Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG || THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) - Định Luật Về Tâm Xử Lý (javananiyama)

Sunday, 15/10/2023, 09:21 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 13.10.2023

THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

Bài 67. Định Luật Về Tâm Xử Lý (javananiyama)

 

Javanesu ca parittajavanavīthiyaṁ kāmāvacarajavanāni sattakkhattuṁ chakkhattum eva vā javanti. Mandappavattiyaṁ pana maraṇakālādīsu pañcavāram eva. Bhagavato pana yamakapāṭihāriyakālādīsu lahukappavattiyaṁ cattāri pañca vā paccavekkhaṇacittāni bhavantī ti pi vadanti.

Ādikammikassa pana paṭhamakappanāyaṁ mahaggatajavanāni abhiññājavanāni ca sabbadā pi ekavāram eva javanti. Tati paraṁbhavangapāto.

Cattāro pana magg’uppādā ekacittakkhaṇikā. Tato paraṁ dve tīṇi phalacittāni yathārahaṁ uppajjanti. Tato paraṁ bhavangopāto.

Nirodhasamāpattikāle dvikkhattuṁ catutthāruppajavanaṁ javati. Tato paraṁ nirodhaṁ phusati. Vuṭṭhānakāle ca anāgāmiphalaṁ vāarahattaphalaṁ vā yathāraham ekavāraṁ uppajjitvā niruddhe bhavangapāto va hoti.

Sabbatthā pi samāpattivīthiyaṁ pana bhavangasoto viya vīthiniyamo natthī ti katvā bahūni pi labbhantī ti.

Sattakkhattuṁ parittāni maggābhiññā sakiṁ matāAvasesāni labbhanti javanāni bahūni pi.

Trong diễn trình tâm, và trong giới hạn cục bộ của diễn trình tâm dục giới, chặng xử lý chỉ có 6 hoặc 7 (sát na) tâm. Trong trường hợp bị bất tỉnh hay lúc lâm chung… chặng xử lý chỉ có 5 (sát na) tâm. Khi Đức Thế Tôn hiển hoá song thông ... với trình tự thật nhanh chỉ có 4 hoặc 5 (sát na) trong trạng thái hồi quán. (Các vị a xà lê) nói như vậy.

Đối với người mới chứng thiền, khi đắc sơ thiền, tâm xử lý đáo đại và (khi mới chứng thần thông) tâm diệu trí chỉ sanh khởi một (sát na) rồi trở lại tiềm thức.

(Khi đắc đạo) thì 4 tâm đạo chỉ có một sát na. Sau đó là 2 hoặc 3 (sát na) tâm quả (siêu thế) rồi trở lại tiềm thức.

Khi chứng nhập thiền diệt thọ tưởng định, tâm tứ thiền vô sắc (phi tưởng phi phi tưởng) sanh khởi 2 (sát na) rồi là trạng thái diệt thọ tưởng (không tâm). Khi xuất trạng thái diệt thọ tưởng định thì khởi dậy với tâm tam quả hay tứ quả trong một sát na sau đó là tiềm thức.

Trong trường hợp nhập thiền, giống như dòng tiềm thức, tâm xử lý không có giới hạn (bao nhiêu sát na) trong diễn trình tâm. Trong chặng tâm xử lý có rất nhiều sát na liên tục sanh khởi.

Nên hiểu, trong giới hạn cục bộ (của tâm dục giới) chặng xử lý có 7 sát na; chứng đạo và chứng thần thông chỉ 1 sát na; còn lại (nhập thiền hiệp thế và siêu thế) thì rất nhiều sát na. Đây là định luật về tâm xử lý.

 

Chú Thích

Những gì đề cập trong bài này, cũng như những phần khác trong diễn trình tâm, thuộc về định luật cố nhiên về tâm thức (cittaniyama) nằm trong năm định luật. Đó là quy trình tự nhiên, là định lý. Người học cần ghi nhận và hiểu điều này, nên ở đây dịch là “định luật về tâm xử lý”.

Trong một diễn trình tâm, thì chặng tâm xử lý (javana) có thể sanh khởi nhiều sát na, do đó được gọi là javana (được các dịch giả chuyển ngữ là tốc hành hay đổng lực).

