Bài 2. CÁCH CHIA CÁC ĐỘNG TỪ PĀLI _ Giáo trình Phạn ngữ Pāli _ Bài học ngày 7.6.2021

Monday, 07/06/2021, 15:33 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Giáo trình Phạn ngữ Pāli

Bài học ngày 7.6.2021


Bài 2. CÁCH CHIA CÁC ĐỘNG TỪ PĀLI

Chú thích:

Động từ, trong ý nghĩa tương đồng chung chung giữa các ngôn ngữ, chỉ một trong những điều sau:

1. Hành động. Thí dụ: người nông dân cày ruộng

2. Trạng thái. Thí dụ: Tôi cảm thấy mệt

§ Các động từ Pāli có 3 thì, 2 thể và 3 ngôi.

Thì:

- Vattamānakāla: hiện tại

- Atītakāla: Quá khứ

- Anāgatakāla: Tương lai

Thể:

- Kattukāraka: Năng động thể

- Kammakāraka: Thụ động thể

Chú thích:

Năng động thể là động từ mà chủ từ là thực hiện hành động.

Thí dụ: Tôi gọi trò A lên văn phòng.

Thụ động thể là động từ mà chủ từ là đối tượng của hành động.

Thí dụ: Tôi được gọi lên văn phòng.

Ngôi:

- Paṭhamapurisa: Ngôi thứ ba

- Majjhimapurisa: Ngôi thứ hai

- Uttamapurisa: Ngôi thứ nhất

Ngôi thứ nhất của tiếng Anh là ngôi thứ ba của tiếng Pāli. Số của động từ tương tự như danh từ.

Không có các Thì Tiếp Diễn, Hoàn Thành, Hoàn Thành Tiếp Diễn trong tiếng Pāli như trong tiếng Anh. Do đó các cách chia thì chỉ ở dạng phiếm định.

Chú thích:

Trong tiếng Pāli chia thời gian không giống trong tiếng Việt và tiếng Anh (hai ngôn ngữ quen thuộc với người Việt)

Trong tiếng Việt động từ không biến thể dù ở thời nào. Như nói tôi đã làm, sẽ làm, đang làm thì động từ làm không biết thể. Trừ khi có mệnh đề nêu rõ thời gian ngoài ra thì tương đối mơ hồ.

Trong tiếng Anh có thì tiếp diễn, hoàn thành..

Thí dụ: The old dog was barking. She had already left before I could phone her.

Cách chia ngữ căn paca (nấu)

Trực thuyết cách, năng động thể, thì hiện tại

Ngôi _Số ít / Số nhiều

3     (so) pacati / (te) pacanti

2     (tvaṃ) pacasi / (tumhe) pacatha

1     (ahaṃ) pacāmi / (mayaṃ) pacāma

Ngữ căn bhū (Bhava: là, có, trở nên, hiện hữu)

Ngôi _Số ít / Số nhiều

3      bhavati / bhavanti

2      bhavasi / bhavatha

1      bhavāmi / bhavāma

Những động từ sau đây đều chia tương tự:

- Gacchati: đi

- Sayati: ngủ

- Passati: thấy

- Harati: mang đi, đem đi

- Vasati: sống, ở, cư trú

- Hasati: cười

- Nisīdati: ngồi

- Dhāvati: chạy

- Āruhati: leo lên

- Tiṭṭhati: đứng

- Carati: đi bộ, đi dạo

- Bhuñjati: ăn (thức ăn mềm)

- Khādati: ăn (thức ăn cứng)

- Āharati: mang lại, đem lại

- Hanati: giết

- Yācati: xin

- Bhāsati: nói

- Kīḷati: chơi, đùa giỡn

Sabbapāpassa akaraṇaṃ

kusalass’ūpasampadā

sacittapariyodapanaṃ

etaṃ buddhānasāsanaṃ.

Không làm tất cả ác

Thành tựu những hạnh lành

Thanh tịnh hoá bản tâm

Là lời dạy của chư Phật.

Khanti paramaṃ tapo titikkhā

nibbānaṃ paramaṃ vadanti buddhā

na hi pabbajito parūpaghātī

samaṇo hoti paraṃ viheṭhayanto.

Nhẫn nại là khắc kỷ tối thượng

Chư Phật dạy Niết bàn là cứu cánh

Người xuất gia không tổn hại ai

Sa môn không áp bức người khác.

A – Dịch sang tiếng Việt

1. Narā suriyaṃ passanti

2. Goṇā pāsāṇe tiṭṭhanti

3. Manusso gāme carati

4. Sakuṇo rukkhe nisīdati

5. Buddho dhammaṃ bhāsati

6. Ahaṃ dīpaṃ āharāmi

7. Mayaṃ goṇe harāma

8. Saṅgho gāmaṃ gacchati

9. Tvaṃ sīhaṃ passasi

10.Bhūpālā asse āruhanti

11.Devā āsākena gacchanti

12.Assā dīpesu dhāvanti

13.Tvaṃ pādehi carasi

14.Tumhe hatthehi carasi

15.Mayaṃ loke vasāma

16.Sunakhā vānarehi kīḷanti

17.Puriso mañce sayati

18.Varāhā ajehi vasanti

19.Sīhā sakuṇe hananti

20.Sunakhā gāme caranti

B – Dịch sang Pāli

1. Con ngựa đứng trên hòn đảo

2. Những con dê đi trong làng

3. Các ngươi thấy mặt trời

4. Mặt trăng mọc trên trời

5. Những người đàn ông ngủ trên những chiếc giường

6. Những con bò đực chạy khỏi con sư tử

7. Những con người sống trên đời

8. Cậu đem cây đèn đi

9. Chúng tôi sống trên hòn đảo

10.Ngài là đức vua

11.Các anh thấy con chim trên cây

12.Con khỉ đùa giỡn với con heo

13.Đức vua giết con sư tử

14.Vị thiên thần du hành trên hư không

15.Cây cối sống trên đảo

16.Anh ấy mang cây đèn lại

17.Chúng tôi thấy thân của người đàn ông

18.Chúng tôi ăn bằng tay

* Bài viết trích từ cuốn: "Giáo trình PĀLI, nguyên tác: THE NEW PALI COURSE, Tác giả Prof. A. P. Buddhadatta, Maha Nayaka Thera, Dịch giả: Ngài Thích Minh Châu.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng