Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG | THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) | Bài Giảng Bổ Túc. Tu Tiến Với Đề Tài Bốn Phạm Trú (Brahmavihāra)

, 06/04/2024, 10:22 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Bài giảng bổ túc

Thứ sáu 5.4.2024

TU TIẾN VỚI ĐỀ TÀI BỐN PHẠM TRÚ (Brahmavihāra)

Trích từ CƯ SĨ GIỚI PHÁP

do Tỳ kheo Giác Giới (Bodhisīla Bhikkhu) biên soạn

 

Tu Tiến Với Đề Tài Bốn Phạm Trú (Brahmavihāra)

 

Bốn phạm trú là an trú tâm từ, an trú tâm bi, an trú tâm hỷ và an trú tâm xả. Bốn đức tính từ, bi, hỷ, xả này được gọi là phạm trú vì là bốn pháp an trú cao cả, tốt đẹp và vô nhiễm; lại cũng có nghĩa là hành giả an trú với bốn đặc tính này, ngang hàng với các vị phạm thiên, bởi các vị phạm thiên cũng trú với tâm vô nhiễm tốt đẹp. (Vism.IX, 106).

Bốn phạm trú là đề tài thiền chỉ, đưa đến đắc chứng định. Nếu không như vậy, cũng sẽ mang lại nhiều lợi lạc về phước đức cho người tu tập. Người cư sĩ nên tu tập và an trú với bốn phạm trú này.

 

Tu tập tâm từ (Mettā)

 

Tâm từ là trạng thái không hận, không sân, hiền hòa mát mẻ đối với chúng sanh. Tâm từ phá tan sự bực tức nóng giận, nhưng không phải là thái độ luyến ái yêu thương ích kỷ.

Một người muốn tu tập tâm từ, trước hết phải ổn định tâm lý. Sau khi đi đến chỗ yên tĩnh thoải mái hãy suy xét sự nguy hiểm của lòng sân hận và sự lợi lạc của tâm hiền hòa. Nếu hành giả ngay lúc ấy đang bực bội trong tâm thì không thể tiến hành tu tập tâm từ được, nếu không thấy sự lợi lạc của tâm vô sân thì chẳng có hứng thú tu tập.

Hành giả nên thăm dò nội tâm: "giờ đây tâm này có sân hay không có sân? ta đang thoải mái hay bực bội ưu phiền? ". Nếu dò xét như vậy hành giả cảm nhận tâm mình đang thoải mái thì tiếp tục tiến hành niệm "tâm từ"; bằng như cảm nhận được mình đang có sân giận ưu phiền thì hãy suy nghĩ đến sự tai hại của tâm sân: "thật là khổ sở khi sống với tâm sân! thật là khó chịu khi bị sân tâm chi phối! thật là nguy hiểm khi con người bị ám ảnh bởi sân!" rồi hành giả hãy nên đình chỉ sân tư duy bằng cách nhẫn nại và tác ý đến một thiện pháp hoặc tác ý niệm hơi thở. Sau khi đã thật sự có tâm yên bình thoải mái trở lại mới bắt đầu tiến hành niệm "tâm từ".

Hành giả tiến hành niệm tâm từ như sau:

Thoạt đầu, hành giả nên trú tâm từ với chính bản thân, bằng cách lập đi lập như sau: "mong rằng ta được an lạc, thoát khỏi hận thù, không buồn khổ, âu lo". Đó là bước sơ khởi trú niệm tâm từ. Đến khi nội tâm thật sự an lạc, không sân, không hận thì hành giả tưởng đến chúng sanh khác với ước mong.

"Mong cho chúng sanh được an lạc, thoát khỏi hận thù, không buồn khổ âu lo". Thỉnh thoảng hành giả trải tâm từ đến chính mình để làm cho tâm dễ chịu rồi tiếp tục trải tâm từ đến các chúng sanh khác như thế.

Nên nhớ rằng, đôi khi hành giả nghĩ đến bao quát chúng sanh sẽ làm cho tâm hành giả dửng dưng, bởi thế phải trải tâm từ tuần tự; nhưng phải bắt đầu từ những vị thầy khả kính, tiếp đến là những bạn rất thân, tiếp tục là những người thương, tiếp tục nữa là những người xa lạ, rồi sau cùng là những người đối nghịch. Người đối nghịch ở đây là những người ác xấu không đồng chí hướng chớ không phải là kẻ mình thù ghét, bởi vì đối với hành giả tu tâm từ thì không thấy ai là kẻ thù. Sở dĩ phải trải tâm từ tuần tự hạng chúng sanh như vậy là vì để dẫn dắt tâm dễ dàng trú trong niềm an lạc, không bị những cú sốc tâm lý.

