Môn học: PĀLI PHÁP CÚ - II. Phẩm Không Dể Duôi _ Kệ số 5

Sunday, 12/06/2022, 09:22 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 12.6.2022


II. Phẩm Không Dể Duôi _ Kệ số 5

Duyên sự:

Bài kệ nầy được đức Phật thuyết ở Veḷuvana thành Rājagaha, vì câu chuyện của trưởng lão Cūḷapanthaka.

Tại Rājagaha một gia đình phú hộ có hai đứa cháu trai, là Mahāpanthaka và Cūḷapanthaka.

Mahāpanthaka xuất gia trước và đã đắc quả A la hán. Thời gian sau trưởng lão Mahāpanthaka về tiếp độ người em trai là Cūḷapanthaka.

Tỳ kheo Cūḷapanthaka là người tối dạ đến nỗi không thể học thuộc một bài kệ bốn câu trong thời gian bốn tháng. Trưởng lão Mahāpanthaka nghĩ rằng người em không thể tiến hoá tu tập sa môn hạnh nên khuyên người em hoàn tục. Dù vẫn ưa thích đời sống xuất gia nhưng cũng nghe lời anh.

Sáng hôm sau Cūḷapanthaka đã đi ra khỏi chùa để về nhà, vừa ra đến cổng chùa thì đức Phật đã đón lại và khuyên Cūḷapanthaka hãy ở lại tu. Rồi Ngài trao cho Cūḷapanthaka một chiếc khăn trắng tinh, dạy rằng hãy dùng chiếc khăn ấy lau mặt lau tay và tác ý lau sạch bụi bẩn.

Trong buổi sáng hôm ấy, ông cận sự nam Jīvakakomārabhacca thỉnh đức Phật và chúng tỳ kheo về nhà cúng dường trai phạn. Trưởng lão Mahāpanthaka không cho người em Cūḷapanthaka đi cùng chư Tăng.

Tỳ kheo Cūḷapanthaka một mình ở chùa, ngồi ngoài trời, khi nắng lên mặt mày tay chân bị bụi bẩn bèn lấy khăn lau mặt lau tay và tác ý lau bụi bẩn. Tỳ kheo Cūḷapanthaka cứ lau mãi như vậy thì chiếc khăn bị dơ, mới ngẩm nghĩ: “chiếc khăn ban đầu sạch trắng tinh, giờ đây khi xúc chạm cái thân bụi bẩn nầy thì dơ như vậy, thật là các hành vô thường”, vị ấy chú tâm tuỳ quán vô thường.

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn đang ngự tại tư gia của ông Jīvaka, Ngài phân thân hiện ra trước mặt tỳ kheo Cūḷapanthaka và dạy rằng: “cái khăn sạch kia dơ bẩn do bụi trần, đó chỉ là bụi bẩn bên ngoài; nội tâm bị ô nhiễm bởi tham trần cấu, sân trần cấu và si trần cấu, thứ bụi trần đó mới đáng được tẩy sạch. Hãy ly trần phiền não trong nội tâm”.

Đức thế tôn vừa giáo huấn xong thì tỳ kheo Cūḷapanthaka chứng đắc quả A La Hán cùng bốn tuệ đạt thông (paṭisambhidāñāṇa), thông suốt giáo pháp. Đức Phật biến mất tại đấy.

Khi ấy tại tư gia của ông Jīvaka đức Phật bảo gia chủ, ở chùa còn một vị tỳ kheo, hãy thỉnh đến. Gia chủ vâng lời cho người đến chùa thỉnh trưởng lão Cūḷapanthaka.

Sau bữa ăn, đức Phật dạy tôn giả Cūḷapanthaka hãy thuyết pháp, tuỳ hỷ công đức của thí chủ. Tôn giả Cūḷapanthaka liền thuyết pháp như con sư tử gầm lên vang động núi rừng, với nghĩa lý sâu xa trong Phật ngôn, khiến mọi người vô cùng hoan hỷ.

Rồi đức Phật và chư Tăng đứng lên về chùa. Buổi chiều các vị tỳ kheo ngồi trong giảng đường bàn luận về câu chuyện của tôn giả Cūḷapanthaka, một vị tỳ kheo tối dạ học bốn tháng không thuộc nỗi một bài kệ tứ cú mà đức Phật chỉ trong một buổi sáng đã an trú vị ấy trong quả vị A la hán với tuệ phân tích. Ôi! Phật lực vĩ đại.

Đức Phật ngự đến giảng đường và hỏi các tỳ kheo về đề tài thảo luận. Chư tỳ kheo trả lời đức Phật. Đức Phật đã dạy rằng: Này chư tỳ kheo, trong giáo pháp của ta, vị tỳ kheo tinh tấn sẽ làm chủ pháp siêu thế. Rồi Ngài thuyết lên bài kệ: Uṭṭhānenappamādena, nỗ lực không dể duôi ..v.v..

*

Chánh văn:

Uṭṭhānen’ appamādena

saṃyamena damena ca

dīpaṃ kayirātha medhāvī

yaṃ ogho n’ ābhikīrati.

(dhp 25)

*

Thích văn:

uṭṭhānen’ appamādena [hợp âm uṭṭhānena appamādena]

uṭṭhānena [sở dụng cách số ít của danh từ trung tính uṭṭhāna] với sự nỗ lực, sự vùng lên, sự đứng lên.

appamādena [sở dụng cách số ít của danh từ hợp thể appamāda (na + pamāda)] với sự không dể duôi, bằng sự không phóng đãng.

saṃyamena [sở dụng cách số ít của danh từ nam tính saṃyama, có bản viết là saññama (ṃy = ññ)] bằng sự chế ngự, kềm chế.

damena [sở dụng cách số ít của danh từ nam tính dama] với sự điều phục, bằng sự điều phục.

dīpaṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính dīpa] hòn đảo, hải đảo.

kayirātha [khả năng cách ngôi III số ít loại attanopada của động từ karoti (căn kar)] nên xây dựng, phải xây đắp, phải làm.

medhāvī [chủ cách số ít của danh từ nam tánh medhāvī] người khôn ngoan, bậc trí tuệ.

yaṃ [đối cách số ít nam tính, liên quan đại từ ya] cái mà, bất luận cái nào.

ogho [chủ cách số ít của danh từ nam tính ogha] lũ lụt, nước lũ, bộc lưu.

n’ ābhikīrati [hợp âm (na abhikīrati)]

na [phủ định từ] không, chẳng

abhikīrati [thì hiện tại ngôi III số ít của động từ abhikīrati (abhi + căn kir + a)] ngập tràn, tràn trề, tràn lan.

*

Việt văn:

Nỗ lực, không dể duôi

tự kềm chế, điều phục

bậc trí xây hòn đảo

nước lũ không tràn ngập.

(pc 25)

*

Chuyển văn:

Medhāvī uṭṭhānena appamādena saṃyamena damena ca dīpaṃ kayirātha yaṃ ogho na abhikīrati.

Bậc trí nên xây hòn đảo bằng sự nỗ lực, không xao lãng, tự kềm chế và điều phục, nơi mà nước lũ không tràn ngập được.

*

Lý giải:

Một hòn đảo nổi lên giữa giòng sông hay biển cả, có thể không an toàn, vì thuỷ triều lên cao làm cho ngập lụt.

Đức Phật không dạy đệ tử xây dựng hòn đảo như vậy, mà hòn đảo nên xây đắp đó chính là đạo quả A la hán. Hòn đảo mà không có thuỷ triều nào tràn ngập được.

Thuỷ triều đó chính là bốn bộc lưu (ogha): dục bộc lưu (kāmogha), hữu bộ lưu (bhavogha), kiến bộc lưu (diṭṭhogha), và vô minh bộc lưu (avijjogha). Tham, tà kiến và si mê đã được thánh đạo thánh quả A la hán đoạn trừ hoàn toàn.

Bậc trí xây hòn đảo không phải là dùng cuốc xẻng, đất, đá, cát, để đấp lên, mà xây hòn đảo nầy bằng bốn phương tiện: nỗ lực (uṭṭhāna), không dể duôi (appamāda), chế ngự (saṃyama hay saññama), và điều phục (dama).

Bằng sự nỗ lực, tức là tinh tấn (viriyasaṅkhātena).

Bằng sự không dể duôi, tức là chuyên niệm, không lìa chánh niệm (satiyā avippavāsākārasaṅkhātena).

Bằng sự chế ngự, tức là thu thúc tứ thanh tịnh giới (catuparisuddhisīlasaṅkhātena).

Bằng sự điều phục tức là nhiếp phục sáu căn quyền như mắt, tai ..v.v.. (indriyadamena).

Bậc trí xây hòn đảo, quả A la hán, bằng bốn pháp phương tiện nầy, thành tựu trí tuệ cốt lõi trong giáo pháp, trú an toàn không còn bị thuỷ triều nhận chìm trong biển luân hồi nữa.

Biên soạn giáo trình: Tỳ khưu Tuệ Siêu