- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG
Bài học ngày 29.9.2023
THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)
Bài 65. Tâm Dư Hưởng (tadārammaṇa)
Sabbatthā pi pan’ettha aniṭṭhe ārammaṇe akusalavipākān’eva pañcaviññāṇa-sampaṭicchana-santīraṇa-tadārammaṇāni; iṭṭhe kusalavipākāni; ati-iṭṭhe pana somanassasahagatān’eva santīraṇa tadārammaṇāni.
Tatthā pi somanassasahagatakriyājavanāvasāne somanassasahagatān’eva tadārammaṇāni bhavanti. Upekkhāsahagatakriyājavanāvasāne ca upekkhāsahagatān’eva honti.
Ở đây, trong tất cả trường hợp, khi (gặp) cảnh không khả ý, năm thức (thuộc ngũ quan) sanh khởi, rồi các (sát na) tâm tiếp nhận, kiểm tra, xác định thuộc tâm quả bất thiện. Khi (gặp) cảnh khả ý, (thay vào đó) là những tâm quả thiện. Nếu là cảnh rất khả ý, thời tâm kiểm tra và tâm dư hưởng thọ hỷ (sanh khởi).
Cũng trong trình tự này, (đối với các bậc a la hán) với chặng xử lý kết thúc là tâm duy tác thọ hỷ, thời sát na tâm dư hưởng cũng thọ hỷ; với chặng xử lý kết thúc là tâm duy tác thọ xả, thời sát na tâm dư hưởng cũng thọ xả.
Chú Thích
Cảnh trong phần này được phân thành 3: cảnh không khả ý (aniṭṭha), cảnh tương đối khả ý (iṭṭha-majjhata), cảnh rất khả ý (ati-iṭṭha).
Chữ iṭṭha tạm dịch là khả ý, theo nghĩa là cảnh tốt theo tính cách tự nhiên. Chứ không phải là cảnh vừa ý, khả ái theo phiền não hay ảo giác. Theo Thắng Pháp, thì tất cả cảnh khả ý đều là quả thiện và cảnh không khả ý đều là quả bất thiện. Theo Sớ Giải của bộ Vibhanga là quyển Samohavinodanī, thì vẫn có trường hợp, một người thấy cảnh khả ý xem là không khả ý, hay ngược lại, cũng có thể xem cảnh không khả ý là cảnh khả ý bằng cách chuyển đổi tưởng (saññāvipallāsa). Thí dụ, một người đang thọ bát quan trai, khi đi đường tình cờ nghe một bản nhạc rất hay phát ra từ một căn nhà. Âm thanh của bản nhạc là cảnh khả ý, nhưng lại được xem là là không khả ý, vì người ấy đang cố giữ bát quan trai. Ở trường hợp khác, cảnh tượng một tử thi phân huỷ, là cảnh không khả ý, nhưng đối với người đang tu tập pháp quán niệm tử thi, thì lại là cảnh khả ý, vì vị ấy lựa chọn cảnh ấy để khai triển quán niệm. Nên nhớ cảnh khả ý hay không khả ý hiện hữu độc lập đối với quan niệm chủ quan.
Quyển Samohavinodanī cũng lý giải rằng, cả hai cảnh không khả ý (aniṭṭha), cảnh tương đối khả ý (iṭṭha-majjhata) đối với chúng sanh bình thường (majjhima-satta) hết sức khó phân biệt, thí dụ như những món hàng qua tay người buôn bán hằng ngày, hay hồ sơ qua tay những viên chức hành chánh, có thứ tốt, không tốt, là cái gì rất mơ hồ trong phản ứng tâm lý, bởi vì chỉ là sự phân loại trong công việc.
Có 11 tâm làm chức năng dư hưởng, là 3 tâm kiểm tra và 8 quả dục giới hữu nhân.
Đây là phần rất tế nhị của tâm thức, nếu xét theo phương diện vĩ mô. Theo Thắng Pháp, thì cảnh tốt hay cảnh xấu do nghiệp tạo thành; tính cách tốt xấu độc lập với phán xét và phản ứng của cái nhìn chủ quan. Ngoại trừ trường hợp, thân thức hay xúc giác thọ khổ hay thọ lạc, bốn giác quan nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, đều là thọ xả dù cảnh tốt hay cảnh xấu. Trong trường hợp cảnh rất khả ý (ati-iṭṭha), tâm dư hưởng là tâm kiểm tra thọ hỷ và 4 tâm quả dục giới hữu nhân thọ hỷ.