Người tu tập tâm từ sẽ có được mười một điều lợi ích: ngủ an vui, thức an vui, không chiêm bao ác mộng, được người khác yêu mến, được phi nhân yêu mến, được chư thiên hộ trì, không bị lửa hay khí giới hoặc thuốc độc làm hại, tâm người ấy dễ định tỉnh, nét mặt khinh an, khi chết tâm không rối loạn, nếu còn tái sanh sẽ sanh vào phạm thiên giới. Những lợi lạc này sẽ có đến ai tu tập an trú liên tục trong tâm từ.

 

Tu tập tâm bi (Karuṇā)

 

Tâm bi là trạng thái tâm trắc ẩn trước những chúng sanh đang đau khổ, phận sự của tâm bi là muốn chúng sanh thoát khổ, sự biểu hiện của tâm bi là không tàn nhẫn. Sự bạo tàn là thái độ tương phản của tâm bi; nhưng tâm bi cũng không phải là thái độ lụy phiền vì người khác.

Một người muốn tu tập tâm bi, trước hết cần phải ổn định tâm lý bằng cách quán sát sự nguy hiểm của sự tàn bạo và suy xét lợi ích của tâm bi mẫn. Đây là trường hợp phải làm đối với hành giả sơ cơ mới bắt đầu tu tập, vị ấy còn phiền não dễ khởi tâm não hại; nếu khởi lên hại tư duy sẽ làm trở ngại tu tập tâm bi; nếu không thấy lợi lạc của tâm trú bất hại thì sẽ không hứng thú tu tiến.

Hành giả tác ý dò xét nội tâm "giờ đây tâm ta còn oán hận não hại chăng?" Nếu biết tâm còn u ẩn niềm hận thù, hãy suy nghĩ đến nỗi khổ tâm phiền toái, mất hạnh phúc, do ôm ấp hận thù; nghĩ đến điều tổn đức do sống trong hận thù; nghĩ đến thiệt hại lớn do lòng hận thù gây nên ... nghĩ như vậy cho đến khi hành giả cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái vì không còn ám ảnh bởi hận thù, bắt đầu hành giả niệm bi tâm.

Đối tượng của tâm si là chúng sanh đang đau khổ hoặc sẽ đau khổ.

Bởi thế trước hết hãy nghĩ đến một chúng sanh đang đau khổ nhưng không phải là kẻ thù, rồi khởi lên tâm bi mẫn đối với nạn nhân ấy như sau:

"Khổ thay cho chúng sanh này, mong sao chúng sanh ấy thoát khỏi khổ đau!". Nếu hành giả thấy một người đang bất hạnh chịu nhiều thống khổ thì cũng hãy khởi tâm bi mẫn đối với người ấy bằng cách như vậy.

Thấy một kẻ thù đang đau khổ, hành giả phải làm lắng dịu hiềm hận rồi mới khởi tâm bi được.

Một trường hợp khác, hành giả có thể khởi tâm bi mẫn đối với một kẻ làm ác mặc dù họ vẫn đang vui vẻ; bằng cách là suy nghĩ rằng: "chúng sanh này mặc dù đang vui vẻ nhưng vì nó đã tạo ác nghiệp nên chắc chắn nó sẽ bị khổ trong cảnh địa ngục. Thật đáng thương!". Trường hợp này giống như mình thấy một kẻ tử tù đang ăn bữa ăn ngon ân huệ để rồi bị xử tử vậy.

Hoặc hành giả có thể khởi tâm bi mẫn đối với tất cả chúng sanh bằng cách nghĩ rằng: "Vì chưa thoát khỏi luân hồi, nên các chúng sanh này sẽ phải bị khổ do sự già, bệnh, chết, hoành hành. Thật sự đáng thương!"

Hành giả tu tập tâm bi cần giữ thái độ bình đẳng và khách quan đối với chúng sanh. Nếu không, sẽ bị nhức nhói khi thấy người thân bất hạnh hoặc sẽ mãn nguyện khi thấy kẻ thù bất hạnh. Hãy nghĩ rằng "chúng sanh này ..."

Hành giả tu tập tâm bi sẽ có được mười một lợi lạc như tu tâm từ vậy.

 

Tu tập tâm hỷ (Muditā)

 

Tâm hỷ là trạng thái vui thích, hài lòng với sự thành đạt của người khác, đặc tính của tâm hỷ là không ganh tỵ, sự biểu hiện của tâm hỷ là xua tan sự bất mãn.

Thái độ ganh ghét sự hạnh phúc của chúng sanh khác là thái độ tương phản của tâm hỷ; nhưng thái độ tán thành sự xa hoa trụy lạc hay hạnh phúc bất chánh của người khác, cũng không phải đúng nghĩa của tâm hỷ.

Một người muốn tu tập tâm hỷ, trước hết trải rộng tâm bằng cách dẹp bỏ ý niệm tự hào về mình, tự hào về người thân của mình, bởi khi tự hào như thế mà thấy người dưng thành đạt hạnh phúc thì tâm hành giả sẽ thấy khó chịu bực bội.

