Môn học: PĀLI PHÁP CÚ - I. Phẩm Song Đối _ Kệ số 11&12

Thursday, 05/05/2022, 13:20 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 5.5.2022


I. Phẩm Song Đối _ Kệ số 11&12

Duyên sự:

Hai bài kệ pháp cú số 11 và 12 nầy được đức Phật thuyết khi Ngài trú tại Veḷuvana gần thành Rājagaha, do câu chuyện của ngoại đạo sư Sañjaya cố chấp, không nhận ra hư thực đã bỏ lỡ cơ hội.

Hai vị thượng thủ thinh văn của đức Phật là tôn giả Sāriputta và tôn giả Mahāmoggallāna được đức Phật xác nhận vị trí thượng thủ thinh văn (aggasāvaka) tại Veḷuvana thành Rājagaha. Hai vị đã kể lại chuyện thầy cũ của mình là ngoại đạo sư Sañjaya.

Tôn giả Sāriputta trước khi xuất gia theo đức Phật là du sĩ Upatissa và tôn giả Mahāmoggallāna là du sĩ Kolita.

Cả hai cùng theo trường phái Sañjaya nhận thấy giáo thuyết nầy không phải là đạo lộ bất tử nên hai người đã rời bỏ để tìm chân lý. Một ngày kia du sĩ Upatissa gặp được trưởng lão Assaji đệ tử đức Phật khai thị một bài kệ hàm súc giáo pháp, vị du sĩ đã đắc quả Dự lưu. Du sĩ Upatissa tìm đến bạn cũ là du sĩ Kolita để chia sẽ hương vị chánh pháp và vị ấy cũng lãnh hội đắc Sơ quả.

Cả hai quyết định xuất gia về với đức Phật. Trên đường đi đến Veḷuvana, hai huynh đệ ghé qua trú xứ của ngoại đạo sư Sañjaya.

Thấy hai đồ đệ ưu tú trở về, Sañjaya mừng thầm, nhưng khi nghe họ nói đã tìm được con đường bất tử, Đức Phật đã xuất hiện trong đời, thầy hãy cùng chúng tôi đi theo giáo pháp Phật Đà, chớ có lang thang trên con đường hư ảo giả tưởng nữa.

Ngoại đạo sư Sañjaya nghe nói thế, tạt ngang:

- Các người có đi thì đi, riêng ta không đi được, bởi hiện tại ta là vị đạo sư của một giáo phái, sao lại phải hạ mình làm đệ tử sa môn Gatama?

- Thư thầy, thầy đừng cố chấp như thế!

- Các người nghĩ xem trong đời người trí nhiều hay kẻ ngu nhiều?

- Thưa thầy, người trí trong đời rất ít, kẻ ngu thì rất nhiều.

- Vậy hãy để người trí đi theo sa môn Gotama, còn những người ngu thì hãy để ta dẫn dắt.

Thuyết phục thầy Sañjaya không được, bèn cáo biệt và dẫn theo nữa hội chúng du sĩ chịu đi theo đức Phật.

Đức Thế Tôn nghe hai vị thượng thủ Thinh văn kể lại chuyện ngoại đạo Sañjaya xong, Ngài dạy rằng Sañjaya có quan điểm sai lạc nên đã đánh mất cơ hội chứng ngộ chân lý. Rồi đức Phật nói lên hài bài kệ pháp cú 11 và 12.

*

Chánh văn:

Asāre sāramatino

sāre c’āsāradassino

te sāraṃ n’ādhigacchanti

micchāsaṅkappagocarā.

(dhp 11)

Sārañca sārato ñatvā

asārañca asārato

te sāraṃ adhigacchanti

sammāsaṅkappagocarā.

(dhp 12)

*

Thích văn:

asāre [định sở cách số ít của tính từ hợp thể asāra (na + sāra)] không phải cốt lõi, không phải thực chân.

sāramatino [chủ cách số nhiều của danh từ hợp thể sāramatī (sāra + matī)] người nghĩ là điều chân thực, cho là điều thực chất.

sāre [định sở cách số ít của danh từ nam tính sāra] cốt lõi, thực chất, điều chân thực.

c’āsāradassino [hợp âm ca asāradassino]

asāradassino [chủ cách số nhiều của danh từ hợp thể asāradassī (asāra + dassī)] người thấy là điều phi chân thực, thấy là điều không phải thực chất.

te [chủ cách số nhiều của chỉ thị đại từ ta] chúng nó, những người ấy, họ.

sāraṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính sāra] cốt lõi, thực chất, điều chân thực.

n’ādhigacchanti [hợp âm na adhigacchanti]

na [phủ định từ] không, chẳng.

adhigacchanti [thì hiện tại ngôi III, số nhiều của động từ adhigacchati (adhi + gam + a)] đạt đến, đắc được, chứng đạt.

micchāsaṅkappagocarā [chủ cách số nhiều của danh từ hợp thể micchāsaṅkappagocara (micchā + saṅkappa + gocara)] những người có ý nghĩ sai lầm, người có tà tư duy.

sārañca [hợp âm sāraṃ ca]

sāraṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính sāra] cốt lõi, thực chất, điều chân thực.

sārato [hình thức trạng từ do tiếp vĩ ngữ to ghép sau danh từ sāra (sāra + to)] thực chất, chính yếu.

