Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG || THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) - Bốn Sanh Thú (bhūmicatukka)

Friday, 17/11/2023, 20:30 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 17.11.2023

THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

Bài 71.  Bốn Sanh Thú (bhūmicatukka)

Tattha apāyabhūmi, kāmasugatibhūmi, rūpāvacarabhūmi,

arūpāvacarabhūmi cā ti catasso bhūmiyo nāma

Các cõi được chia thành bốn sanh thú (bhūmi):

  1. Sanh thú khổ (apāyabhūmi)
  2. Sanh thú lạc dục giới (kāmasugatibhūmi)
  3. Sanh thú sắc giới (rūpāvacarabhūmi)
  4. Sanh thú vô sắc giới  (arūpāvacarabhūmi)

Chú thích: Chữ bhūmi mang hai nghĩa: Một là giới vức. Trong ý nghĩa nầy thì tâm siêu thế cũng được gọi là bhūmi. Hai là cảnh giới phân loại của các cõi tử sanh như trong cách nói lạc cảnh, khổ cảnh. Bản dịch nầy dùng chữ “sanh thú” để tránh những lấn cấn trong cách nói.

Chúng sanh trong hai cảnh giới cao là các cõi trời dục giới và cõi sắc giới có điểm đáng lưu ý là những cõi thấp thường có liên hệ tới nhân loại như cõi Tứ thiên vương và Tam thập tam thiên trong các cõi trời dục giới. Và ba cõi sơ thiên trong sanh thú sắc giới.

Sanh thú khổ (apāyabhūmi) chắc chắn là thuộc dục giới nên không cần phải thêm chữ dục giới trong lúc sanh thú lạc thì có cá ba dục giới, sắc giới, và vô sắc giới nên có cụm từ “sanh thú vui dục giới”

Sanh thú khổ (apāyabhūmi)

Tāsu nirayo, tiracchānayoni, pettivisayo, asurakāyo cā ti apāyabhūmi

catubbidhā hoti.

 

Có 4 cõi thuộc sanh thú khổ là:

  1. Địa ngục
  2. Bàng sanh
  3. Ngạ quỷ
  4. A tu la

Chú thích:

Địa ngục theo nghĩa đen là cõi khổ dưới mặt đất đó là cách gọi theo văn hoá Trung Hoa. Trong Phật Pháp thì địa ngục là cảnh giởi chỉ toàn khổ đau: tự thân khổ và bị hành hạ. Có những cảnh địa ngục mà “ánh sáng không bao giờ chiếu tới ngoại trừ hào quang liên hệ tới chư Phật toàn giác”. Điều nầy có thể cho vài sự suy nghĩ khác hơn quan niệm thông thượng.

Bàng sanh là cách nói chúng sanh “đầu mình ngang nhau” không đi thẳng đứng như nhân loại và chư thiên.

Ngạ quỷ có nghĩa là “quỷ đói” theo nghĩa đói khác hạnh phúc, phước hạnh nhưng không có nghĩa là “loài phi nhơn không ăn được”. Có những ngạ quỷ ăn những thứ dơ bẩn. Chữ peta ngoài ý nghĩa “ngạ quỷ” còn có nghĩa là những thân nhân quá vãng (như cách gọi “hương linh” trong tiếng Việt).

A tu la hiểu nôm na là quỷ dữ. A tu la cũng chỉ cho những vị thiên không có thiện tâm như những a tu la thiên chống đối thiên chủ Đế Thích. A tu la thiên không phải là chúng sanh thuộc ác đạo.

Sanh thú lạc dục giới (kāmasugatibhūmi)

Manussā, cātummahārājikā, tāvatiṁsā, yāmā, tusitā, nimmānarati,

paranammitavasavattī, cā ti kāmasugatibhūmi sattavidhā hoti.

 Sā pan’āyaṁ ekādasavidhāpi kāmāvacarabhūmicc’eva sankhaṁ

gacchati.

