Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG | THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) | Bài 86. Liệt Kê Sắc Pháp (Rūpasamuddesa)(tiếp theo)

, 08/06/2024, 09:17 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 10.5.2024

THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

Bài 86. LIỆT KÊ SẮC PHÁP (rūpasamuddesa)

 

(tiếp theo chú thích về sắc pháp: NHÓM TỨ ĐẠI)

 

Cattāri mahābhūtāni, catunnañ ca mahābhūtānaṃ upādāya rūpan ti duvidham p’etaṃ rūpaṃ ekādasavidhena sangahaṃ gacchati.

Sắc pháp có hai: Sắc đại chủng và sắc y sinh. Gom chung cả hai được phân làm 11 nhóm.

Kathaṃ?
Như thế nào?

(Loại Thành Phẩm – “nipphanna rūpa”)

1. Paṭhavīdhātu, āpodhātu, tejodhātu, vāyodhātu bhūtarūpaṃ nāma.

2. Cakkhu, sotaṃ, ghānaṃ, jihvā, kāyo pasādarūpaṃ nāma.

3. Rūpaṃ, saddo, gandho, raso, āpodhātuvajjitaṃ bhūtattaya-sankhātaṃ

phoṭṭhabbaṃ gocararūpaṃ nāma.

4. Itthattaṃ purisattaṃ bhāvarūpaṃ nāma.

5. Hadayavatthu hadayarūpaṃ nāma.

6. Jīvitindriyaṃ jīvitarūpaṃ nāma.

7. Kabaḷīkāro āhāro āhārarūpaṃ nāma.

1. Nhóm Tứ Đại: Địa giới, thủy giới, hoả giới, phong giới

2. Nhóm Thần Kinh: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân

3. Nhóm Đối Cảnh: Sắc, thinh, khí, vị. Riêng cảnh xúc bao gồm ba sắc đại chủng trừ nước (còn lại là đất, lửa, gió)

4. Nhóm Giới Tính: sắc nữ tính và sắc nam tính

5. Nhóm Ý Căn: sắc ý vật

6. Nhóm Sinh Lực: sắc mạng quyền

7. Nhóm Dưỡng Tố: sắc dinh dưỡng

(Loại Thuộc Tánh – “anipphanna rūpa”)

8. Ākāsadhātu paricchedarūpaṃ nāma.

9. Kāyaviññatti vacīviññatti viññattirūpaṃ nāma.

10. Rūpassa lahutā, mudutā, kammaññatā, viññattidvayaṃ vikārarūpaṃ

nāma.

11. Rūpassa upacayo, santati, jaratā, aniccatā lakkhaṇarūpaṃ nāma.

Jātirūpam eva pan’ettha upacayasantatināmena pavuccati.

8. Nhóm giao giới: sắc chân không

9. Nhóm biểu tri: thân biểu tri và ngữ biểu tri

10. Nhóm linh động: khinh, nhu, đa dụng

11. Nhóm biến tướng: sanh, tiến, dị, diệt

 

Chú thích

Sự liệt kê sắc pháp theo truyền thống, dễ tạo nên ngộ nhận đối với người học.

Nhìn vào “biểu đồ chư pháp”, có tất cả 28 sắc pháp. Không nên hiểu là 28 thực thể riêng biệt. Phải đặc biệt cẩn trọng về điểm này.

Nền tảng của vật chất là bốn đại chủng (mahābhūta). Đó là địa đại, thuỷ đại, hoả đại, phong đại. Địa đại là sự chiếm hữu không gian của vật chất như biểu hiện cứng, mềm ... Thuỷ đại là sự quến tụ, gắn kết của vật chất tạo nên hình tướng. Hoả đại là nhiệt lượng nóng lạnh. Phong đại là sự dịch chuyển (như từ trường của hai cực) của tất cả vật chất ngay cả một nguyên tử. Từ nền tảng tứ đại tạo nên những hiện tượng vật chất gọi là sắc y sinh (upādārūpa). Có thể tạm thí dụ sắc tứ đại như xi măng, gồm xi măng, nước, cát, sỏi … Sắc y sinh như những thứ tạo nên bởi xi măng như đường xá, băng ghế, pho tượng. Hoặc cũng có thể hiểu sắc tứ đại như vàng và sắc y sinh như những thứ trang sức làm bằng vàng ... Có tất cả 24 sắc y sinh cộng với 4 sắc đại chủng thành 28 sắc pháp.

Tất cả sắc pháp cũng được phân thành hai: loại Thành Phẩm (nipphanna rūpa) và loại Thuộc Tánh (anipphanna rūpa).

Loại thành phẩm (nipphanna rūpa) là sắc pháp định hình, thành phẩm chứ không phải là tính cách hay thuộc tính. Ngài Tịnh Sự gọi là “sắc thành tựu”.

Loại thuộc tánh (anipphanna rūpa) là những gì tạo nên đặc tính của vật chất như nhẹ, mềm, thích nghi. Không phải là thực thể cá biệt thí dụ như “sắc dị hay lão hoá”, chỉ là một phần trong sự tồn tại của đơn vị vật chất, chứ không phải là đơn vị vật chất cá biệt. Ngài Tịnh Sự gọi loại sắc “anipphanna rūpa” là “sắc phi thành tựu”.

Bốn sắc đại chủng (bhūtarūpa) được gọi là nguyên tố (dhātu) mang ý nghĩa là có tự tánh riêng (sabhāva). Bốn sắc đại chủng luôn có mặt trong tất cả sắc pháp (hay vật chất). Và luôn luôn đi chung, nói cách khác không có vật chất nào thiếu một trong bốn sắc đại chủng.

Địa đại hay nguyên tố đất (paṭhavīdhātu) là sự chiếm hữu không gian qua thể cứng mềm. Chữ “paṭhavī” nguyên nghĩa là giản nở hay lan rộng, vì mang đặc tính chiếm ngự. Địa đại được xem là cơ sở nền tảng cho thủy đại, hoả đại, phong đại. Sự biến hoá của địa đại là nhận, chịu. Ba đại còn là nhân cần thiết. Địa đại có thể cảm nhận qua xúc giác là sự cứng hay mềm, qua đụng chạm cảm nhận của thân thức.

Thuỷ đại hay nguyên tố nước (āpodhātu) là sự gắn kết hay quến tụ của các phân tử vật chất, nhờ vậy tạo nên hình tướng và không rời rã. Ba đại còn lại là nhân cần thiết của thuỷ đại. Theo Thắng Pháp, thì thuỷ đại không thể nhận biết bằng ngũ quan, mà chỉ có thể biết qua khái niệm của hiểu biết, khi các khối vật chất có dạng thức riêng biệt do phân tử gắn kết.

Hoả đại hay nguyên tố lửa (tejodhātu) là nhiệt lượng. Khi nói tới lửa thì người ta nghĩ tới độ nóng. Thực tế thì nóng hay lạnh đều là nhiệt lượng. Nhiệt độ thoải mái cho con người ở 72 độ F (22 độ C) hoặc nhiệt độ làm nước đông đặc là 32 độ F (hay 0 độ C), chỉ là quy ước đo đạt y cứ trên phương diện nào đó gọi là nóng lạnh (do sự thích ứng tự nhiên của cơ thể), hay liên quan tới độ đông của nước. Nhiệt độ “nóng” đối với người Eskimo, có thể là rất lạnh đối với người sanh ra và lớn lên ở vùng nhiệt đới. Tất cả đều nằm trong nhiệt lượng. Hoả đại có vai trò như năng lượng (energy) trong vật lý ngày nay và khiến cho vật chất đạt đến mức độ “thành toàn”. Cũng do hoả đại mà vật chất được mềm mại. Xúc giác nhận biết hoả đại qua cảm giác nóng hay lạnh.

Phong đại hay nguyên tố gió (vāyodhātu) là tác động dịch chuyển, tạo áp lực. Hiện tượng căng phồng (vitthambana) là một đặc tính của phong đại. Vai trò của phong đại là chuyển động trong tất cả hiện tượng vật chất. Ngành vật lý ngày nay xác định rõ, tất cả hiện tượng vật chất đều luôn dịch chuyển dù là một khối đá bất động hay một viên kim cương với độ rắn rất cao. Tất cả nguyên tử, đơn vị cực vi của vật chất, luôn mang hiện tượng dịch chuyển. Nhân cần thiết của phong đại là ba đại còn lại. Phong đại có thể cảm nhận qua xúc giác với áp lực mạnh yếu.

(Nên lưu ý là tứ đại trong Phật học, bao gồm từ khái niệm bản thể đến cách hiểu thường thức.)

Trên phương diện bản thể, thì tất cả vật chất từ ngọn núi lớn cho tới hạt bụi li ti đều có bốn sắc đại chủng. Trong giọt nước cũng có hoả đại. Trong hạt bụi cũng có thuỷ đại. Đây là cách hiểu theo sắc pháp thuộc pháp bản thể được đề cập trong Thắng Pháp Abhidhamma.

Trên phương diện thường thức, thì đất được hiểu là đại địa bao gồm đất đá, cát, bùn …, nước như ao hồ biển cả ..., lửa như lửa bếp lửa rừng ..., gió như phong ba bão tố …, qua sự cảm nhận bình thường.

Trên phương diện thân quán niệm xứ, thì địa đại trong thân thể là những gì thuộc thể rắn cứng, mềm, thô, phù như thịt, gân, xương … thủy đại là những gì thuộc thể lỏng như mồ hôi, nước mắt, máu, mở … hoả đại là những gì thuộc thể ấm nhưng chất ấm tiêu hoá, chất ấm châu thân … phong đại là những gì thuộc thể khí như hơi thở ra vào, hơi khí vận hành trong thân …

Cả ba cách hiểu trên ĐỀU ĐƯỢC TÌM THẤY TRONG PHẬT HỌC, ĐỀU CÓ TRONG TAM TẠNG. Không nên dùng một đoạn kinh văn nào đó để phủ nhận cách hiểu khác biệt.

Cụm từ “tứ đại bất hoà” là cách nói văn vẻ chỉ cho thân bệnh. Cách nói này không có trong Tam tạng Pāḷi nhưng có thể chấp nhận ở phương diện nào đó, giống như người ta nói “thân thể nóng hay lạnh không bình thường” là bị bệnh. Riêng ý niệm “ngũ ấm xí thạnh” trong khổ đế thì không có trong kinh điển Pāḷi (mà thay vào đó là “năm thủ uẩn là khổ”).

 

SẮC THẦN KINH (Pasādarūpa)

Được hiểu là sắc đóng vai trò cơ phận sắc pháp cảm nhận cảnh của ngũ quan, như thần kinh nhãn cảm nhận cảnh sắc, thần kinh nhĩ cảm nhận cảnh thinh … Ngài Tịnh Sự dịch là “sắc thanh triệt”, do chữ “Pasāda” có ý nghĩa là trong ngần, trong lúc Hoà thượng Thích Minh Châu dịch theo bản chữ Hán là “tịnh sắc”, cả hai đều liên hệ tới ý nghĩa là loại sắc “tinh tuý” của sự sống. Giáo trình này dùng từ vựng “sắc thần kinh”, cũng vốn là chữ dịch của Ngài Tịnh Sự trước kia. Chữ thần kinh (nerve) là từ gần nhất trong sinh vật học và y học ngày nay tương đương với “pasādarūpa”. Sau này Ngài Tịnh Sự chọn chữ “thanh triệt” là dịch ngữ hơn là nghĩa.

Đáng chú ý là trong sắc thần kinh (Pasādarūpa) không có “ý vật” là chỗ nương của giác quan thứ sáu (ý thức), mà sắc ý vật được nằm riêng biệt trong bảng liệt kê sắc pháp. Năm sắc thần kinh đóng vai trò “căn và môn” là điều kiện bắt buộc phải có, trong khi sắc ý vật không nhất thiết như vậy (…).

Trên phương diện vĩ mô, Thắng Pháp ghi rằng, năm sắc thần kinh sanh khởi từ ái chấp đối với năm cảnh. Sự khiếm khuyết của những sắc này đối với nhân loại là biểu hiện của thiếu phước hay năng lực ác nghiệp chi phối hoặc do sự lão hoá như mắt mờ, tai điếc của người già. Một ghi nhận khác trong Tam Tạng, là mặc dù là sắc pháp nhưng là điều kiện bắt buộc để luyện các thần thông tam muội định. Người khiếm thị hay bị điếc không thể luyện thiên nhãn, thiên nhĩ.

Sắc thần kinh nhãn (Cakkhupasāda) là chỗ nương chính của nhãn thức hay thị giác. Được mô tả có dạng tròn, nhỏ trong đồng tử mắt “giống như đầu con chí” cảm nhận ánh sáng.

