ pamāda] sự dể duôi; sự buông lung, sự giải đãi, sự khinh suất.

maccuno [sở thuộc cách số ít nam tính của danh từ maccu] sự chết, sự diệt vong, tử vong.

padaṃ [chủ cách số ít trung tính của danh từ pada] bước chân, con đường, đạo lộ.

appamattā [chủ cách số nhiều của tính từ appamatta (na + pamatta) _ quá khứ phân từ của động từ pamajjati)] không dể duôi, không buông lung; người không dể duôi.

mīyanti [thì hiện tại ngôi III, số nhiều. (căn mar + ya) đổi ra hình thức cơ bản là mīya / miyya, thành hình thức động từ mīyati, miyyati] chết, tử vong.

ye [chủ cách số nhiều nam tính của liên quan đại từ ya] những ai, những người nào.

pamattā [chủ cách số nhiều của tính từ pamatta _ quá khứ phân từ của động từ pamajjati] những kẻ dể duôi, phóng túng.

yathā [trạng từ] như, như thể, như là.

matā [chủ cách số nhiều của mata _ quá khứ phân từ của động từ marati] đã chết, chết rồi.

etaṃ [đối cách số ít của chỉ thị đại từ eta] điều đó, việc đó, cái đó.

visesato [(visesa + to). Dùng như trạng từ] sai biệt, khác biệt

ñatvā [(ñā + tvā) _Bất biến quá khứ phân từ của động từ jānāti] sau khi biết, khi đã biết rõ.

appamādamhi, appamāde [định sở cách số ít nam tính của danh từ hợp thể appamāda] trong sự không dể duôi.

paṇḍitā [chủ cách số nhiều của danh từ nam tính paṇḍita] những bậc hiền trí, các bậc trí tuệ.

pamodanti [thì hiện tại ngôi III, số nhiều của động từ pamodati (pa + căn mud + a)] hoan hỷ, hân hoan.

ariyānaṃ [sở thuộc cách số nhiều của danh từ nam tính ariya] của các bậc thánh, của chư thánh.

gocare [định sở cách số ít của danh từ nam tính gocara] trong hành xứ, trong cảnh giới.

ratā [chủ cách số nhiều của rata (căn ram + ta) quá khứ phân từ của động từ ramati] vui, thích thú.

te [chủ cách số nhiều nam tính của chỉ thị đại từ ta] những người ấy, những vị ấy.

jhāyino [chủ cách số nhiều của danh từ nam tính jhāyī] những vị tu thiền, người có thiền.

sātatikā [chủ cách số nhiều nam tính của tính từ sātatika (satata + ṇika)] liên tục, luôn luôn.

niccaṃ [trạng từ] thường xuyên, thường thường.

daḷhaparakkamā [chủ cách số nhiều nam tính của danh từ hợp thể daḷhaparakkama (daḷha + parakkama)] sự nỗ lực kiên trì, sự tinh tấn kiên cường.

phusanti [thì hiện tại ngôi III số nhiều của động từ phusati (phus + a)] chạm đến; chứng đắc.

dhīrā [chủ cách số nhiều của danh từ nam tính dhīra] bậc trí, người có trí, người sáng suốt.

nibbānaṃ [đối cách số ít của danh từ trung tính nibbāna] níp bàn, sự diệt ái, sự ly tham, tịch diệt.

yogakkhemaṃ [đối cách số ít trung tính của tính từ hợp thể yogakkhema (yoga + khema)] ách an ổn, thoát khỏi ách phược.

anuttaraṃ [đối cách số ít trung tính của tính từ anuttara (na + uttara)] vô thượng, tối thượng, không gì cao hơn.

*

Việt văn:

Không dể duôi, bất tử

dể duôi, đường diệt vong

không dể duôi không chết

dể duôi như chết rồi.

(pc 21)

Biết rõ sai biệt ấy

người trí không dể duôi

hoan hỷ không dể duôi

vui cảnh giới bậc thánh.

(pc 22)

Người ấy liên tục thiền

luôn kiên trì tinh tấn

bậc trí chứng níp bàn

ách an ổn, vô thượng.

(pc 23)

*

Chuyển văn:

Appamādo amatapadaṃ (hoti) pamādo maccuno padaṃ (hoti). Ye appamattā (te) na mīyanti (ye) pamattā (te) yathā matā (honti).

Không dể duôi là đạo lộ bất tử, dể duôi là con đường tử vong. Người không dể duôi là người không chết, người dể duôi là như chết rồi.