Có bảy cõi thuộc sanh thú lạc dục giới là:

  1. Nhân loại
  2. Tứ thiên vương
  3. Tam thập tam thiên (Đạo Lợi)
  4. Dạ ma
  5. Đâu suất
  6. Hoá lạc thiên
  7. Tha hoá tự tại

Chú thích:

Nhân loại là chữ dịch của manussa - nguyên nghĩa là chúng sanh có tâm thức tiến bộ - hay nói cách khác con người là sinh vật khôn ngoan có khả năng cải thiện cuộc sống. Loài người có khả năng thành tựu quả vị tối thượng là Phật quả mà cũng có thể tạo ác nghiệp như giết cha, giết mẹ. Mặc dù trong xã hội loài người có vui, có khổ nhưng Phật pháp gọi cõi người là thiện thú hay cõi vui.

Tứ thiên vương là cõi có bốn thiên vương toạ vị ở bốn phưong hướng. Bốn thiên vương nầy cai quản các chúng sanh được hiểu như những “vị thần”. Thiên vương Đông Phương Dhataraṭṭha cai quản hội chúng gandhabba (càn thát bà) - những nhạc công của cõi trời. Thiên vương Nam Phương Virūḷhaka cai quản các địa tiên như thọ thân, lâm thần, sơn thần… Thiên vương Tây Phương Virūpakkha  cai quản các long vương, quỷ thần. Thiên vương Bắc Phương  Vessavaṇa cai quản các dạ xoa.

Tam thập tam thiên có nghĩa là “cảnh giới của ba mươi ba vị trời” liên hệ tới cá nhân của vị đế thích hiện tại khi còn là thanh niên Magha trong tiền kiếp đã tạo phước cùng với 32 người bạn. Thiên chủ Sakka của cõi trời nầy có thể nói là vị trời được đề cập nhiều nhất trong kinh điển Phật giáo.

Dạ ma là cõi trời mà chư thiên có khả năng xua tan tất cả phiền muộn nhanh chóng.

Hoá lạc thiên là cõi trời mà chư thiên tự mình tạo nên những dục lạc như ý muốn.

Tha hoá tự tại là cõi trời mà chư thiên có năng lực tạo nên nhưng thiên nhân phục vụ điều mình muốn. Thiên chủ cõi trời nầy được gọi là Māra hay Ma Vương được xem là chúng sanh có uy thần đệ nhất trong dục giới.

Ngài Narada trong quyển Đức Phật và Phật Pháp có chú thích: Chư Thiên trong sáu tỉnh Trời thuộc Dục Giới kể trên cũng có hình thể, nhưng cơ thể vật chất (sắc) của các vị ấy rất vi tế hơn "sắc" ở cảnh người nhiều. Vì thế, thông thường mắt người không thể trông thấy.

Tất cả những vị ấy đều phải chết, mặc dầu trên một vài phương diện, như về hình thể, nơi ở, vật thực, thì được sung sướng hơn ở cảnh người. Về trí tuệ, các vị ấy thường không hơn người .

Chư Thiên trong cảnh Dục Giới đều là hóa sanh, bỗng nhiên xuất hiện dưới hình thức một thiếu nữ hay một thanh niên lối mười lăm hay mười sáu tuổi. Đó là những cảnh giới có nhiều khoái lạc tạm bợ.

 

Sanh thú sắc giới  (rūpāvacarabhūmi)

Brahmapārisajjā, brahmapurohitā, mahābrahmā cā ti paṭhamajjhānabhūmi.

Parittābhā, appamāṇābhā, ābhassarā cā ti dutiyajjhānabhūmi.

Parittasubhā, appamāṇasubhā, subhakiṇhā cā ti tatiyajjhānabhūmi.

Vehapphalā, asaññasattā, suddhāvāsā cā ti catutthajjhānabhūmi ti

rūpāvacarabhūmi soḷasavidhā hoti.

Avihā, atappā, sudassā, sudassī, akaniṭṭhā cā ti suddhāvāsabhūmi

pañcavidhā hoti

Có 16 cõi thuộc sanh thú sắc giới:

  1. Ba cõi sơ thiền: a. Phạm chúng thiên; b. Phạm phụ thiên; c. Đại phạm thiên
  2. Ba cõi nhị thiền: a. Thiểu quang thiên; b. Vô lượng quang thiên; c. Quang âm thiên.
  3. Ba cõi tam thiền: a. Thiểu tịnh thiên; a. Vô lượng tịnh thiên; c. Biến tịnh thiên
  4. Bảy cõi tứ thiền: a. Quảng quả; b. Vô tưởng; c. (Ngũ) tịnh cư

