Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG || THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) - Cảnh Giới Trổ Quả Của Nghiệp

Friday, 19/01/2024, 17:56 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 29.12.2023

THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

Bài 77. Cảnh Giới Trổ Quả Của Nghiệp

Tathā akusalaṃ, kāmāvacarakusalaṃ, rūpāvacarakusalaṃ,

arūpāvacarakusalañ cā ti pākaṭṭhānavasena.

Trên phương diện cảnh giới trổ quả có bốn loại nghiệp là: A. Nghiệp bất thiện; B. Nghiệp thiện dục giới; C. Nghiệp thiện sắc giới; D. Nghiệp thiện vô sắc giới.

Tattha akusalaṃ kāyakammaṃ, vacīkammaṃ, manokammañ cā ti

kammadvāravasena tividhaṃ hoti.

Trong đó, nghiệp bất thiện tạo qua ba cửa: thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.

Kathaṃ? Pāṇātipāto, adinnādānaṃ, kāmesu micchācāro cā ti

kāyaviññattisankhāte kāyadvāre bāhullavuttito kāyakammaṃ nāma.

Như thế nào? Sát sanh, trộm cắp, tà dâm là ba thân nghiệp vì phần chính là tạo do thân.

Musāvādo, pisuṇavācā, pharusavācā, samphappalāpo cā ti

vacīviññattisankhāte vacīdvāre bāhullavuttito vacīkammaṃ nāma.

Nói dối, nói đâm thọc, nói ác, nói nhảm nhí là ngữ nghiệp vì phần chính là tạo do ngôn từ.

Abhijjhā, vyāpādo, micchādiṭṭhi cā ti aññatrā pi viññattiyā

manasmiṃ yeva bāhullavuttito manokammaṃ nāma.

Tham lam, hiềm hận, tà kiến là ý nghiệp vì phần chính là xảy ra trong tâm ý.

Tesu pāṇātipāto pharusavācā vyāpādo ca dosamūlena jāyanti.

Kāmesu micchācāro abhijjhā micchādiṭṭhi ca lobhamūlena. Sesāni

cattāri pi dvīhi mūlehi sambhavanti. Cittuppādavasena pan’etaṃ

akusalaṃ sabbathā pi dvādasavidhaṃ hoti.

Trong những nghiệp này thì sát sanh, nói ác, hiềm hận sanh khởi từ sân căn; tà dâm, tham lam, tà kiến từ tham căn; những nghiệp còn lại có hai căn. Theo sự phận loại của tâm thì nghiệp bất thiện có tổng cộng 12.

Chú Thích:

10 bất thiện nghiệp hay “thập ác” ở đây nên được hiểu là tiêu biểu, chứ không là tất cả vì nghiệp bất thiện mang rất nhiều hình thái và thường hỗn hợp, chứ không hẳn riêng biệt chỉ có 10 hay 12 như thường được nêu.

Chữ bāhullavuttito có nghĩa là phần nhiều, phần lớn, phần chính, có nghĩa là khi liệt kê một hạnh nghiệp qua ba nghiệp môn là thân môn, khẩu môn, ý môn, thì chỉ là phần chính chứ không hoàn toàn, thí dụ, sát sanh được liệt vào thân nghiệp nhưng dạy sát sanh, ca ngợi sát sanh, vui theo việc sát sanh không hẳn thuộc thân nghiệp. Do vậy ba cửa tạo nghiệp là thân môn, khẩu môn, ý môn cần được hiểu một cách tương đối.

Chữ vacīkamma ở đây dịch là ngữ nghiệp thay vì khẩu nghiệp, là nghiệp tạo nên qua ngôn từ, dù nói bằng miệng hay qua phương tiện truyền đạt khác như viết lách, email…

Chữ samphappalāpo có nghĩa là nói nhảm nhí, nói vô bổ, chứ không là “ỷ ngữ” như trong Hán tạng thường dịch. Ỷ ngữ có nghĩa là nói phóng đại, cường điệu, thêu dệt, khoa trương. Chữ phiếm ngữ chính xác hơn.

Tà kiến được liệt kê trong Tam Tạng, với nhiều con số khác nhau. Bản Sớ Giải ở đây nêu ba thứ: Vô hữu kiến (natthika-diṭṭhi) là chấp kiến không có đời sau; vô hành kiến (akiriya-diṭṭhi) là chấp kiến cho rằng hành vi thiện ác không có quả báo; vô nhân kiến (ahetuka-diṭṭhi) là chấp kiến cho rằng mọi việc xảy ra do ngẫu nhiên.

6 thứ nghiệp do một căn tạo (tham căn hoặc sân căn) là nói ở giai đoạn trực tiếp, như sát sanh là do sân căn vì ý huỷ diệt sự sống. Nhưng nói rộng thì một người làm nghề sát sanh, bắt nguồn cả ba căn tham, sân và si. Bốn sở hành: trộm cắp, nói dối, nói chia rẽ, nói nhảm nhí có thể do tham căn hoặc sân căn.

Tất cả nghiệp bất thiện đều có si căn, nên không đề cập trong chánh văn.

Nghiệp bất thiện có 12 loại, được liệt kê theo tâm sanh (cittuppāda) vì có 12 tâm bất thiện.

Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và chú thích