Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG | THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) | Bài 117. Dẫn Nhập Về Duyên

Friday, 07/02/2025, 22:00 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

Bài 117. Dẫn Nhập Về Duyên

Yếu lược về Duyên là chương thứ 8 trong bộ Abhidhammasaṅgaha. Đây là bài dẫn nhập để người học nắm một số ý niệm cơ bản trước khi bước vào chương này.

  • Duyên – Paccaya – là gì?
  • Khái niệm về duyên và pháp hữu vi.
  • Năng duyên (paccaya) và sở duyên (paccayuppanna).
  • Duyên sinh (paṭiccasamuppādanaya) và duyên hệ (paṭṭhāna).

1. Duyên (Paccaya) Là Gì?

Duyên (Paccaya) trong Phật giáo là những điều kiện, yếu tố hỗ trợ cho sự sinh khởi, tồn tại và hoại diệt của các pháp. Khái niệm này giúp lý giải cách mọi hiện tượng hữu vi (Saṁkhāra) được hình thành và tan biến.

Duyên không phải là nguyên nhân tuyệt đối mà là sự tương tác giữa nhiều yếu tố. Khi các duyên hội đủ, một pháp sinh khởi; khi duyên tan rã, pháp đó cũng biến mất. Sự tụ tán của các pháp vượt xa tư duy “từ đâu tới, sẽ đi về đâu”, cũng như thí dụ ngọn lửa cháy do nhiên liệu. Hết nhiên liệu ngọn lửa tắt. Không nên đặt câu hỏi trước khi ngọn lửa cháy thì ngọn lửa ở đâu và tắt rồi thì đi đâu.

Nên lưu ý là chữ duyên trong cách dùng của dân gian và trong bối cảnh chùa chiền đôi khi rất khác xa với Phật học, nhất là Thắng Pháp. Duyên không hẳn là tác động hình thành mà còn tác động hoại diệt, không giống quan niệm “hữu duyên, vô duyên”. Duyên có thể là nhân mà cũng có thể là quả, nên không thể nói duyên là nguyên nhân. Nghiệp là một thứ duyên nhưng không phải duyên nào cũng là nghiệp.

2. Khái niệm về duyên và pháp hữu vi

Nói đến duyên không thể không nói đến pháp hữu vi. Không thể hiểu được pháp vô vi hay niết bàn nếu không hiểu về pháp hữu vi. Pháp hữu vi (Saṁkhāra Dhamma) là những pháp được tạo tác, chịu ảnh hướng bởi các duyên, có sinh, trụ, hoại, diệt. Mọi hiện tượng trong tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới) đều thuộc pháp hữu vi.

Pháp hữu vi bao gồm hai loại chính:

  • Danh pháp (Nāmadhamma): Gồm tâm (citta) và thuộc tánh của tâm (cetasika).
  • Sắc pháp (Rūpadharma): Gồm các yếu tố vật chất.

Duyên là yếu tố quyết định sự sinh khởi và tồn tại của pháp hữu vi.

3. Năng Duyên (Paccaya) và Sở Duyên (Paccayuppanna)

Trong mối quan hệ duyên sinh, có hai thành phần chính:

  1. Năng duyên (Paccaya) – yếu tố đóng vai trò làm duyên, hỗ trợ hoặc tạo điều kiện cho pháp khác sinh khởi.
  2. Sở duyên (Paccayuppanna) – pháp chịu ảnh hưởng, sinh khởi nhờ vào năng duyên.

Có thể hiểu năng duyên và sở duyên theo hai thí dụ sau:

  • Mặt trời (điều kiện duyên) giúp cây cối tăng trưởng (sở duyên).
  • Thức ăn (điều kiện duyên) giúp duy trì cơ thể (sở duyên).

Nên lưu ý chữ “paccaya” là thuật ngữ được dùng trong ý nghĩa phổ quát, bao gồm cả hai năng duyên và sở duyên mà cũng có lúc chỉ cho năng duyên. Tương tự như khi nói về “nghiệp”, đôi khi bao gồm cả nhân và quả nhưng có khi chỉ bao gồm nghiệp nhân. Sự tương tác giữa năng duyên và sở duyên chính là quy luật vận hành của mọi hiện tượng.

4. Duyên Sinh và Duyên Hệ

Duyên sinh (Paṭiccasamuppāda) hay thập nhị nhân duyên là nguyên lý giải thích sự vận hành của luân hồi sanh tử qua 12 duyên khởi. Duyên sinh được trình bày tuần tự theo nguyên lý “ắt có và đủ”. Duyên sinh là quy luật giải thích về sự sinh khởi và hoại diệt của khổ đau và sự hiện hữu.

Duyên hệ (Paṭṭhāna) phân tích chi tiết hơn về cách các duyên vận hành qua 24 loại duyên khác nhau. Đây là phần tinh yếu Phật Pháp, chỉ tìm thấy trong Thắng Pháp Abhidhamma. Không hiểu về duyên hệ là thiếu sót lớn khi học Thắng Pháp.

Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.