- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG
THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)
Bài 113. Ngũ Uẩn (Khandha) và Ngũ Thủ Uẩn (Upānānakkhandha)
Vì lý do kỹ thuật, bài học hôm nay sẽ sử dụng bài giảng của Ngài Silananda, bản dịch tiếng Việt của Pháp Triều.
Chúng ta có sắc uẩn (Rūpakkhandha), thọ uẩn (Vedanākkhandha), tưởng uẩn (Saññākkhandha), hành uẩn (Saṅkhārakkhandha) và thức uẩn (Viññāṇakkhandha).
Từ “Khandha” có nghĩa là uẩn, khối và nhóm. Nhưng uẩn hay khối hay nhóm thì không phải là nhóm thật của vật chất và vân vân. Đây là nhóm mà chúng ta hình thành trong tâm trí của mình và do đó, chúng ta xem chúng là những nhóm hay khối. Một phần tử vật chất được gọi là sắc uẩn (Rūpakkhandha) - không phải là một nhóm những sắc pháp (Rūpa), mà chỉ một sắc pháp (Rūpa) thôi thì được gọi là sắc uẩn (Rūpakkhandha). Ở đây, nhóm không có nghĩa là nhóm mang tính vật lý. Nó không có nghĩa là một nhóm mười sắc pháp hay ba mươi sắc pháp. Mỗi một trong số chúng được gọi là uẩn (Khandha). Để được bao gồm trong uẩn, chúng phải có sự phân chia nào đó. Bất cứ khi nào Đức Phật miêu tả sắc pháp (Rūpa) và vân vân, Ngài luôn miêu tả bất kỳ loại sắc pháp nào ở đó là thuộc về quá khứ, tương lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần. Đây được gọi là sắc uẩn. Một sắc pháp đó có thể là quá khứ, hiện tại hay tương lai. Nó có thể là nội hay ngoại. Nó có thể là thô hay tế. Nó có thể là hạ liệt hay ưu thắng. Nó có thể là xa hay gần. Khi một trạng thái có sự phân chia hay sự chia chẻ như vậy thì nó được gọi là một uẩn (Khandha). Một thành phần vật chất có thể thuộc vào quá khứ, hiện tại hay tương lai. Chúng ta nhận bắt ba khía cạnh này làm một nhóm trong tâm trí của chúng ta và rồi chúng ta gọi thành phần vật chất đó là “uẩn”. Uẩn, nhóm hay khối ở đây không có nghĩa một nhóm những sắc pháp khác nhau, mà nó chỉ có nghĩa là những sự phân chia hay chia chẻ khác nhau của một sắc pháp. Điều này cũng đúng cho thọ, tưởng và vân vân. Một sắc pháp cụ thể nào đó có thể thuộc vào cơ thể của chúng ta hay thuộc vào những vật thể bên ngoài. Khi chúng ta thấy sắc pháp (Rūpa), chúng ta nhóm hai thành phần này hay hai khía cạnh này thành một và gọi nó là uẩn. Nếu một trạng thái có sự phân chia hay chia chẻ thành quá khứ, tương lai và hiện tại thì chúng ta có thể gọi nó là một uẩn, hay nếu trạng thái đó có sự phân chia hay chia chẻ thành nội và ngoại thì chúng ta có thể gọi trạng thái đó là một uẩn; hay nếu nó có sự chia chẻ hay phân chia thành thô và tế thì chúng ta có thể hình thành một uẩn trong tâm trí của chúng ta. Nếu sắc pháp đó hay bất kỳ cái đó là gì mà có thể được phân chia thành liệt và thắng thì chúng ta có thể xem nhận hai khía cạnh này làm một và gọi nó là một uẩn. Nếu nó được phân chia thành xa và gần thì chúng ta có thể xem nhận hai khía cạnh này là một uẩn. Khi chúng ta nói uẩn, chúng ta không có ý muốn nói một nhóm những sắc pháp (Rūpa), những cảm thọ (Vedanā) và vân vân. Mỗi một trong số những sắc pháp (Rūpa) này, mỗi một trong số những cảm thọ (Vedanā) này và vân vân đều có thể được gọi là một uẩn.
Thứ nhất là sắc uẩn (Rūpakkhandha). Sắc uẩn trong thực tế là 28 sắc pháp. Mỗi một trong 28 sắc pháp này được gọi là một uẩn.
Thứ hai là thọ uẩn (Vedanākkhandha). Cảm thọ có thể là nội hay ngoại. Cảm thọ có thể là thô hay tế và vân vân. Cho nên, thậm chí một thọ cũng được gọi là một uẩn.
