Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG || THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) - Sức Mạnh Trổ Quả Của Nghiệp

Friday, 22/12/2023, 18:20 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 22.12.2023

THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

Bài 75. Sức Mạnh Trổ Quả Của Nghiệp

Garukaṁ, āsannaṁ, āciṇṇaṁ, kaṭattā kammañ cā ti pākadānapariyāyena.

Trên phương diện sức mạnh trổ quả có bốn loại nghiệp là: A. Trọng nghiệp; B. Cận tử nghiệp; C. Tập quán nghiệp; D. Tích Luỹ nghiệp.

Chú Thích:

Sức mạnh trổ quả của nghiệp ở đây, đặc biệt chỉ cho nghiệp lực chi phối thời điểm kiếp sống chấm dứt và định hình một kiếp sống mới kế tiếp.

Trọng nghiệp (garuka) là nghiệp có sức mạnh không thể thay đổi bằng bất cứ nghiệp gì khác. Nói cách khác, là thứ nghiệp chắc chắn trổ quả và dẫn đến cảnh giới tái sanh tương ứng.

Trên phương diện trọng nghiệp bất thiện, thì có 5 trọng nghiệp ác (ānantariyakamma) thường được dịch là ngũ nghịch đại tội hay ngũ nghịch vô gián là: giết cha, giết mẹ, giết A la hán, làm thân Phật chảy máu và chia rẽ Tăng chúng. Nên biết là, A la hán trong trường hợp này là chư vị thính văn giác và độc giác Phật. Chư Phật toàn giác thì không ai có thể sát hại, tuy nhiên kẻ ác có thể gây thương tích nên cũng được dịch là “làm thân Phật chảy máu”.

Trên phương diện trọng nghiệp thiện, là sự chứng đắc các tầng thiền. Nếu đến lúc lâm chung vẫn còn thiền chứng, thì chắc chắn sanh về cõi thiền tương ứng như chứng tam thiền thì sanh về cõi sắc giới tam thiền.

Có người chứng thiền, sau đó là tạo trọng nghiệp ác như Devadatta thì thiền chứng bị hoại và trọng nghiệp ác thành yếu tố quyết định tái sanh. Trong trường hợp ngược lại, một người đã phạm ngũ nghịch đại tội thì không bao giờ có thể chứng thiền và đạo quả, do sự ngăn ngại của ác nghiệp quá lớn. Vua Ajāsattu (A Xà Thế) có đủ căn cơ để chứng quả tu đà huờn, nhưng vì trước đó đã phạm tội giết cha nên không thể thành tựu đạo quả.

Cận tử nghiệp (āsanna) là thứ nghiệp lực xảy ra trong thời khắc lâm chung. Đối với một người không tạo ngũ nghịch đại tội hay chứng thiền, thì những nghiệp lực xảy ra trong giây phút lâm chung, mang yếu tố quyết định và có khi đi ngược lại với sở hành đã tạo trước kia. Như một người cả đời không biết làm thiện, nhưng lúc lâm chung được nghe pháp thoại và cảm nhận giá trị của chánh pháp hay do sự hoan hỷ với điều tốt lành gì đó. Sớ giải có thí dụ, như một chuồng bò lớn có hằng trăm con bò, lúc mở cửa thì con bò ở gần cửa nhất sẽ ra trước. Do điều này, người Phật tử rất quan trọng sự trợ duyên tốt trong giờ phúc lâm chung. Trạng thái tâm lúc sắp chết, đóng vai trò quyết định cho cảnh giới tái sanh đời kế tiếp. Trong kinh điển, ghi lại nhiều câu chuyện về những người có cuộc sống bình thường rất tốt, nhưng trong lúc lâm chung là hối tiếc ray rức về gì đó nên sanh vào khổ cảnh, như trường hợp hoàng phi Mallikā của vua Pasenadi hay một tỳ khưu thời Đức Thế Tôn Kassapa, tu hành tinh tấn, nhưng phút lâm chung lại bận lòng với chuyện đã vi phạm một học giới nhỏ nên sanh làm long vương.

Tập quán nghiệp (āciṇṇa) là nghiệp do thói quen tạo thành nếp. Có thể không phải là nghiệp to lớn, nhưng vì được lập đi lập lại trở thành thói quen cố hữu, trạng lại trong giờ phút hấp hối, thí dụ một người thường chưng hoa cúng bàn Phật hay một người thường chế giễu người khác, tạo thành thói quen hay “phản xạ tự nhiên”. Nếu trong giây phút cận tử, không có sức mạnh của trọng nghiệp, cận tử nghiệp, thì tập quán nghiệp thường là yếu tố quyết định cảnh giới sanh tử kế tiếp. Một số sinh hoạt thường làm trong cuộc sống, mang tính “nghiện” như ăn nhậu, chơi game, ưa khôi hài... thường tạo nên những thói quen trong nếp suy tư mà ít người để ý.

Tích luỹ nghiệp (kaṭattā) là thứ nghiệp lực hiện khởi khi không có ba mãnh lực nghiệp kể trên. Đây là thứ nghiệp lực “bình thường không đáng kể”, nhưng lại có thể sanh khởi để “lấp vào khoảng trống”. Có những thứ nghiệp tưởng chừng không có sức mạnh gì, nhưng trong giờ phút cuối không có sự chi phối của trọng nghiệp, cận tử nghiệp và tập quán nghiệp, thì lại đóng vai trò quan trọng chi phối trạng thái tâm trước khi qua đời.

Nên lưu ý là bốn nghiệp lực kể trên, phải được hiểu theo thứ tự. Đầu tiên là trọng nghiệp. Nếu không có trọng nghiệp thì cận tử nghiệp là sức mạnh chủ đạo. Không có trọng nghiệp hay cận tử nghiệp thì tập quán nghiệp là yếu tố quyết định. Nếu cả ba đều không có, thì tích luỹ nghiệp hay thứ nghiệp “lan man” thường xem là không đáng kể lại đóng vai trò then chốt.

Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và chú thích