Nên nhắc lại ý nghĩa của hai thuật ngữ paritta và mahaggata. Paritta có nghĩa là giới hạn cục bộ chỉ cho tâm dục giới, vì bản chất liên hệ tới cảnh dục, nên chặng xử lý không thể sanh quá 7 sát na. Paritta cũng được dịch là hy thiểu. Mahaggata - được Ngài Tịnh Sự dịch là đáo đại, HT Minh Châu chọn chữ đại hành - chỉ cho tâm thiền với cảnh giới cao rộng, mà khi nhập thiền có thể vô số sát na tâm thiền nối tiếp nhau.

Trong diễn trình tâm dục giới (thuộc giới hạn cục bộ), thì thông thường có 7 sát na trong chặng xử lý. Trong trường hợp ấn tượng rất yếu thì có thể chỉ có 6 sát na. Trong lúc lâm chung hay khi bất tỉnh thì có thể chỉ có 5 sát na do điều kiện của sắc ý vật.

Khi Đức Phật hiển hoá song thông (yamakapāṭihāriya), để cảm hoá chúng sanh về năng lực chứng đắc của Bậc Đại Giác, Ngài nhập xuất ngũ thiền với hai thiền án kasiṇa riêng biệt. Một là thiền án lửa, hai là thiền án nước. Rồi chú nguyện thần thông nước và lửa phun ra từ châu thân. Sau khi xuất thiền, là sự hồi quán với chặng xử lý chỉ có 4 hoặc 5 sát na. Khi hiển hoá thần lực, công đoạn hồi quán thuộc diễn trình tâm dục giới, và đây là diễn trình tâm dục giới nhanh nhất với chặng xử lý rất ngắn.

Chứng thiền khác với nhập thiền. Lần đầu tiên chứng một tầng thiền như sơ thiền, nhị thiền, tam thiền… thì chỉ có một sát na tâm thiền sanh khởi. Ngay cả trong diễn trình tâm hiển hoá thần thông, chỉ có một sát na tâm ngũ thiền và sau đó là trình tự biến hiện (xuất thiền, chú nguyện, hiện thông). Trong trường hợp nhập thiền, thì chặng xử lý vô số sát na tâm thiền tuỳ theo thời gian nhập thiền.

Diễn trình tâm chứng đạo cũng chỉ có một tâm đạo siêu thế (sơ đạo, nhị đạo, tam đạo, tứ đạo). Sát na tâm đạo đoạn tận kiết sử hay giảm thiểu kiết sử (trường hợp nhị đạo), thì chỉ một sát na duy nhất. Đốí với người căn cơ bình thường, thì trong diễn trình tâm đắc đạo có sát na chuẩn bị (parikamma), một sát na tâm đạo rồi nối tiếp là 2 sát na tâm quả siêu thế. Đối với người lợi căn, thì không có sát na chuẩn bị, sau tâm đạo là 3 sát na tâm quả siêu thế.

Thiền diệt thọ tưởng định hay gọi ngắn là thiền diệt (nirodhasamāpatti), chỉ có thể chứng nhập với hai điều kiện: Phải là bậc tam quả a na hàm và bậc tứ quả a la hán. Phải chứng cả 5 tầng thiền sắc giới và 4 tầng thiền vô sắc. Đây là thiền chứng cao nhất, với khả năng đạt được trạng thái không tâm thức sanh khởi, trong khoảng thời gian thường là 7 ngày. Để nhập thiền diệt thọ tưởng định, thiền giả phải xuất nhập mỗi tầng thiền, ngay sau đó quán chiếu về ba tướng vô thường, khổ não, vô ngã. Khi nhập rồi xuất tầng thiền vô sắc thứ ba là vô sở hữu xứ, thì cần làm chuẩn bị như chú tâm phát nguyện (…), rồi nhập vào thiền diệt với 2 sát na phi tưởng phi phi tưởng xứ, rồi thể nhập trạng thái không tâm thức sanh diệt. Thời gian nhập thiền diệt tuỳ thuộc sự phát nguyện (…). Hết thời gian thiền diệt, là sự sanh khởi của tâm tam quả (nếu là vị a na hàm) hoặc tâm tứ quả (nếu là vị a la hán), rồi ngay sau đó là tiềm thức bhavaṅga.

(Trong phần trước, nói về tâm dư hưởng và tiềm thức ngoại vi (hộ kiếp khách) có một phần tóm lược chưa đề cập đó là: Tâm dư hưởng chỉ xảy ra ở diễn trình tâm dục giới, chỉ có ở chúng sanh trong cõi dục giới, và chỉ với cảnh dục giới. Những điều này đã được Hoà thượng Tuệ Siêu giảng nên không dịch và giảng thêm hôm nay).