Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG || THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) - Quả Nghiệp Bất Thiện

Monday, 19/02/2024, 12:04 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 16.2.2024

THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

Bài 80.  Quả Nghiệp Bất Thiện

Ettha akusalakammam uddhaccarahitaṃ apāyabhūmiyaṃ

paṭisandhiṃ janeti.  Pavattiyaṃ pana sabbam pi dvādasavidhaṃ

satt’ākusalapākāni sabbatthā kāmaloke rūpaloke ca yathārahaṃ

vipaccati.

Ở đây, nghiệp bất thiện, ngoại trừ (nghiệp do tâm si) giao động, tạo thành kiết sanh thức tục sinh vào khổ cảnh. Nhưng trong trong đời sống hằng ngày, cả hai 12 nghiệp (do 12 tâm bất thiện) tác động 7 tâm quả bất thiện trong cõi dục giới và sắc giới tuỳ theo hoàn cảnh.

Chú Thích

12 nghiệp bất thiện nói theo 12 tâm bất thiện.

Quả của nghiệp ở đây nêu theo tâm quả. Quả của nghiệp bao gồm sắc pháp (vật chất) và nhiều bối cảnh liên hệ. Nhưng khi học về tâm pháp, thường chỉ nêu quả nghiệp qua các thứ tâm quả. Điều này nói lên sự chính xác về nghiệp và nghiệp quả nhưng nên hiểu không phải chỉ có vậy (…)

Tâm quả ở đây được đề cập trong hai chức năng: kiết sanh thức (chỉ có tâm kiểm tra thọ xả quả bất thiện) và hoạt động của các giác quan thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác trong đời sống hằng ngày. Vai trò của tâm tiếp nhận, kiểm tra trong đời sống hằng ngày xem ở “14 chức năng của tâm”.

Trong 12 tâm bất thiện riêng tâm si giao động (cũng gọi là tâm si phóng dật) không thể tạo tâm quả tái sanh (kiết sanh thức) vì quá yếu. 11 tâm bất thiện còn lại có đủ lực để tạo kiết sanh thức.

12 tâm bất thiện đều có thể tạo ra 7 tâm quả bất thiện trong đời sống hằng ngày ỏ tất cả cõi dục giới. Riêng trong cõi sắc giới, không có tâm tỷ thức, tâm thiệt thức và tâm thân thức, vị phạm thiên sắc giới hữu tâm chỉ có nhãn thức và nhĩ thức. Tâm kiểm tra quả bất thiện chỉ làm việc kiết sanh thức trong cõi dục giới.

Điều thú vị theo Thắng Pháp là ở cõi sắc giới có tâm nhãn thức, nhĩ thức, tiếp nhận, kiểm tra quả bất thiện nhưng không có tâm sân. Nói cách khác là các vị phạm thiên sắc giới hữu tâm có thấy, nghe những cảnh trái ý nghịch lòng nhưng không có tâm sân buồn bực do năng lực của thiền.

Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và chú thích