Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG | THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) | Bài 95. Lục Cái (Nīvaraṇa)

Friday, 23/08/2024, 06:37 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

Bài 95. Tổng Hợp Các Phân Loại Bất Thiện - Lục Cái (nīvaraṇa)

Cha nīvaraṇāni: (1) kāmacchandanīvaraṇaṃ; (2) vyāpāda nīvaraṇaṃ; (3) thīnamiddhanīvaraṇaṃ; (4) udhaccakukkuccanīvaraṇaṃ; (5) vicikicchānīvaraṇaṃ; (6) avijjānīvaraṇaṃ.

Có sáu pháp cái hay pháp ngăn ngại (nīvaraṇa):

  1. Tham dục cái (kāmacchandanīvaraṇa)
  2. Sân độc cái (vyāpādanīvaraṇa)
  3. Hôn thuỵ cái (thīnamiddhanīvaraṇa)
  4. Trạo hối cái (udhaccakukkuccanīvaraṇa)
  5. Nghi hoặc cái (vicikicchānīvaraṇa)
  6. Vô minh cái (avijjānīvaraṇa)

Chú thích

Pháp cái (nīvaraṇa) là pháp chướng ngại hay pháp ngăn che. Pháp cái trong Phật Pháp nói về sự ngăn ngại trong việc tu tập phát triển nội tâm. Những pháp cái đối lập với các thiền chi (tầm, tứ, hỷ, lạc, định).

Trong cách nói bình thường, có lẽ vì để tránh phản ứng thường gặp nên thay vì nói: tham dục cái, sân độc cái… nghe như liên hệ với giới tính đực, cái nên nhiều người dùng chữ “triền cái” nghe thuận tai hơn. Nhưng cách nói này lại có vấn đề theo chuyên môn, vì chữ “triền” có nghĩa là cột, buộc; mà có “tứ triền” thì không nên gọi “triền cái”, vì là một sự nhập nhằng thiếu chuyên môn về ngữ và pháp.

Tham dục cái (kāmacchandanīvaraṇa) sự ham muốn đối với thị dục. Tham dục cái thường biểu hiện rõ qua những thèm khát. Tham dục cái làm trở ngại cho thiền chi định vì thèm muốn khiến không tập trung được.

Sân độc cái (vyāpādanīvaraṇa) là sự oán ghét, một trạng thái đậm đặc của sân. Sân độc cái ngăn ngại thiền chi hỷ, vì chính sự oán ghét khi ngự trị thì không thể có được trạng thái hân hoan hay thoải mái.

Hôn thuỵ cái (thīnamiddhanīvaraṇa) là tên gọi kết hợp hai trạng thái hôn trầm và thuỵ miên tức sự uể oải và lười biếng. Hôn thuỵ cái ngăn ngại thiền chi tầm vì chính sự dã dượi lười biếng khiến tâm không hướng tới thiền án.

Trạo hối (udhaccakukkuccanīvaraṇa) cũng là cách gọi kết hợp hay trạng thái dao động và tiếc nuối. Sự lo lắng cũng nằm trong pháp cái này. Trạo hối cái ngăn ngại chi thiền lạc vì không thể an tịnh khi tâm dao động.

Nghi hoặc cái (vicikicchānīvaraṇa) là sự lưỡng lự phân vân, thiếu tính quyết đoán. Nghi hoặc cái ngăn ngại chi thiền tứ, vì sự ngờ vực khiến tâm không thể khăng khít, gắn kết với thiền cảnh.

Vô minh cái (avijjānīvaraṇa) là sự si ám, không nhận rõ bản chất thật của thực tại, như một người tiếp xúc với người xấu mà không biết, hay như vị vua nghe lời của nịnh thần mà không thấy được hậu quả tai hại. Vô minh cái ngăn che trí tuệ như nhiên.

Thông thường chỉ năm triền cái được nói, nhưng ở đây nêu luôn cả vô minh cái thành sáu chi pháp. Đây cũng là một đặc điểm của Thắng Pháp Abhidhamma khi tổng hợp các pháp (…)

Đề tài này cũng có đặc điểm là dù chỉ có 6 chi pháp, nhưng khi đề cập đến bản thể pháp thì có 8. Tham dục cái là thuộc tánh tham; sân độc cái là thuộc tánh sân; hôn thuỵ cái là hai thuộc tánh hôn trầm và thụy miên; trạo hối cái là hai thuộc tánh dao động (hay phóng dật) và hối; nghi hoặc cái là thuộc tánh nghi hoặc; vô minh cái là thuộc tánh si.

Những pháp cái ngoài là ngăn ngại đối với hành giả chỉ quán, còn có một khía cạnh khác là nói lên những phiền não của người chưa hoàn toàn giải thoát. Một vị a la hán không thể có pháp cái dù mới 7 tuổi. Nói cách khác khi nhận thức về một bậc hoàn toàn giác ngộ, giải thoát mọi phiền não, thì chính sự vắng mặt những pháp cái là một trong những chuẩn mực xác định khó phủ nhận nhất.


 Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.