Sắc thần kinh nhĩ (Sotapasāda) là chỗ nương chính của nhĩ thức hay thính giác. Được mô tả có dạng như lông con cừu cong tròn nằm trong lỗ tai cảm nhận vi ba âm thanh.

Sắc thần kinh tỷ (ghānapasāda) là chỗ nương chính của tỷ thức hay khứu giác. Được mô tả có dạng như móng chân con dê nằm trong lỗ mũi cảm nhận nhận mùi hương.

Sắc thần kinh thiệt (Jivhāpasāda) là chỗ nương chính của thiệt thức hay vị giác. Được mô tả có dạng như đầu lông con nhím trên lưỡi cảm nhận các vị chua, cay, mặn, ngọt …

Sắc thần kinh thân (Kāyapasāda) là chỗ nương chính của thân thức hay xúc giác. Loại sắc này có khắp châu thân ngoại trừ tóc, lông, da chết. Chính sắc thần kinh này cảm nhận nóng, lạnh, cứng, mềm … Nên lưu ý là cảm nhận cái đau thốn của mắt khi bụi lọt vào thuộc về xúc giác chứ không phải thị giác hay như khi lưỡi bị đẹn lở cũng thuộc về xúc giác chứ không là vị giác.

 

NHÓM SẮC ĐỐI TƯỢNG CỦA NGŨ QUAN (Gocara rūpa)

Đây là đối tượng vật chất của thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. Riêng xúc giác, mặc dù được nêu ở đây nhưng không tính là một sắc mà được biết qua địa đại (cứng mềm), hoả đại (nóng lạnh) và phong đại (áp suất của sự di động). Riêng thuỷ đại không tính, vì tánh cách nhận biết trừu tượng. Nên lưu ý chữ “gocara” mang nhiều ý nghĩa trong Tam Tạng. Nghĩa đen có nghĩa là vùng đất đi lại. Ở đây có nghĩa là cảnh của ngũ quan.

Sắc cảnh sắc (rūpārammaṇa) là đối tượng của thị giác. Chữ “rūpa” vừa có nghĩa là vật chất như sắc pháp nói chung và cũng là đối tượng của mắt nói riêng. Cảnh ở đây, ở mức độ nguyên sơ như các màu xanh, vàng, đỏ, trắng, đậm, nhạt hay hình dạng vuông, tròn, dài, ngắn, lớn, nhỏ … Khi một người nhìn thấy một bức tranh, thì cảnh sắc đơn thuần là màu sắc, đường nét … nhưng nếu nhận ra đó là tranh thuỷ mặc, tranh lập thể, tranh truyền chân … thì đó thuộc về cảnh pháp, tức đối tượng của ý thức. Một điều nên lưu ý, là ánh sáng được xem là điều kiện để mắt thấy sắc, nhưng không thể đề cập xa hơn là cảnh sắc trong Thắng Pháp.

Sắc cảnh thinh (Saddārammaṇa) là âm thanh, đối tượng của thính giác. Một lần nữa, đây là âm thanh trong dạng nguyên sơ như âm lượng lớn, nhỏ, trầm bổng, du dương hay chói tai ... Sự phân biệt thể loại âm nhạc thuộc đối tượng của tâm thức nhận biết cảnh pháp.

Sắc cảnh khí (Gandhārammaṇa) là tất cả mùi hương nhận biết bởi khứu giác. Nhưng cũng chỉ là mùi ở trạng thái nguyên sơ, chứ không kể là mùi thơm của phở hay mùi nước hoa danh tiếng nào đó.

Sắc cảnh vị (Rasārammaṇa) là đối tượng của vị giác như chua, mặn, ngọt. Cảnh vị ở đây chỉ thuần là những vị được cảm nhận bởi vị giác, chứ chưa được nhận thức xa hơn như thức ăn Pháp, thức ăn Trung Hoa …

Sắc cảnh xúc (Phoṭṭhabbārammaṇa) một cách thú vị ở đây “không được kể mà như được kể”. Trên con số thì không, nên chỉ có 28 sắc pháp, mà trong nhóm đối tượng ngũ quan chỉ có bốn (sắc, thinh, khí, vị) nhưng vẫn được đề cập, vì cảnh của xúc giác là địa đại, hoả đại, phong đại.

