Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Friday, 15/09/2023, 06:04 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 14.9.2023

XIV

Phật Đà

 (Buddhavagga)

XIV. Phẩm Phật Đà_Kệ số 3 (dhp 181)

Duyên sự:

Bài kệ nầy đức Phật thuyết tại cửa thành Saṅkassa, vì chuyện Thế Tôn trở về nhân gian từ thiên cung.

Vào hạ thứ bảy, đức Phật sau khi thị hiện song thông cảm thắng ngoại đạo ở Sāvatthi, Ngài ngự lên cỏi trời Đạo Lợi để thuyết Vi diệu pháp (abhidhamma) độ mẩu thân đắc quả Dự lưu, cùng vô số thiên tiên.

Đức Phật thuyết Vi Diệu Pháp trong ba tháng, tính theo thời gian cỏi nhân loại.

Mỗi ngày đức Thế Tôn hiện thân xuống nhân gian đi khất thực và thuyết lại Vi Diệu Pháp cho tôn giả Sāriputta nghe tại bờ hồ Anotatta trên Tuyết Sơn. Còn tại hội chúng chư thiên Đao Lợi thì có vị Phật hoá thân, do thần thông Thế Tôn, ngồi giảng Vi Diệu Pháp cho chư Thiên nghe.

Theo lời dạy của đức Phật, tôn giả Sāriputta về chùa thuyết Vi Diệu Pháp cho 500 vị tân tỳ kheo đệ tử học nằm lòng. Năm trăm vị tân tỳ kheo ấy là năm trăm thiện nam tử sau khi tận mắt thấy đức Phật hiện song thông cảm thắng bọn ngoại đạo, chư thiện nam tử nầy khởi lòng tin và xuất gia theo Tôn giả Sāriputta. Nghe rằng năm trăm tỳ kheo nầy tiền kiếp là 500 con dơi ở nơi một thạch động, hằng ngày nghe các tỳ kheo đệ tử Phật Kassapa tụng đọc Abhidhamma nên kiếp nầy hửu duyên thoả thích nghe Abhidhamma và nhanh chóng lảnh hội.

Tôn giả Sāriputta và 500 vị tỳ kheo đệ tử, lúc ấy đang an cư kiết hạ tại thành Saṅkassa nên đức Phật sau ba thuyết Vi Diệu Pháp trên cỏi trời Đạo Lợi, Ngài quyết định địa điểm trở về nhân gian là tại cửa thành Saṅkassa. Tôn giả Moggallāna biết rỏ tin tức liền thông báo cho chư Tăng và thiện tín tụ họp nơi cổng thành Saṅkassa để đón rước đức Thế Tôn.

Đức Phật củng thông báo cho Thiên chủ Đế Thích biết thời gian và địa điểm Ngài ngự về nhân gian.

Thiên chủ Đế Thích đã hoá hiện ba cái thang trời, một thang bằng ngọc, một thang bằng vàng và một thang bằng bạc. Chân cầu thang đặt ở cổng thành Saṅkassa, đầu cầu thang gác lên đỉnh núi Suneru. Cầu thang ngọc nằm chính giửa, cầu thang vàng và cầu thang bạc thì nằm hai bên. Đức Phật ngự đi trên cầu thang ngọc; Bên phải, chư thiên đi cầu thang vàng, đức Đế Thích cầm bát của Thế Tôn, chư thiên tuỳ tùng đi sau tấu nhạc trời và rãi hoa trời cúng dường Phật; Bên trái, phạm thiên ngự trên cầu thang bạc cầm lọng che cho đức Thế Tôn…

Trên bầu trời, quang đảng, hiện rỏ thân tướng của đức Phật ngự giửa các thiên thần, nơi nhân gian mọi người đều thấy rõ.

Khi đức Thế Tôn, từ thang ngọc bước xuống mặt đất trước cổng thành Saṅkassa, Tôn giả Sāriputta cùng chư tỳ kheo, và các cư sỉ đồng quì đảnh lễ đức Thế Tôn.

Tôn giả Sāriputta thốt lên lời hoan hỷ Bạch với đức Thế Tôn: “con chưa từng thấy một ai ở đời có tướng hảo chói sáng như Phật thân. Ngài là bậc thầy của chư Thiên và nhân loại. Bạch Thế Tôn, hôm nay cả Nhân Thiên, đều hoan hỷ cung nghinh đức Thế Tôn trở về nhân gian”.

Đức Phật phán:

“Này Sāriputta, chư Phật đều hội đủ các ân đức cao quí như vậy, luôn là bậc đáng yêu kính của chư Thiên và nhân loại”.

Nói xong, đức Phật thuyết pháp và nói lên bài kệ nầy: Ye jhānapasūtā dhīrā…v.v…sambuddhānaṃ satīmatan’ ti.

Dứt pháp thoại, 500 vị tỳ kheo đệ tử của Trưởng lão Sāriputta chứng đắc quả A la hán, rất nhiều chúng sanh có mặt tại đấy chứng pháp nhản.

