- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG
Bài học ngày 20.10.2023
THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)
Bài 68. Phân Tích Về Sanh Loại (puggalabheda)
Duhetukānam ahetukānañ ca pan’ettha kriyājavanāni c’eva appanājavanāni ca na labbhanti. Tathā ñāṇasampayuttavipākāni ca sugatiyaṁ. Duggatiyaṁ pana ñāṇavippayuttāni ca mahāvipākāni na labbhanti.sakiṁ matāAvasesāni labbhanti javanāni bahūni pi.
Tihetukesu ca khīṇāsavānaṁ kusalākusalajavanāni na labbhanti. Tathā sekkhaputhujjanānaṁ kriyājavanāni. Diṭṭhigatasampayutta vicikicchājavanāni ca sekkhānaṁ. Anāgāmipuggalānaṁ pana paṭighajavanāni ca na labbhanti. Lokuttarajavanāni ca yathārahaṁ ariyānam eva samuppajjantī ti.
Asekkhānaṁ catucattāḷīsa sekkhānam uddise Chappaññās’āvasesānaṁ catupaññāsa sambhavā.
Đối với sanh loại tục sinh bằng tâm nhị nhân và vô nhân, thì tâm xử lý duy tác và tâm xử lý thiền định không sanh khởi. Cũng vậy, (những chúng sanh tục sinh với tâm vô nhân và nhị nhân) ở cõi an lạc không có tâm quả hợp trí sanh khởi. Những chúng sanh trong cõi khổ, tâm đại quả ly trí cũng không tìm thấy.
Giữa những chúng sanh (tục sinh bằng) tâm tam nhân, thì chư vị A la hán không có tâm thiện và tâm bất thiện sanh khởi. Tương tự như vậy, đối với phàm nhân và các bậc thánh hữu học, thì tâm xử lý duy tác không sanh khởi. Đối với các bậc thánh bất lai, thì không có tâm xử lý đi với sân. Tâm xử lý siêu thế chỉ sanh khởi ở những bậc thánh theo thứ bậc tương thích.
(Nói tóm lược) tuỳ theo trường hợp: bậc thánh vô học có 44 loại tâm, bậc thánh hữu học có 56 loại tâm, phàm nhân có 54 loại tâm.
Chú Thích
Chữ puggala được Ngài Tịnh Sự dịch là “người”, với ý nghĩa là chúng sanh chứ không phải chỉ cho nhân loại. Tất cả chúng sanh đều thuộc là một trong những puggala. Ở đây dịch là sanh loại, vì gọi những con vật là “người” thì hơi khó nghe trong tiếng Việt.
Trong Thắng Pháp Tập Yếu của Ngài Anuruddha, tức giáo trình này, thì phần này nằm trong chương về diễn trình tâm thức. Thế nhưng, trong giáo trình của Ngài Saddhamma Jotika và Ngài Tịnh Sự, thì phần này đề cập trong “Phi Lộ - hay Chương Ngoài Lộ Trình Tâm”.
Những sanh loại được phân chia theo kiết sanh thức (paṭisandhi). Nên nhắc thêm, là kiết sanh thức bằng tâm nào thì tiềm thức và tử thức cũng bằng tâm đó.
Có ba thứ kiết sanh thức: vô nhân, nhị nhân, và tam nhân. Kiết sanh thức vô nhân, gồm tâm kiểm tra quả bất thiện và tâm kiểm tra quả thiện. Kiết sanh thức nhị nhân là tâm quả dục giới tịnh hảo ly trí. Tâm quả dục giới tịnh hảo còn có tên là “tâm đại quả”. Kiết sanh thức tam nhân là tâm quả dục giới tịnh hảo hợp trí.
Nhắc lại ở đây: vô nhân là không có nhân nào trong 6 nhân (tham, sân, si, vô tham, vô sân, vô si). Ba nhân tham, sân, si, chỉ có trong tâm bất thiện nên không đề cập ở kiết sanh thức. Tâm quả vô nhân làm việc tục sinh cho chúng sanh kém phước.
Sanh loại khổ (duggati ahetuka). Tâm kiểm tra quả bất thiện, làm việc tục sinh cho sanh loại ở cảnh khổ: địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh, a tu la.
Sanh loại lạc vô nhân (sugati ahetuka) gồm hai hạng: chúng sanh tục sinh bằng tâm kiểm tra quả thiện và tục sinh chỉ bằng sắc pháp. Chữ “lạc” ở đây phải được hiểu là không thuộc cõi khổ. Đây là chúng sanh kém phước trong “cõi an lạc” gồm ba sanh loại: sanh làm người nhưng có những khuyết tật bẩm sinh như khiếm thị, câm, điếc; một số chư thiên cõi tứ thiên vương. Phạm thiên cõi vô tưởng, chỉ có sắc pháp chứ không có tâm, cũng được gọi là người lạc vô nhân, nhưng không tục sinh bằng tâm vô nhân mà tục sinh bằng sắc pháp. Thuật ngữ “người lạc” rất đễ tạo ngộ nhận cho người học nên rất cần lưu ý.
Sanh loại nhị nhân (dvihetuka), là sanh loại tục sinh bằng tâm quả dục giới tịnh hảo ly trí, nên kiết sanh thức chỉ có 2 nhân là vô tham và vô sân. Vì kiết sanh thức là tâm ly trí, nên không bao giờ chứng thiền và đắc đạo quả.
Sanh loại tam nhân (tihetuka), là chúng sanh khởi đầu kiếp sống với kiết sanh thức với ba nhân vô tham, vô sân, vô si (4 tâm quả hợp trí dục giới, 5 tâm quả sắc giới, 4 tâm quả vô sắc giới). Chữ puggala ở đây, bây giờ không thể dịch là sanh loại mà được hiểu là “hạng chúng sanh”. Bởi vì, có những chúng sanh khi sanh ra là phàm nhân, rồi sau đó đắc đạo chứng quả thành các bậc thánh hữu học và a la hán. Có tất cả 9 hạng chúng sanh thuộc tam nhân là phàm phu (puthujjana), các bậc thánh hữu học gồm sơ đạo, sơ quả, nhị đạo, nhị quả, tam đạo, tam quả, tứ đạo, và bậc tứ quả viên giác.
Sự chiết tính sanh loại nào, có bao nhiêu tâm, sẽ được chú thích sau khi học về cõi, vì để có những con số chính xác cần nêu rõ về có thiền chứng hay không, tính theo cõi nào, và tầng thánh nào.