Nếu hành giả có tánh hay ganh tỵ thì hãy suy xét hậu quả tệ hại của lòng tật đố, như sau: "chỉ có người tâm ích kỷ nhỏ mọn mới ganh tỵ kẻ khác", hay "người khác có tâm ganh tỵ sẽ bị quả báo sanh ra ở đời làm người thua sút thế cô" (M.III, kinh Tiểu nghiệp phân biệt).

Và để mở rộng thêm tấm lòng, hãy suy xét đến lợi lạc an vui của tâm hỷ, như sau: "người không ganh tỵ sẽ sống thoải mái" hay "sống không ganh tỵ là một đức độ khiến cho người có địa vị cao" v.v...

Sau khi đã làm cho tâm hân hoan trải rộng, hành giả trước tiên hãy biến mãn tâm hỷ với một người bạn tốt, vì người bạn tốt không làm cho hành giả chi phối niềm vui ích kỷ mà cũng không làm cho tâm hành giả gượng gạo miễn cưỡng. Khi thấy hay nghe một người bạn thân được hạnh phúc thành đạt, hành giả khởi lên tâm hỷ như sau: "thật là vui cho người này! người này đã được hạnh phúc, mong rằng người này luôn luôn lợi lạc".

Sau khi khởi tâm hỷ đối với người bạn tốt, hành giả có thể hướng tâm ấy tuần tự đến một người thân, rồi đến một người dưng (không thân không thù) và cuối cùng là hướng tâm hỷ với một người thù.

Nếu khi nhớ đến kẻ thù mà tâm hỷ không có được, trái lại niềm hận khởi lên, thì hành giả nên làm cho nó lắng xuống theo cách đã nói trong phần niệm tâm từ (mettā).

Hành giả nên phá rào ngăn tâm bình đẳng các đối tượng, nghĩa là bằng cách nào cho tâm thoải mái nghĩ đến sự hạnh phúc của người khác như đã thoải mái với hạnh phúc của chính mình.

Do tu tập, đào luyện tướng tâm ấy thường xuyên, hành giả có thể tăng cường định cho đến tam thiền, tứ thiền được.

Dù chưa đạt đến định của thiền, nhưng hành giả tu tập biến mãn tâm hỷ như vậy cũng sẽ có những lợi lạc như "ngủ an vui, thức an vui" v.v...

 

Tu tập tâm xả (Upekkhā)

 

Tâm xả phạm trú không phải là thọ xả phi khổ phi lạc; xả đây là trạng thái quân bình của tâm, không chi phối bởi ưa và ghét, dễ chịu và khó chịu.

Vị hành giả muốn tu tập tâm xả, cần phải trải qua cảm nghiệm từ, bi và hỷ, vì khi đã quen thuộc với cảm giác bị động tâm bởi sự hạnh phúc hay đau khổ của chúng sanh, bấy giờ hành giả mới thấy được sự an bình lợi lạc vi tế trong xả phạm trú được.

Do đó, hành giả tu tập xả với chúng sanh, bằng cách nhìn với tâm thản nhiên, nghĩ rằng: "Tất cả chúng sanh có nghiệp riêng, chúng sanh thừa hưởng quả của hành động mà chính họ đã tạo, có vui có khổ là do duyên nghiệp". Bằng cách đó hành giả sẽ trú với tâm bình thản khi trông thấy chúng sanh khác, dù họ đang hạnh phúc hay đau khổ.

Trước đây, hành giả đối với một người dưng, không thân không thù, thì tâm nhìn người ấy thản nhiên, chẳng có gì bận tâm dù người ấy đang vui hay khổ. Nay tu tập tâm xả, hành giả cũng nên khơi dậy tâm xả ấy với một người thân, một kẻ thù ... nhìn bất cứ ai cũng với trạng thái thản nhiên như thể đã đối với người dưng, vì thấy rõ nghiệp lực ở mỗi người.

Tại sao, hành giả phải tiến đến tu tập tâm xả?

Trong chú giải thanh tịnh đạo có thí dụ, cũng như một người mẹ có bốn đứa con, một đứa còn bé, một đứa bị bệnh tật, một đứa đang thành đạt và một đứa đã nên danh phận. Người mẹ sẽ tưng tiu làm vui đứa con bé nhỏ, sẽ chăm nom an ủi đứa con bệnh tật, sẽ vui mừng với đứa con đang thành đạt và sẽ không bận tâm gì nữa với đứa con đã nên danh phận. Đây là thí dụ cho tâm của hành giả tuần tự an trú từ, bi, hỷ, xả đối với chúng sanh.

Về lợi lạc, hành giả trú biến mãn với tướng tâm xả một cách thuần thục sẽ đạt đến tứ thiền (nói bốn bậc) hay ngũ thiền (nói năm bậc), một trạng thái thiền xả niệm thanh tịnh. Cho dù không đạt đến thiền chứng chăng nữa thì với tâm trú xả biến mãn như vậy cũng làm cho hành giả được nhiều lợi lạc như "ngủ an vui, thức an vui" v.v...

Dứt phần tu tiến với đề tài bốn phạm trú.