Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG | THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) | Bài 93. Tổng Hợp Các Phân Loại Bất Thiện (Akusalasangaho)

, 03/08/2024, 09:48 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

Bài 93. Tổng Hợp Các Phân Loại Bất Thiện

(Akusalasangaho)

 

Kathaṃ? Akusalasaṅgahe tāva cattāro āsavā: (1) kāmāsavo; (2) bhavāsavo; (3) diṭṭhāsavo; (4) avijjāsavo.

Cattāro oghā: (1) kāmogho; (2) bhavogho; (3) diṭṭhogho; (4) avijjogho.

Cattāro yogā: (1) kāmayogo; (2) bhavayogo; (3) diṭṭhiyogo; (4) avijjāyogo.

Thế nào (là toát yếu bất thiện pháp)? Trước hết, trong sự tổng hợp của các bất thiện pháp (akusala), gồm có:

Bốn lậu hoặc (āsava): (1) Dục lậu hoặc (kāmāsava); (2) Hữu lậu hoặc (bhavāsavo); (3) Kiến lậu hoặc (diṭṭhāsavo); và (4) Vô minh lậu hoặc (avijjāsavo).

Bốn bộc lưu: (1) Dục bộc lưu (kāmogha); (2) Hữu bộc lưu (bhavogha); (3) Kiến bộc lưu (diṭṭhogha); và (4) Vô minh bộc lưu (avijjogho).

Bốn ách phược (yoga): (1) Dục ách phược (kāmayoga); (2) Hữu ách phược (bhavayoga); (3) Kiến ách phược (diṭṭhiyoga); và (4) Vô minh ách phược (avijjāyoga).

Chú thích:

Các pháp bất thiện trong chương này, đề cập đến nguyên uỷ sâu kín của luân hồi sinh tử đối lập với chi phần giác ngộ giải thoát (hay giác phần tập yếu). Nói cách khác, theo Phật Pháp thì trầm luân sinh tử tồn tại do động lực sâu xa của phiền não, cho dù là cảnh giới cao thấp, khổ vui, thô tế.

Lậu hoặc (āsava) là sự thấm nhiễm, nói lên sự chi phối tế nhị của phiền não đối với tất cả cảnh giới vui khổ, tất cả hạnh nghiệp thiện ác, tất cả con đường luân hồi dù siêu hay đoạ.

Bộc lưu (ogha) nghĩa là thác lũ hay dòng chảy mạnh tạo nên xu thế của dòng luân hồi sinh tử.

Ách phược (yoga) là sự đeo mang không buông bỏ được, như cái ách tròng lên cổ con bò để kéo cày.

Cả ba đề tài là lậu hoặc, bộc lưu, ách phược đều có chung bốn chi pháp là:

  • Dục (kāma) là sự ham muốn đối với cảnh khả ái như sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc.
  • Hữu (bhava) chỉ cho sự bám chấp về hình thái hiện hữu của cá nhân trong cách này hay cách khác.
  • Kiến (diṭṭhi) chỉ cho mê chấp vào quan niệm sai lạc như thường kiến, đoạn kiến … tạo nên lực đẩy mạnh mẽ của sự luân hồi.
  • Vô minh (avijjā) chỉ cho lực chi phối toàn bộ của “cái không biết” như một đứa trẻ dại khờ, vì không biết làm gì mang lại hạnh phúc vô hại nên có vô số những quậy phá.

Dục và hữu thuộc tánh tham (lobhacetasika); kiến thuộc tánh tà kiến; vô minh thuộc tánh si.

Trầm luân sinh tử là một hình ảnh lớn bao gồm cả thiện ác, vui khổ, siêu đoạ. Nhưng mặc dù có những “cái tốt” tuy vậy rất tương đối vì bị chi phối bởi phiền não. Thí dụ, một người tạo thiện hạnh sinh vào cõi an lạc là một hình ảnh rất tốt, ngay cả được khuyến khích qua kinh điển, nhưng trong cách nói rốt ráo thì dù là thiện tâm, thiện nghiệp, thiện thú thì cũng do sự tác động sâu xa của vô minh và ái dục. Phiền não ở đây phải được hiểu ở mức tế nhị nhất.


 Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.