Thứ ba là tưởng uẩn (Saññākkhandha). Các bạn đã biết tưởng (Saññā). Tưởng (Saññā) là một cái gì đó đánh dấu đối tượng. Một tưởng (Saññā) ở đây được gọi là tưởng uẩn vì tưởng (Saññā) có thể là quá khứ, tương lai, hiện tại và vân vân.
Thứ tư là hành uẩn (Saṅkhārakkhandha). Hành uẩn (Saṅkhārakkhandha) thì bao gồm 50 tâm sở (Cetasika), tức là tất cả các tâm sở (Cetasika) trừ thọ (Vedanā) và tưởng (Saññā). Trong số 50 tâm sở (Cetasika) có tâm sở tư (Cetanā). Các bạn đã biết tâm sở tư (Cetanā). Và các bạn đã biết rằng tâm sở tư (Cetanā) là nghiệp (Kamma). Tâm sở tư (Cetanā) là nhân tố năng động trong việc kéo dài và duy dưỡng sự khổ đau trong vòng sanh tử luân hồi (Saṃsāra). Tâm sở tư (Cetanā) thúc giục chúng ta làm một cái gì đó. Cho nên, chúng ta thu nhặt nghiệp (Kamma) và vân vân. Tâm sở tư (Cetanā) có uy quyền trong số những tâm sở (Cetasika) khác. Tất cả 50 tâm sở (Cetasika) này được gọi chung là hành uẩn (Saṅkhārakkhandha). “Saṅkhāra” có nghĩa là Cetanā. Hành uẩn có nghĩa là uẩn mà được dẫn đầu bởi tâm sở tư (Cetanā) hay uẩn mà có tâm sở tư (Cetanā) là người lãnh đạo. Cho nên, hành uẩn (Saṅkhārakkhandha) có nghĩa là 50 tâm sở (Cetasika) còn lại. Tâm sở xúc (Phassa) cũng được bao gồm trong hành uẩn (Saṅkhārakkhandha). Thọ (Vedanā) và tưởng (Saññā) thì không được bao gồm trong đó. Tâm sở tư (Cetanā) được bao gồm trong hành uẩn (Saṅkhārakkhandha). Tâm sở nhất tâm (Ekaggatā) và những tâm sở khác được bao gồm trong hành uẩn (Saṅkhārakkhandha). 50 tâm sở (Cetasika) còn lại được gọi là hành uẩn (Saṅkhārakkhandha). Ở đây cũng vậy, một tâm sở (Cetasika) cũng được gọi là hành uẩn (Saṅkhārakkhandha). Ví dụ, tâm sở tư (Cetanā) được gọi là hành uẩn (Saṅkhārakkhandha). Tâm sở xúc (Phassa) được gọi là hành uẩn (Saṅkhārakkhandha). Mỗi một trong số chúng có thể được phân chia thành quá khứ, tương lai, hiện tại và vân vân. Thứ năm là thức uẩn (Viññāṇakkhandha). Nó bao gồm 89 hay 121 tâm (Citta).
● Sắc uẩn (Rūpakkhandha) có nghĩa là 28 sắc pháp (Rūpa) tính theo pháp chân đế (Paramattha Dhamma).
● Thọ uẩn (Vedanākkhandha) có nghĩa là tâm sở thọ (Vedanā).
● Tưởng uẩn (Saññākkhandha) có nghĩa là tâm sở tưởng (Saññā).
● Hành uẩn (Saṅkhārakkhandha) có nghĩa là 50 tâm sở (Cetasika).
● Thức uẩn (Viññāṇakkhandha) có nghĩa là 89 hay 121 tâm (Citta). Mặc dầu nó được gọi là Thắng Pháp Tổng Nhiếp (Sabba-saṅgaha), tức là sự tổng hợp tất cả các pháp, nhưng các uẩn (Khandha) không bao gồm Níp-bàn 110 Cẩm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp, Tập Ba Chương 7 (Nibbāna). Níp-bàn (Nibbāna) là pháp nằm ngoài các uẩn. Chúng ta không gọi Níp-bàn (Nibbāna) là một uẩn. Níp-bàn (Nibbāna) không có sự phân chia thành quá khứ, hiện tại, vị lai, nội, ngoại và vân vân. Tác giả, tức là Ngài Ācariya Anuruddha, sẽ giải thích điều này sau vào cuối chương này (xem CMA, VII, §40, p.290). 7.5.2.
Ngũ Thủ Uẩn (Upānānakkhandha)
Nhóm tiếp theo là ngũ thủ uẩn (Upānānakkhandha). Các bạn đã biết thủ (Upādāna). Có bao nhiêu thủ (Upādāna)? