Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG | THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) | Bài 99. Sáu Nhân (Hetu)

, 02/11/2024, 20:28 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 20.9.22

THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

Bài 98. Sáu Nhân (hetu)

Missakasangahe cha hetū: (1) lobho; (2) doso; (3) moho; (4)

alobho; (5) adoso; (6) amoho.

Trong phần toát yếu tạp loại có sáu nhân gồm: tham, sân, si, vô tham, vô sân, vô si.

Chú Thích

Phần toát yếu tạp loại (Missakasangaha) bao gồm những chủ đề có cả những pháp thiện, bất thiện hay trung tính.

(Sáu nhân vốn là đề tài đã được trình bày trong “những phương diện tâm lý” trước khi học về “diễn trình tâm”. Đúng ra bài này thông qua, nhưng vẫn được nhắc lại vì vẫn tốt để ôn nhắc).

Chữ “nhân – hetu” có nghĩa là nguyên nhân, lý do hay căn cội. Sớ giải định nghĩa chữ nhân (hetu) ở đây có nghĩa là cội rễ (mulattha). Chữ nhân ở đây không có nghĩa là pháp tạo ra quả mà là pháp có ảnh hưởng toàn diện đối với tâm pháp theo tánh cách “đầu não”. Từ ngữ nhân trong chữ Hán có nghĩa là nguyên nhân hay nguyên do như chữ “hetu” trong Phạn ngữ. Thế nhưng, ở đây, chữ nhân không có nghĩa là pháp tạo quả mà là pháp có ảnh hưởng sâu rộng, giống như trong các cuộc bầu cử ở Mỹ tất cả những ồn ào, ảnh hưởng đều bắt nguồn từ những ứng cử viên.

Có tất cả là 6 nhân:

1. Nhân tham (lobha)là sự dính mắc hay bám víu tức là thuộc tánh tham.

2. Nhân sân (dosa) là sự khó chịu, không vừa ý với cảnh tức là thuộc tánh sân.

3. Nhân si (mosa) là sự mê mờ, không nhận rõ sự thật tức là thuộc tánh si.

4. Nhân vô tham (alobha) là sự không dính mắc, buông xả tức là thuộc tánh vô tham.

5. Nhân vô sân (adosa) là sự mát mẽ, hoà dịu đối với cảnh tức là thuộc tánh vô sân.

6. Nhân vô si (amoha) là sự sáng suốt, thấy rõ sự thật tức là thuộc tánh trí tuệ.

Chính sáu thuộc tánh trên tạo nên sự khác biệt to lớn của tâm thức trên phương diện tốt, xấu.

Mặc dù ba nhân bất thiện tạo nên tâm bất thiện, nhưng ba nhân thiện không chỉ tạo nên tâm thiện mà còn có ở tâm quả tịnh hảo và tâm duy tác tịnh hảo.

Ba nhân thiện trong sự hiện hữu và ảnh hưởng rất khác với ba nhân bất thiện. Nhân tham và nhân sân không đồng sanh trong một sát na tâm, nhưng nhân vô tham và nhân vô sân thì luôn luôn cùng có mặt với nhau. Nhân si luôn luôn hiện hữu trong tất cả tâm bất thiện. Ngược lại nhân vô si thì không phải tâm thiện nào cũng có.

Tâm vô nhân

18 tâm vô nhân là những tâm là việc có tánh cách máy móc. Những tâm này nói lên rất nhiều về quả bất thiện qua 7 tâm quả bất thiện vô nhân. Tuy giản dị nhưng là biểu thị của “cái quả báo khổ to lớn” của chúng sanh trong đời khi “thiếu vắng hạnh phúc”.

Sáu nhân và tâm bất thiện

Tâm tham luôn có nhân tham. Tâm sân luôn có nhân sân. Tất cả tâm bất thiện đều có nhân si hay thuộc tánh si. Thuộc tánh si cũng có một ảnh hưởng to lớn khác trong vai trò của vô minh (avijja).

Sáu nhân và tâm dục giới tịnh hảo

Tất cả tâm dục giới tịnh hảo đều luôn luôn có hai nhân vô tham và vô sân. Những tâm tịnh hảo ly trí thì không có nhân vô si. Khi tâm quả dục giới tịnh hảo ly trí làm việc tục sinh, thì chúng sanh ấy gọi là người nhị nhân tức người không có căn bản trí tuệ, nên không thể đắc thiền hay đạo quả. Tâm ly trí trong đời sống hằng ngày của chư vị A la hán là một khía cạnh thú vị được Thắng pháp đề cập đến (…).

Sáu nhân và tâm thiền hiệp thế

Tất cả tâm thiền hiệp thế đều có đủ ba nhân vô tham, vô sân và vô si. Sự có mặt của vô si hay trí tuệ trong tâm thiền - thứ tâm chủ yếu là định – là một điểm cần hiểu theo tánh cách vĩ mô. Một vị tu tập tứ vô lượng tâm thì nhân vô sân trở nên nổi trội vì trở thành từ vô lượng tâm.

Sáu nhân và tâm siêu thế

Cũng giống như các tâm thiền hiệp thế, tất cả tâm siêu thế đều luôn có đủ ba nhân thiện là vô tham, vô sân, vô si. Riêng nhân vô si hay thuộc tánh trí tuệ, trong các tâm siêu thế đóng vai trò rất đặc biệt, vì đó là tuệ giác và cũng là một trong bát chi đạo.

 Phải cẩn thận với từ ngữ phủ định như vô tham, vô sân, vô si mặc dù cách dùng từ này tương đương theo nguyên gốc Phạn ngữ. Vô tham không phải chỉ có sự vắng mặt của tham mà còn là sự vô nhiễm, vô sân không phải chỉ có sự vắng mặt của sân mà còn là sự mát mẽ hoà dịu, vô si không phải chỉ có sự vắng mặt của mê si mà còn là trí tuệ.

Ngược lại nhân si nên được hiểu là cái làm cho tâm thức mê mờ chứ không phải chỉ là vắng mặt của trí tuệ.