Theo Thắng Pháp, thì khi năm cảnh trên được nhận biết bởi ngũ quan, đã mang sự khác biệt giữa cảnh tốt và cảnh xấu do nghiệp quá khứ. Không có trường hợp cảnh trung tính không tốt, không xấu.

Năm cảnh của ngũ quan được gọi là “năm dục trưởng dưỡng (kāmaguṇa)” vì đa số chúng sanh sống hướng ngoại nên thiên nặng về ngũ dục.

Năm cảnh này được đề cập trong sắc pháp tương đối ngắn gọn, thế nhưng khi nói về uẩn, xứ, giới hay nhiều đề tài trong Tam Tạng, thì là điểm quan trọng nhất trong Phật học.

 

NHÓM SẮC GIỚI TÍNH (BHĀVA RŪPA)

Là sắc pháp tạo nên giới tính nam nữ, đực cái, trống mái đối với chúng sanh. Chính sắc này tạo nên cơ phận sinh thực khí, ngoại hình, dáng cách, giọng nói, từ đó, ảnh hưởng tới tâm lý.

Sắc nam tính (purisa bhāva) tạo nên cơ phận sinh thực khí giống đực, ngoại hình, dáng cách, giọng nói của người nam, giống đực.

Sắc nữ tính (itthī bhāva) tạo nên cơ phận sinh thực khí giống cái, ngoại hình, dáng cách, giọng nói của người nữ, giống cái.

Mặc dù có những trường hợp bất thường, như một người nam có thể hát giọng nữ. Hoặc một người nữ có dáng cách như một người nam. Hay có nhiều người mà thân thể và tâm tính không tương đồng về giới tính, nhưng căn bản thì thân thể có đặc tính của một trong hai sắc giới tính.

 

Lưu ý: 4 sắc tiếp theo được gọi là “nhóm” nhưng chỉ có một. Trên phương diện ngôn ngữ nếu chỉ có một không gọi là nhóm, nhưng do phân loại theo bản liệt kê có 11 nhóm nên phải “tạm gọi”.

 

NHÓM Ý CĂN (HADAYAVATTHU RŪPA)

Nhóm này chỉ có một sắc là sắc ý vật.

Sắc ý vật (hadayavatthu) là chỗ nương vật chất của ý giới và ý thức giới. Chánh tạng không nêu rõ sắc ý vật hình dạng và vị trí ở đâu trong châu thân. Các bản Sớ giải và hậu sớ giải thì có nêu lên quan điểm, sắc ý vật là máu tuần hoàn trong cơ thể mà điểm trung chuyển là trái tim. Nêu lưu ý vài điểm sau:

  1. Không phải tất cả tâm ngoài ngũ song thức đều cần sắc ý vật, thậm chí chúng sanh ở cõi vô sắc hoàn toàn không có trường hợp “tâm gá vật”.
  2. Tại Ấn dộ, cũng như một số quốc gia ảnh hưởng văn hoá Ấn, thì chữ trái tim (hadaya) thường được dùng chỉ cho tâm thức, giống như trong một số văn hoá trái tim là biểu thị của tình yêu. Đây là cách nói ví von chứ không phải là thực tế.
  3. Quan điểm sắc ý vật là máu tuần hoàn trong châu thân không được xem điều được xác nhận trong chánh tạng.
  4. Y khoa ngày nay, có khuynh hướng giải thích chỗ nương của tâm thức là bộ óc và hệ thần kinh, nhưng mang tính tương đối và vẫn được xem là những bí ẩn chưa đuợc khám phá tường tận. Thí dụ, như người ta khám phá sự nghiện ngập hay sự ưa thích ăn uống, khiến một người mang chứng béo phì do một loại tế bào DNA thay vì từ hệ thần kinh. Đây là vấn đề mà Phật học không đào sâu (….).

 

NHÓM SINH LỰC (JĪVITA RŪPA)

Nhóm này chỉ có một sắc là sắc mạng quyền.

Sắc mạng quyền (jīvitindriya rūpa) là thành phần vật chất đóng vai trò duy trì mạng sống hay sinh lực. Theo Thắng Pháp, thì cả hai tâm và thân đều cần sinh lực để tồn tại, dù là sự tồn tại ngắn ngủi trong một sát na. Loại sắc này có thể nhận biết, khi thân thể không còn sắc mạng quyền thì gọi là một thi thể dẫn tới sự sình trương, phân huỷ nếu không được bảo quản.

Y khoa ngày nay cho biết một số dược liệu từ thảo mộc hay chất khoáng có thể khiến gia tăng hay giảm thiểu sinh lực. Theo Thắng Pháp, thì chính sắc pháp này duy trì sự tồn tại gọi là “sự sống”.

 

NHÓM DƯỠNG TỐ (ĀHĀRA RŪPA)

Nhóm này chỉ có một sắc là sắc dinh dưỡng.

Sắc dinh dưỡng (āhāra rūpa) bao gồm tất cả dinh dưỡng được gọi là oja (như chữ nutrition trong Anh ngữ) nuôi cơ thể. Đây là thành phần tinh tuý trong thực phẩm. Không phải tất cả thức ăn đều có dinh dưỡng, nhưng đa số dinh dưỡng đưa vào cơ thể qua thức ăn. Một số dinh dưỡng hấp thụ qua hình thức khác, như ánh sáng mặt trời cung ứng vitamin D cho cơ thể. Ngày nay, dược phẩm cũng đóng vai trò quan trọng để cung ứng sinh tố và chất khoáng cho thân.

Dinh dưỡng là một lãnh vực lớn trong y khoa ngày nay. Càng ngày càng có nhiều khám phá mới trong lãnh vực này. Ở đây chỉ đề cập một cách tổng quát.

 

Bốn nhóm sau đây thuộc nhóm sắc thuộc tánh (anipphannarūpa) (Ngài Tịnh Sự gọi là “sắc phi thành tựu”)

 

NHÓM GIAO GIỚI

Nhóm này chỉ có một sắc là sắc chân không.

Sắc chân không (ākāsadhātu) trong Thắng Pháp, được hiểu là chân không giữa những nguyên tử vật chất. Một tên gọi khác nói lên ý nghĩa này là sắc giao giới. Nên lưu ý, chân không ở đây khác với hư không bầu trời vì trên không vẫn có những vi trần và sắc tế mà mắt thường không thấy được ...

 

NHÓM BIỂU TRI (VIÑÑATTIRŪPA)

 

Là sắc biểu hiện để nhận biết. Nhóm này có hai sắc.

Sắc thân biểu tri (Kāya-viññatti) là sự biểu đạt qua thân như lắc đầu, khua tay … Sắc này tạo nên tính cách trong sự truyền đạt của thân, thí dụ như sự vội vã, lúng túng, giận dữ ...

Sắc khẩu biểu tri (Vacī-viññatti) là sự biểu đạt qua ngôn từ. Ở đây, không đơn giản là thuần ngôn ngữ, mà còn là cách nói với âm giọng cho thấy câu hỏi hay câu nói diễn tả gì đó. Qua tính cách của lời nói cũng biểu đạt sự thân thiện, mỉa mai, lo sợ, lãnh đạm …

 

NHÓM LINH ĐỘNG (Vikāra-rūpa)

Là sắc tạo nên sự hoạt dụng của vật chất. Nhóm này có ba sắc.

Sắc khinh (Rūpassa-lahutā) là sắc khiến vật chất nhẹ, ít bị nặng nề bởi hấp lực.

Sắc nhu (Rūpassa-mudutā) là sắc khiến vật chất mềm dẻo.

Sắc đa dụng (Rūpassa-kammaññatā) là sắc khiến vật chất thích nghi với nhiều môi trường, điều kiện tồn tại.

Theo Sớ giải, thì ba sắc này luôn đi chung với nhau và chỉ có ở sắc pháp thuộc loài hữu tình. Theo vài học giả, thì ba sắc này có hiện hữu trong tất cả loài vô cơ và hữu cơ (….).

 

NHÓM BIẾN TƯỚNG (Lakkhaṇa-rūpa)

Là sắc thể hiện trong từng giai đoạn từ lúc sanh khởi tới lúc hoại diệt. Nhóm này có bốn sắc.

Sắc sản sinh (upacaya) là sắc pháp mang tánh cấu thành.

Sắc khai triển (santati) là sắc pháp mang tánh phát triển.

Sắc lão hoá (jaratā) là sắc pháp mang tánh suy tàn.

Sắc hoại diệt (aniccatā) là sắc pháp mang tánh hoại vong.

Bốn sắc này được hiểu trong phạm trù: sự hiện hữu của một sát na vật chất và sự tồn tại của một vật thể dài hạn như kiếp người.

 Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.