ñatvā [bất biến quá khứ phân từ của động từ jānāti, = jānitvā] sau khi biết, sau khi hiểu.

asārañca [hợp âm asāraṃ ca]

asāraṃ [đối cách số ít của danh từ hợp thể asāra (na + sāra)] điều không phải cốt lõi, điều không phải chân thực.

asārato [hình thức trạng từ với tiếp vĩ ngữ to (asāra + to)] không thực chất, không chính yếu.

sammāsaṅkappagocarā [chủ cách số nhiều của danh từ hợp thể sammāsaṅkappagocara (sammā + saṅkappa + gocara)] những người có suy nghĩ đúng đắn, người có chánh tư duy.

*

Việt văn:

Phi chân nghĩ chân thực

chân thực thấy phi chân

người suy nghĩ sai lạc

không đạt được chân thực.

(pc 11)

Chân thực biết chân thực

phi chân biết phi chân

người suy nghĩ đúng đắn

sẽ đạt được chân thực.

(pc 12)

*

Chuyển văn:

Micchāsaṅkappagocarā asāre saramatino sāre ca asāradassino te sāraṃ na adhigacchanti.

Những người có tư tưởng sai lệch, đối với điều không thực nghĩ là thực, đối với điều thực lại thấy là không thực, những người ấy không đạt được cái thực.

Sammāsaṅkappagocarā sārañca sārato asārañca asārato ñatvā te sāraṃ adhigacchanti.

Những người có tư tưởng đúng đắn, biết rõ điều thực là thực, điều không thực là không thực, những người ấy sẽ đạt được cái thực.

*

Lý giải:

Từ saṅkappagocara: saṅkappa (tư duy, sự suy nghĩ, sự suy luận), gocara (cảnh giới, hành xứ, lãnh vực, “đồng cỏ, nơi bò trâu đi ăn”). Như vậy saṅkappagocara có nghĩa là hệ tư tưởng, phạm trù tư duy, cách suy nghĩ.

Micchā_saṅkappagocara là cách suy nghĩ sai lạc, tư tưởng trái chiều. Như điều giả cho là thật, điều thật cho là giả; đúng cho là sai, sai cho là đúng; chân lý cho là phi chân lý, phi chân lý cho là chân lý ..v.v..

Sammā_ saṅkappagocara là cách suy nghĩ đúng đắn, tư tưởng thuận lý. Như điều giả biết là giả, điều thật biết là thật; điều sai biết là sai, điều đúng biết là đúng; chân lý biết là chân lý, phi chân lý biết là phi chân lý ..v.v..

Theo chú giải, micchāsaṅkappagocara (tư tưởng sai lạc) đây đồng nghĩa với micchādassana hay micchādiṭṭhi (tà kiến); Và sammāsaṅkappagocara (tư tưởng đúng đắn) đây đồng nghĩa với sammādassana hay sammādiṭṭhi (chánh kiến). Do đó không nên nhầm micchāsaṅkappagocara là tà tư duy (micchāsaṅkappo) trong bát tà đạo; không nên nhầm sammāsaṅkappagocara là chánh tư duy (sammāsaṅkappo) trong bát chánh đạo.

Hai bài kệ pháp cú 11 và 12 nầy đức Phật dạy có ý nghĩa thâm thuý.

Người thiểu trí có tư tưởng sai, thị phi đảo lộn, giả thấy là thật, thật thấy là giả, đúng nghĩ là sai, sai nghĩ là đúng, người như vậy không thể đạt được tinh hoa (sāra) của cuộc sống và tinh hoa của giáo pháp.

Nói theo đời thường, tinh hoa của cuộc sống là kiến thức, nghề nghiệp và vinh hiển.

Nói theo Phật Pháp, tinh hoa của giáo pháp là giới (sīlasāra), định (samādhisāra), tuệ (paññāsāra), giải thoát (vimuttisāra), tri kiến giải thoát (vimuttiñāṇadassanasāra) và tinh hoa chân lý là níp bàn (nibbānaparamatthasāra).

Chỉ có người trí, nhận thức đúng đắn, suy nghĩ hợp lý, biết điều thực là thực, điều giả là giả, đúng là đúng, sai là sai, người như vậy mới đạt được tinh hoa của cuộc sống và tinh hoa của giáo pháp.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu