Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG || THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) - Chức Năng Của Nghiệp

, 16/12/2023, 05:47 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 15.12.2023

THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

Bài 74. Chức Năng Của Nghiệp

Janakaṃ, upatthambakaṃ, upapīḷakaṃ, upaghātakañ cā ti kicca vasena.

Trên phương diện chức năng, có bốn loại nghiệp là: A. Sanh nghiệp; B. Trì nghiệp; C. Chướng nghiệp; D. Đoạn nghiệp.

Chú Thích:

Trong Phật Pháp, nghiệp không phải là định mệnh an bài. Có những sức mạnh do túc nghiệp ảnh hưởng cả cuộc đời, nhưng cuộc đời không phải chỉ có chừng đó.

Tất cả nghiệp đã tạo, chịu ảnh hưởng của vô minh và ái dục, đều có thể đóng vai trò của bốn chức năng tùy điều kiện tương thích.

Sanh nghiệp (Janaka) là nghiệp sản sinh ra kiếp sống mới. Chính nghiệp này tạo cả ba kiết sanh thức, tiềm thức và tử thức. Sanh nghiệp quyết định chủng loại chúng sanh và từ đó có ảnh hưởng cả kiếp sống. Sanh nghiệp không chi phối tất cả những gì xảy ra trong cuộc sống, nhưng sự chi phối cả cuộc sống hoàn toàn không nhỏ. Thí dụ, sanh nghiệp là yếu tố quyết định chúng sanh thuộc về người khổ, người lạc, người nhị nhân, người tam nhân…và điều này tạo nên nhiều vui khổ liên hệ.

Trì nghiệp (upatthambaka) là nghiệp duy trì những gì vốn là tánh cách của sanh nghiệp. Thí dụ, sanh nghiệp thiện, khiến chúng sanh chào đời với thân nhân loại, nhưng chính trì nghiệp thiện, khiến thọ mạng được lâu dài, sức khoẻ khang kiện, đời sống sung túc… Thiếu trì nghiệp thiện, thì dù một người sanh trong gia đình giàu có, cũng không hưởng được vinh hoa phú quý, do thọ mạng ngắn ngủi hay bệnh hoạn triền miên. Nói cách khác, trì nghiệp đóng vai trò “gia cố” nối theo sanh nghiệp.

Chướng nghiệp (upapīḷaka) là thứ nghiệp chi phối khiến sanh nghiệp và trì nghiệp không tạo nên một đời sống “lẽ ra phải như thế”. Thí dụ, một vị có căn cơ đắc đạo chứng quả, nhưng do nghiệp xấu chi phối để rồi không thành tựu được những điều đáng lý có được. Chướng nghiệp, thường dùng để chỉ cho nghiệp xấu, tuy nhiên thứ nghiệp ngăn ngại nghiệp xấu lại là nghiệp tốt.

Đoạn nghiệp (upaghātaka) là thứ nghiệp cắt ngang sanh nghiệp và trì nghiệp. Thí dụ, như trường hợp một người sanh ra với thân nhân loại, với sức khoẻ khang kiện, nhưng do đoạn nghiệp lại có “cái chết bất đắc kỳ tử”. Ngược lại, cũng có người do nghiệp quá khứ mang thân bệnh khổ sở kinh niên, nhưng do một nghiệp lành can thiệp nên kiếp sống khổ đau chấm dứt ngang, rồi sanh vào cảnh giới an lạc.

Theo ngài Ledi Sayādaw, thì sự chiêu cảm của nghiệp không chỉ thể hiện trong diễn trình tâm thức, mà còn thuộc “phi lộ”. Có nghĩa là nghiệp và quả không đơn thuần chỉ có các tâm thuộc nhân, như tâm bất thiện hay tâm thiện và tâm quả, mà còn mãnh lực không đề cập trong diễn trình tâm. Trong bốn thứ chức năng của nghiệp được đề cập ở đây, chỉ có sanh nghiệp được nêu rõ trong diễn trình tâm thức. Điều này, cũng có nghĩa là nhân và quả của nghiệp không nên chỉ hiểu qua các thứ tâm và diễn trình tâm.

Ngài Ledi Sayādaw cũng nói thêm, là một hạnh nghiệp có tiềm lực tạo thành cả bốn vai trò kể trên. Ngoài quả báo “giết chúng sanh nên bị chúng sanh sát hại” của đoạn nghiệp, thì còn có thể tạo thành sanh nghiệp, trì nghiệp, chướng nghiệp. Và những mãnh lực này có thể tồn tại trong nhiều đại kiếp.

Nên hiểu rằng, đời sống luôn là sự hỗn hợp của sanh nghiệp, trì nghiệp và chướng nghiệp. Trong trường hợp đặc biệt thì đoạn nghiệp hiển hiện.