Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG | THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) | Bài 91. Niết Bàn (Nibbāna)

Friday, 19/07/2024, 06:53 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

Bài 91. NIẾT BÀN (Nibbāna)

 

Nibbānaṃ pana lokuttarasankhātaṃ catumaggañāṇena sacchikātabbhaṃ magga-phalānam ālambanabhūtaṃ vānasankhātāya taṇhāya nikkhantattā nibbānan ti pavuccati.

Tad etaṃ sabhāvato ekavidham pi sa-upādisesa-nibbānadhātu anupādisesa-nibbānadhātu cā ti duvidhaṃ hoti kāraṇapariyāyena. Tathā suññataṃ animittaṃ appaṇihitañ cā ti tividhaṃ hoti ākārabhedena.

Padam accutam accantam asankhatam anuttaraṃ Nibbānam iti bhāsanti vānamuttā mahesayo. Iti cittaṃ cetasikaṃ rūpaṃ nibbānam icc’api Paramatthaṃ pakāsenti catudhā va tathāgatā.

 

Niết bàn được gọi là siêu thế; phải được chứng ngộ bởi tuệ giác của bốn đạo. Là đối tượng của bốn đạo và bốn quả. Được gọi là nibbāna vì vượt thoát khỏi ái vốn là sự rối rắm.

Niết bàn theo tự tánh chỉ có một. Nhưng theo giai đoạn chứng đắc thì được chia làm hai là hữu dư y niết bàn và vô dư y niết bàn. Theo khía cạnh thể nghiệm được chia làm ba là: không tánh, vô tướng, vô nguyện.

Các bậc đại sĩ giải thoát khỏi khát ái tuyên bố niết bàn là trạng thái bất tử, vô lượng, vô vi và vô thượng.

Như vậy, các Đấng Như Lai đã hiển thị bốn pháp chơn đế là tâm, thuộc tánh, sắc pháp và niết bàn.

Chú Thích

Niết bàn – nibbāna – là pháp chơn đế thứ tư bên cạnh tâm, thuộc tánh và sắc pháp. Trong quyển sách này, Thắng Pháp Tập Yếu, Niết bàn được xếp vào “chương VI. Sắc Pháp” trong bố cục. Sự sắp xếp như vậy có phần khiên cưỡng do nội dung tương đối ngắn.

Niết bàn là phiên âm của từ vựng Sanskrit là nirvāṇa vốn quen thuộc tại Việt Nam và kể cả trong Anh ngữ. Mặc dù phần lớn Phật học trong Anh ngữ sử dụng tiếng Pāli nhưng có một số ngoại lệ như karma, nirvāṇa… Ngài Tịnh Sự phiên âm là “níp bàn”. Nói về phiên âm từ vựng Phật học học thì chưa có chuẩn mực chung. Ở đây chọn chữ “niết bàn” do tính phổ thông.

Về từ ngữ có hai cách giải thích về niết bàn. Thứ nhất chữ hợp từ với hai thành tố nir = không, vana = rừng rậm. Hàm ý là không còn trong sự rối ren hay gọi là xuất thế. Thứ hai, nibbāna phát xuất từ động từ nibbāti là sự dập tắt hay tịch tịnh, chỉ cho sự dập tắt những ngọn lửa như phiền não, hay năm uẩn… Hai khía cạnh dễ hiểu nhất về công năng của niết bàn là dập tắt khát ái (taṇhā) và diệt khổ (nirodha).

Niết bàn chỉ có thể hiện thực bằng bốn đạo (catumaggañāṇena sacchikātabbhaṃ) chứ không thể bằng ngôn ngữ và khái niệm vốn hữu hạn.

Niết bàn không nên hiểu theo quan niệm có, không, còn, mất y cứ trên sự nhận thức pháp hữu vi. Đức Phật không dạy “Như lai tồn tại hay không tồn tại sau khi chết”.

Niết bàn mặc dù được nói là “diệt tận tham sân si, chấm dứt sanh tử…” nhưng nói vậy vẫn không đủ, cũng như không thể nói người sạch sẽ đơn thuần là người không dính bùn đất.

Niết bàn là một trong bốn thực tại tối thượng (paramattha) chứ không đơn giản chỉ là sự diệt tận của pháp hữu vi.

Niết bàn được chia làm hai do chứng niết bàn khi còn năm uẩn gọi là “hữu dư y niết bàn - sa’upādisesa” như Đức Phật lúc còn trụ thế. Sau khi chấm dứt năm uẩn gọi là “vô dư y niết bàn - anupādisesa”.

Niết bàn chia thành ba theo khía cạnh thể nghiệm. Niết bàn gọi là không tánh (suññata) vì không còn sở y; gọi là vô tướng (animitta) vì không định hình của hữu vi pháp; gọi là vô nguyện (appaṇihita) vì không là còn khao khát hoặc là đối tượng của khát ái.

Chư Phật - những bậc đại giác - gọi niết bàn là hạnh phúc tối thượng vì đặc tính bất tử, không hạn cuộc, không bị duyên tạo và không gì cao hơn.

 

 Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.