Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG || THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) - Thời Gian Trổ Quả Của Nghiệp

Friday, 29/12/2023, 18:43 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 29.12.2023

THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

Bài 76. Thời Gian Trổ Quả Của Nghiệp

Diṭṭhadhammavedanīyaṁ, upapajjavedanīyaṁ, aparāpa riyavedanīyaṁ, ahosikammañ cā ti pākakālavasena cattāri kammāni

nāma.

Trên phương diện thời gian trổ quả có bốn loại nghiệp là: A. Hiện báo nghiệp; B. Sanh báo nghiệp; C. Hậu báo nghiệp; D. Vô hiệu nghiệp.

Chú Thích:

Hiện báo nghiệp (diṭṭhadhammavedanīya) là nghiệp trổ quả ngay trong kiếp sống hiện tại. Đôi khi người ta cũng nói là “quả báo nhãn tiền”. Nếu không trổ quả ngay trong hiện kiếp, thì nghiệp này trở thành vô hiệu nghiệp. Theo Thắng Pháp có bảy sát na tâm xử lý (javana) trong diễn trình tâm tạo nghiệp. Hiện báo nghiệp tạo nên bởi sát na tâm xử lý đầu tiên.

Sanh báo nghiệp (upapajjavedanīya) là nghiệp trổ quả trong kiếp kế tiếp. Nghiệp này tạo nên bởi sát na tâm xử lý (javana) thứ bảy. Theo Ngài Ledī Sayādaw, thì sát na này mạnh hơn sát na thứ nhất (tạo nên hiện báo nghiệp) và yếu hơn 5 sát na giữa. Xem thêm phần trước, nói về sức mạnh của nghiệp với trọng nghiệp, cận tử nghiệp và thường nghiệp để hiểu thêm về sanh báo nghiệp.

Hậu báo nghiệp (aparāpariyavedanīya) là nghiệp trổ quả từ kiếp thứ ba trở đi (kiếp hiện tại là kiếp thứ nhất, kiếp kế tiếp là kiếp thứ hai). Đây là thứ nghiệp tạo nên bởi 5 sát na giữa của 7 sát na tâm xử lý (javana). Đây là thứ nghiệp “đeo đẳng” trong rất nhiều kiếp của cuộc trầm luân.

 

Vô hiệu nghiệp (ahosi) không phải chỉ cho một loại nghiệp, mà chỉ cho sự trạng nghiệp không trổ quả được. Điều này có thể xảy ra trong ba trường hợp:

  1. Hiện báo nghiệp, sanh báo nghiệp không trổ quả theo thời hạn nên không còn ảnh hưởng gì.
  2. Hậu báo nghiệp quá yếu nên mất đi sức mạnh theo thời gian dài.
  3. Một vị a la hán chấm dứt sanh tử, nên tất cả nghiệp đều vô hiệu sau khi chứng vô dư niết bàn.

Nói về mạnh yếu của các sát na tâm xử lý (javana), thì Ngài Ledī Sayādaw có ý kiến là sát na đầu yếu nhất (tạo nên hiện báo nghiệp). Sát na cuối yếu thứ nhì (tạo nên sanh báo nghiệp). Năm sát na giữa là mạnh nhất tạo nên hậu báo nghiệp. Điều này trái ngược với nhiều người, cho rằng nghiệp trổ quả tức thời là nghiệp mạnh nhất. Lời giải thích này của Ngài không tìm thấy trong chánh tạng.

Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và chú thích