Tịnh cư thiên gồm năm cõi: Vô phiền; vô nhiệt; thiện hiện, thiệnt kiến, sắc cứu cánh

Chú thích:

Những cõi trời sắc giới luôn tương ứng với các tầng thiền chứng. Chính vì điểm nầy Kinh Tạng chỉ nói đến bốn tầng thiền thay vì năm tầng thiền như trong Thắng Pháp Tạng (…). Đặc biệt ở sắc giới còn có hai cõi tứ thiền là cõi không tâm thức (cõi vô tưởng) và cõi không có phàm nhân là ngũ tịnh cư. Các cõi sanh do năng lực thiền định hoàn toàn không có tâm sân. Phạm thiên sắc giới không có khứu giác, vị giác, xúc giác mà chỉ có thị giác và thính giác. Tất cả cõi phạm thiên không có yếu tố giới tính nam nữ.

Ngài Narada trong quyển Đức Phật và Phật Pháp có chú thích: Trên Dục Giới có Sắc Giới (Rupaloka), cảnh giới các vị Phạm Thiên, những vị Trời đã từ bỏ tham dục và đang thọ hưởng hạnh phúc của Thiền (Jhana).

A.- Cảnh Giới tương ứng với Sơ Thiền

1. Phạm Chúng Thiên (Brahma Parisajja). Cảnh giới của các vị Trời tùy tùng các vị Phạm Thiên.

2. Brahma Purohita. Cảnh giới của những vị Trời thân cận các vị Phạm Thiên.

3. Đại Phạm Thiên (Maha Brahma). Cảnh giới của những vị Phạm Thiên có nhiều hạnh phúc, đẹp đẽ và tuổi thọ nhiều hơn các Phạm Thiên khác, nhờ phước báu đạo do thiền tập.

B.- Cảnh Giới tương ứng với Nhị Thiền:

4. Thiều Quang Thiên(Parittabha). Cảnh giới của những vị Phạm Thiên có ít ánh sáng.

5. Vô Lượng Quang Thiên (Appamanabha). Cảnh giới của những vị Phạm Thiên có ánh sáng vô cùng, vô hạn định.

6. Quang Âm Thiên (Abhassara). Cảnh giới của những vị Phạm Thiên có ánh sáng rực rỡ chói lòa.

C.- Cảnh Giới tương ứng với Tam Thiền:

7. Thiểu Tịnh Thiên (Parittasubha). Cảnh giới của những vị Phạm Thiên có hào quang nhỏ.

8. Vô Lượng Tịnh Thiên (Appamanasubha). Cảnh giới của những vị Phạm Thiên co hào quang vô cùng, vô hạn định.

9. Biến Tịnh Thiên (Subha kinha). Cảnh giới của những vị Phạm Thiên có hào quang vững chắc, không lay động.

D.- Cảnh Giới tương ứng với Tứ Thiền:

10. Quảng Quả Thiên (Vehapphala). Cảnh giới của những vị Phạm Thiên hưởng quả rộng lớn.

11. Vô Tưởng Thiên (Asannasatta). Cảnh giới của những vị Trời không có tâm (danh).

12. Vô Phiên Thiên (Suđhavasa). Cảnh giới hoàn toàn tinh khiết. Cảnh nầy lại chia làm năm (5) là:

i. Aviha, cảnh giới trường cửu.

ii. Atappa, cảnh giới êm đềm tĩnh lặng.

iii. Sudassa, cảnh giới đẹp đẽ.

iv. Sudassi, cảnh giới quang đãng.

v. Akannittha, cảnh giới tối thượng.

Chỉ có những vị đắc Thiền Sắc Giới mới tái sanh vào những cảnh Sắc Giới kể trên. Đắc Sơ Thiền thì sanh vào ba cảnh giới thứ nhất (A), đắc Nhị Thiền thì sanh vào ba cảnh giới thứ nhì (B), đắc Tam Thiền thì sanh vào ba cảnh giới thứ ba (C), đắc Tứ Thiền thì sanh vào bảy cảnh giới thứ tư (D).

Trong mỗi tầng Thiền-na, có nhiều bậc. Cũng cùng đắc một tầng thiền, như Sơ Thiền chẳng hạn, mà có người ở bậc thấp còn có người ở bậc cao. Bậc thứ ba là những người đã nắm vững hoàn toàn tầng Thiền của mình.

Trong cảnh thứ 11, Vô Tưởng Thiên (Asannasatta), chúng sanh không có tâm. Chỉ có sự biến chuyển liên tục của Sắc. Trong lúc năng lực của Thiền (Jhana) diễn tiến thì tâm tạm thời chấm dứt. Thông thường Danh và Sắc dính liền với nhau, không thể phân tách ra được. Nhưng đôi khi, do năng lực của Thiền, như trường hợp kể trên, cũng có thể tách rời Danh và Sắc. Khi một vị A La Hán nhập đại định (Nirodha Samapatti, Diệt Thọ Tưởng Định) cũng vậy, tâm của Ngài tạm thời không có. Đối với hạng phàm nhân như chúng ta thì khó mà quan niệm được một trạng thái tương tợ. Tuy nhiên, có nhiều việc không thể quan niệm mà thật sự có.

Vô Phiên Thiên (Suddavasa) hay cảnh giới hoàn toàn tinh khiết là cảnh giới tuyệt đối riêng biệt của các vị A Na Hàm (Anagami). Chúng sanh ở trong một cảnh khác mà đắc Quả Bất Lai, hay A Na Hàm, thì tái sanh vào cảnh nầy. Về sau, các Ngài đắc Quả A La Hán và sống cảnh hoàn toàn tinh khiết ấy cho đến lúc hết tuổi thọ, nhập Đại Niết Bàn.

Theo giải thích của Ngài Sīlananda thì sự khác biệt về hào quang giữa phạm thiên cõi nhị thiền và cõi tam thiền là ở cõi nhị thiền nói về “độ sáng” và ở cõi tam thiền nói về “độ trong”.  Riêng về năm cõi được gọi là Tịnh Cư

(Suddhāvāsa). “Suddha” có nghĩa là trong sạch. “Āvāsa” có nghĩa là nhà hay là nơi trú ngụ. “Suddhāvāsa” có nghĩa là nơi trú ngụ của những chúng sanh trong sạch. Đây là cõi hay cảnh giới của những chúng sanh trong sạch. Các Ngài là trong sạch vì các Ngài đều là những bậc Bất Lai (Anāgāmī). Chỉ có những bậc Bất Lai (Anāgāmī) mới tái sanh vào năm cõi Tịnh Cư này. Tên của những cõi này như sau:

● Cõi thứ nhất là cõi Vô Phiền (Aviha) - nơi trú ngụ tịnh hảo. “Vihā” có nghĩa là từ bỏ, cho nên Aviha là không từ bỏ, tức là bền vững hay lâu dài. ● Cõi thứ hai là cõi Vô Nhiệt (Atappā), tức là thanh thản hay êm đềm. “Atappā” thật ra có nghĩa là

không thể được thỏa mãn.

● Cõi thứ ba là cõi Thiện Hiện (Sudassā). “Sudassā” có nghĩa là những ngoại hình tốt đẹp.

● Cõi thứ tư là cõi Thiện Kiến (Sudassī). “Sudassī” có nghĩa là có tầm nhìn rõ ràng.

● Cõi thứ năm là cõi Sắc Cứu Cánh (Akaniṭṭha). “Akaniṭṭha” có nghĩa là nơi tịnh cư cao nhất. “Akaniṭṭha” có nghĩa là không non trẻ, không nhỏ bé. Cho nên, nó có nghĩa là vĩ đại và cao thượng nhất. Đây là năm cõi mà chỉ có những vị Bất Lai (Anāgāmī) mới tái sanh vào

Sanh thú vô sắc giới (arūpāvacarabhūmi)

Ākāsānañcāyatanabhūmi, viññāṇañcāyatanabhūmi, ākiñcaññāyatanabhūmi, n’evasaññān’āsaññāyatanabhūmi cā ti arūpabhūmi

catubbidhā hoti

Có 4 cõi thuộc sanh thú vô sắc:

  1. Không vô biên xứ
  2. Thức vô biên xứ
  3. Vô sở hữu xứ
  4. Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Chú thích:

Vô sắc là những cảnh giới không có vật chất vì trình độ tâm thuật của những chúng sanh nẩy đã vượt khỏi vật chất bằng tam muội định. Thiền chứng của những vị nầy là ngũ thiền, hay theo Kinh Tạng là tứ thiền, nhưng là ngũ thiền vô sắc giới.