Etaṃ visesato ñatvā paṇditā appamādamhi (tiṭṭhanto) appamāde pamodanti ariyānaṃ gocare ratā (honti).

Sau khi biết rõ điều đó khác biệt nhau, các bậc trí trú trong sự không dể duôi, hoan hỷ trong sự không buông lung, vui thích trong cảnh giới bậc Thánh.

Te dhīrā jhāyino sātatikā niccaṃ daḷhaparakkamā yogakkhemaṃ anuttaraṃ nibbānaṃ phusanti.

Các bậc trí ấy liên tục thiền định, luôn luôn tinh tấn kiên trì, chứng đắc níp bàn vô thượng, an ổn khổ ách.

*

Lý giải:

Trong duyên sự, hai bà ái hậu của vua Udena đều chết thảm, hoàng hậu Sāmāvatī bị hoả thiêu chết do ác nghiệp quá khứ; Thứ hậu Māgandiyā bị hành hình mà chết do hành vi ác hiện tại. Khi các tỳ kheo hỏi đức Phật hai cái chết ấy ai thật sự chết? Đức Phật đã trả lời bằng cách nói ẩn ý: Người không dể duôi là người không chết, người dễ duôi là người thật sự chết. Điều nầy có ý nghĩa thế nào?

Có nghĩa là hoàng hậu Sāmāvatī và 500 cung nữ đều đã chứng níp bàn với quả hữu học, là người không còn dể duôi, chắc chắn sẽ đạt đến trạng thái vô sanh bất tử là viên tịch níp bàn, chấm dứt sanh tử luân hồi. Nên đức Phật nói rằng: Appamādo amatapadaṃ ye appamattā na mīyanti _ Không dể duôi là đạo bất tử, người không dể duôi không chết.

Còn như thứ hậu Māgandiyā và tuỳ tùng thân quyến là những người có tâm ác độc xấu xa, hành vi tội lỗi, phàm tục, mãi chìm đắm trong bể khổ trầm luân, dù những người ấy hiện tại còn sống nhưng sống dể duôi nên xem như chết rồi, nói chi là bị giết chết. Do đó đức Phật mới nói rằng: Pamādo maccuno padaṃ ye pamattā yathā matā _ Dể duôi là con đường tử sanh, người dể duôi như đã chết rồi.

Rồi nhân sự kiện nầy, đức Phật đã thuyết thêm hai bài kệ nữa để khích lệ sách tấn cho chư tỳ kheo.

Bài kệ 22.

Những người có trí tuệ khi hiểu rõ đạo lộ (padaṃ) khác biệt _ đạo lộ bất tử (amatapadaṃ) là sự không dể duôi, đạo lộ tử sanh (maccupadaṃ) là sự dể duôi, thì các người trí ấy sống không buông lung, hoan hỷ trong pháp không giải đãi, vui với cảnh giới bậc thánh, tức là ba mươi bảy giác phần (Bodhipakkhiyadhamma) và chín siêu thế pháp (Navalokuttaradhamma).

Ba mươi bảy pháp giác phần là tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ quyền, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo.

Chín siêu thế pháp là bốn đạo, bốn quả và níp bàn.

Bài kệ 23.

Các bậc trí ấy, là bậc không dể duôi, liên tục tu thiền. Có hai loại thiền: Thiền chú tâm vào cảnh đề mục (ārammaṇūpanijjhāna) đắc bát định (aṭṭhasamāpatti), đây gọi là thiền chỉ (samatha); Thiền chú tâm vào tướng hữu vi (lakkhaṇūpanijjhāna) đắc đạo quả (maggaphala), đây gọi là thiền quán (vipassanā). Tu thiền liên tục không gián đoạn, từ lúc xuất gia cho đến khi chứng đạo quả hay thiền định, và bằng sự nỗ lực kiên trì, không ngại khó khăn gian khổ.

Có nỗ lực tu thiền như vậy bậc đại trí ấy mới chứng níp bàn, một trạng thái pháp siêu thế tuyệt đối an bình vì không còn ách phược (yoga): dục ách, hữu ách, kiến ách và vô minh ách là bốn pháp khiến chúng sanh mắc vào vòng luân hồi. Níp bàn tháo gở bốn ách đó nên gọi là ách an ổn (yogakkhemaṃ) và gọi là vô thượng không có gì cao quí hơn.

Biên soạn giáo trình: Tỳ khưu Tuệ Siêu