Đối với các bậc đoạn tận lậu hoặc (a la hán), khi cảm nhận cảnh rất tốt, vẫn có thể có tâm dư hưởng thọ hỷ, nhưng thường khi là những tâm dư hưởng thọ xả. Sớ giải cũng ghi rằng, hầu hết những trường hợp chư vị a la hán gặp cảnh không tốt, hay tương đối tốt, thường có tâm xử lý thọ xả. Theo bản luận giải Thắng Pháp của Ngài Ledi Sayadaw, thì chư vị A la hán trong một số trường hợp, có tâm xử lý thọ xả đối với cảnh rất tốt, và ngược lại có tâm xử lý thọ hỷ với với cảnh không khả ý, khi quán chiếu bằng tuệ giác như trong Kinh Indriyabhāvanā Sutta, Trung Bộ:
-- Này Ananda, thế nào là vô thượng căn tu tập trong giới luật bậc Thánh? Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo, mắt thấy sắc, khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý và bất khả ý. Vị ấy tuệ tri như sau: "Khả ý này khởi lên nơi ta, bất khả ý này khởi lên nơi ta, khả ý và bất khả ý này khởi lên nơi ta. Cái này khởi lên, vì là hữu vi nên thô. Nhưng cái này là an tịnh, cái này là thù diệu, tức là xả". Cho nên, dầu cho cái gì khởi lên là khả ý, bất khả ý hay khả ý và bất khả ý, tất cả đều đoạn diệt (trong vị ấy), và xả tồn tại. Này Ananda, như một người có mắt, sau khi mở mắt, lại nhắm mắt lại, hay sau khi nhắm mắt, lại mở mắt ra; cũng vậy, như vậy là tốc độ, như vậy là sự mau chóng, như vậy là sự dễ dàng đối với cái gì đã khởi lên, khả ý, bất khả ý hay khả ý và bất khả ý, (tất cả) đều đoạn diệt (trong vị ấy), và xả tồn tại. Trong giới luật bậc Thánh, này Ananda, như vậy gọi là vô thượng căn tu tập đối với các sắc do mắt nhận thức.
Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo tai nghe tiếng khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý và bất khả ý. Vị ấy tuệ tri như sau: "Khả ý này khởi lên nơi ta, bất khả ý này khởi lên nơi ta, khả ý và bất khả ý này khởi lên nơi ta. Cái này khởi lên, vì là hữu vi nên thô. Nhưng cái này là an tịnh, cái này là thù diệu, tức là xả". Cho nên dầu cho cái gì khởi lên là khả ý, bất khả ý, hay khả ý và bất khả ý, tất cả đều đoạn diệt (trong vị ấy), và xả tồn tại. Này Ananda, như một người lực sĩ có thể búng tay một cách dễ dàng; cũng vậy, như vậy là tốc độ, như vậy là sự mau chóng, như vậy là sự dễ dàng đối với cái gì đã khởi lên, khả ý, bất khả ý hay khả ý và bất khả ý, (tất cả) đều đoạn diệt (trong vị ấy) và xả tồn tại. Trong giới luật bậc Thánh, này Ananda, như vậy gọi là vô thượng căn tu tập đối với các tiếng do tai nhận thức.
Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo do mũi ngửi hương khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý và bất khả ý. Vị ấy tuệ tri như sau: "Khả ý này khởi lên nơi ta, bất khả ý này khởi lên nơi ta, khả ý và bất khả này khởi lên nơi ta. Cái này khởi lên, vì là hữu vi nên thô. Nhưng cái này là an tịnh, cái này là thù diệu, tức là xả". Cho nên dầu cho cái gì khởi lên là khả ý, bất khả ý hay khả ý và bất khả ý, tất cả đều đoạn diệt (trong vị ấy) và xả tồn tại. Này Ananda, như những giọt nước mưa chảy trượt đi, không có đọng lại trên một lá sen hơi chúc xuống; cũng vậy, như vậy là tốc độ, như vậy là sự mau chóng, như vậy là sự dễ dàng đối với cái gì đã khởi lên, khả ý, bất khả ý hay khả ý và bất khả ý, (tất cả) đều đoạn diệt (trong vị ấy), và xả tồn tại. Trong giới luật bậc Thánh, này Ananda, như vậy gọi là vô thượng căn tu tập đối với các hương do mũi nhận thức.
Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo lưỡi nếm vị khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý và bất khả ý. Vị ấy tuệ tri như sau: "Khả ý này khởi lên nơi ta, bất khả ý này khởi lênnơi ta, khả ý và bất khả ý này khởi lên nơi ta. Cái này khởi lên, vì là hữu vi nên thô. Nhưng cái này là an tinh, cái này là thù diệu, tức là xả". Cho nên dầu cho cái gì khởi lên là khả ý, bất khả ý, hay khả ý và bất khả ý, tất cả đều đoạn diệt (trong vị ấy) và xả tồn tại. Này Ananda, như một người lực sĩ có thể nhổ ra một cách dễ dàng cục đờm đọng lại trên đầu lưỡi; cũng vậy, như vậy là tốc độ, như vậy là sự mau chóng, như vậy là sự dễ dàng đối với cái gì đã khởi lên, khả ý, bất khả ý hay khả ý và bất khả ý, (tất cả) đều đoạn diệt (trong vị ấy) và xả tồn tại. Trong giới luật bậc Thánh, này Ananda, như vậy gọi là vô thượng căn tu tập đối với các vị do lưỡi nhận thức.
Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo thân cảm xúc khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý và bất khả ý. Vị ấy tuệ tri như sau: "Khả ý này khởi lên nơi ta, bất khả ý này khởi lên nơi ta, khả ý và bất khả ý này khởi lên nơi ta. Cái này khởi lên, vì là hữu vi nên thô. Nhưng cái này là an tịnh, cái này là thù diệu, tức là xả". Cho nên dầu cho cái gì khởi lên là khả ý, bất khả ý hay khả ý và bất khả ý, tất cả đều đoạn diệt (trong vị ấy), và xả tồn tại. Này Ananda, ví như một người có thể co duỗi cánh tay được co lại của mình, hay co lại cánh tay duỗi ra của mình; cũng vậy, như vậy là tốc độ, như vậy là sự mau chóng, như vậy là sự dễ dàng đối với cái gì đã khởi lên, khả ý, bất khả ý hay khả ý và bất khả ý, (tất cả) đều đoạn diệt (trong vị ấy) và xả tồn tại. Trong giới luật bậc Thánh, này Ananda, như vậy gọi là vô thượng căn tu tập đối với các xúc do thân nhận thức.
Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo, ý nhận thức các pháp khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý và bất khả ý. Vị ấy tuệ tri như sau: "Khả ý này khởi lên nơi ta, bất khả ý này khởi lên nơi ta, khả ý và bất khả ý này khởi lên nơi ta. Cái này khởi lên, vì là hữu vi nên thô. Nhưng cái này là an tịnh, cái này là thù diệu, tức là xả". Cho nên dầu cho cái gì khởi lên là khả ý, bất khả ý hay khả ý và bất khả ý, tất cả đều đoạn diệt (trong vị ấy), và xả tồn tại. Này Ananda, như một người cho nhỏ hai ba giọt nước trong một cái chậu bằng sắt đun nóng mỗi ngày, này Ananda, các giọt nước rơi rất chậm nhưng chúng bị tiêu diệt, biến đi rất mau, cũng vậy, như vậy là tốc độ, như vậy là sự mau chóng, như vậy là sự dễ dàng đối với cái gì đã khởi lên khả ý, bất khả ý hay khả ý và bất khả ý, (tất cả) đều đoạn diệt (trong vị ấy) và xả tồn tại. Trong giới luật bậc Thánh, này Ananda, như vậy gọi là vô thượng căn tu tập đối với các pháp do ý nhận thức.
Như vậy, này Ananda, là vô thượng căn tu tập trong giới luật bậc Thánh.
Bản dịch của Hoà Thượng Thích Minh Châu.