Ngài Narada trong quyển Đức Phật và Phật Pháp có chú thích: Có bốn (4) cảnh gọi là Arupaloka (Vô Sắc Giới), hoàn toàn không có phần vật chất (Sắc) hay hình thể.

Theo Phật Giáo, có những cảnh giới trong ấy chỉ có Danh (tâm) mà không có Sắc (vật chất). "Cũng như khi ta cầm một thanh sắt và buông thả tay ra thì thanh sắt rơi xuống đất. Tuy nhiên cũng có thể dùng đá nam châm để giữ thanh sắt lơ lững giữa không trung. Cùng một thế ấy, do Thiền, có thể tách rời Danh ra khỏi Sắc và giữ trạng thái ấy cho đến khi chấm dứt Thiền. Đó chỉ là sự tách rời tam thời Danh và Sắc, hai yếu tố theo thường phải dính liền nhau."

Trong Vô Sắc Giới có bốn cảnh tương xứng với bốn tâm Thiền Vô Sắc Giới:

1. Không Vô Biên Xứ Thiên (Akasanankayatana). Cảnh giới có quan niệm rằng không gian vô tận.

2. Thức Vô Biên Xứ Thiên (Vinnancayatana). Cảnh giới có quan niệm quan niệm rằng thức là vô cùng tận.

3. Vô Sở Hữu Xứ Thiên (Akincannancayatana). Cảnh giới có quan niệm về hư không.

4. Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiên (Neva Sanna Nasannayatana). Cảnh giới có quan niệm rằng không có tri giác cũng không có không-tri-giác. [6]

Nên ghi nhận rằng Đức Phật không nhằm mục đích truyền bá một lý thuyết về vũ trụ. Dầu những cảnh giới trên có hay không, điều ấy không ảnh hưởng gì đến giáo lý của Ngài. Không ai bị bắt buộc phải tin điều nào, nếu điều ấy không thích hợp với suy luận của mình. Nhưng nếu bác bỏ tất cả những gì mà lý trí hữu hạn của con người không thể quan niệm thì điều ấy cũng không hoàn toàn chánh đáng.

Người học nên lưu ý “các nói gọn” trong sự giảng giải Thắng Pháp Tạng về các cõi như cụm từ “các cõi vui phàm ngũ uẩn”…

Cõi khố là bốn khổ cảnh địa ngục, ngạ quỹ, bàng sanh, a tu la. 27 cõi còn lại được gọi tắt là cõi vui (mặc dù cõi vô tưởng “không có gì vui” nhưng là thiện thú).

Ngũ tịnh cư là cõi chỉ có các bậc a na hàm và a la hán nên là cõi của các bậc thánh mặc dù 21 cõi còn lại (trừ luôn cõi vô tưởng) có cả thánh lẫn phàm nhưng được gọi là “cõi phàm”.

Cõi vô tưởng là cõi nhất uẩn. Bốn cõi vô sắc là cõi tứ uẩn. Tất cả cõi còn là là các cõi ngũ uẩn

Như vậy khi nói “các cõi vui phàm ngũ uẩn” thì “vui” là trừ 4 cõi khổ; “phàm” là trừ ngũ tịnh cư thiên; “ngũ uẩn” là trừ cõi vô tưởng và 4 cõi vô sắc.

Nên lưu ý là khi nói về “có hạng chúng sanh nào” khác với “người sanh vào cõi nào”. Các bậc A la hán hiện hữu ở những “cõi vui hữu tâm (trừ vô tưởng)” nhưng là bậc vô sanh nghĩa là chúng sanh ở những cõi đó có khả năng chứng quả a la hán rồi tịch diệt chứ không phải bậc a la hán sanh vào cõi đó. Cõi vô sắc không có các bậc sơ đạo tức là chúng sanh “từ phàm sang thánh” vì không thể nghe pháp để được khai thị. Tất cả bậc thánh trong các cõi thiền sau khi mệnh chung nếu còn luân hồi chỉ sanh vào cõi ngang bằng hay cao hơn chứ không xuống thấp.