Chánh văn:

3. Ye jhānapasutā dhīrā

nekkhammūpasame ratā

devā’ pi tesaṃ pihayanti

sambuddhānaṃ satīmataṃ.

(dhp 181)

Thích văn:

Ye [chủ cách, số nhiều, nam tính, quan hệ đại từ ya] những người nào, những ai.

Jhānapasutā [chủ cách, số nhiều, nam tính, hợp thể tính từ jhānapasuta (jhāna + pasuta)] chuyên chú thiền định, chuyên tâm thiền định.

Dhīrā [chủ cách, số nhiều, nam tính, tính từ dhīra] khôn ngoan, sáng suốt, minh mẩn.

Nekkhammūpasame [định sở cách, số ít, nam tính, hợp thể danh từ nekkhammūpasama (nekkhamma + upasama)] trong sự xuất ly và tỉnh lặng, trong sự tĩnh ly.

Ratā [chủ cách, số nhiều, nam tính, quá khứ phân từ rata (ramati)] vui thích, thoả thích, hoan hỷ.

Devā [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ deva] những vị trời, các thiên tiên, chư thiên.

Pi [viết tắt của api] cũng, cũng có, cũng đều.

Tesaṃ [chỉ định cách, số nhiều, nam tính, chỉ thị đại từ ta] đối với các vị ấy.

Pihayanti [động từ tiến hành cách “pih + ya”, ngôi III, số nhiều] ái mộ. ái kính, ngưởng mộ.

Sambuddhānaṃ [chỉ định cách, số nhiều, nam tính, danh từ sambuddha] đối với các bậc chánh giác, các bậc giác ngộ.

Satīmataṃ [chỉ định cách, số nhiều, nam tính, danh tỉnh từ satimantu] đối với những vị ức niệm, những bậc đầy đủ chánh niệm.

Việt văn:

3. Các bậc chuyên thiền định

minh mẩn thích tịnh ly

chư thiên đều ái kính

bậc Chánh giác, chánh niệm.

(pc 181)

Chuyển văn:

Ye jhānapasutā dhīrā nekkhammūpasame ratā tesaṃ satimataṃ sambuddhānaṃ devā api pihayanti.

Những vị mà chuyên chú thiền định, minh mẩn sáng suốt, thoả thích pháp tịnh ly. Chư thiên đều ngưởng mộ những vị giác ngộ, ức niệm ấy.

Lý giải:

Gọi là Thiền (jhāna), có hai loại: (1) Thiền chú tâm trên đối tượng (ārammaṇūpanijjhāna) tức thiền chỉ (samatha), (2) Thiền chú tâm trên tướng trạng (Lakkhaṇūpanijjhāna) tức thiền quán (vipassanā). Một vị chuyên chú thiền định, đức Phật nói trong bài kệ nầy là vị đã tu chứng thiền chỉ và thiền quán, thành tựu thiền thông, đạo quả.

Gọi à minh mẫn (dhīra) tức là lão luyện, thiện xảo về năm pháp tự tại (vasī) trong hai loại thiền ấy. Năm pháp tự tại ấy là: Tự tại hướng thiền (āvajjanavasī), tự tại nhập thiền (samāpajjanavasī), tự tại trú thiền (aṭṭhānavasī),tự tại xuất thiền (vuṭṭhānavasī), tự tại phản khán chi thiền (paccevekkhanavasī).

Đó là ý nghĩa của câu: Ye jhānapasutā dhīrā, những vị nào chuyên chú thiền minh mẩn.

Tiếp đến, câu nói: Nekkhammūpasame ratā, thoả thích pháp tịnh ly. Theo chú giải, trong bài kệ nầy chữ nekkhamma (xuất ly) và upasama (tịch tịnh) đều ám chỉ níp bàn (nibbāna). Níp bàn là xuất ly tam giới, tịch tịnh phiền não. Không nên hiểu chữ nekkhamma là xuất gia, đi tu (pabbajjā nekkhamman’ ti na gahetabbā), mà cần phải hiểu câu nekkhammūpasame ratā là thoả thích với níp bàn, là pháp tịnh ly phiền não (Kilesavūpasamanibbānarati).

Câu nói: Devā’ pi tesaṃ pihayanti. Cần phải hiểu là chư thiên cùng nhân loại đều ngưởng mộ, ao ước được bái kiến các vị ấy (Devāpī’ ti devā pi manussā pi tesaṃ pihayanti patthenti).

Các vị ấy, là chỉ cho những vị Phật,  là những bậc chánh giác, có chánh niệm.

Chư vị A la hán thinh văn, hay Độc giác, cũng là bậc chánh giác chánh niệm nhưng uy lực kém hơn bậc toàn giác, vả lại, trong bối cảnh nầy, khi đức Thế Tôn từ thiên cung Đạo Lợi trở về cỏi người được chư thiên phạm thiên đưa tiển và loài người tiếp đón trọng thể, Đức Thế Tôn thuyết bài kệ nầy là nói đến những vị Phật luôn được chư thiên nhân loại ngưởng mộ.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn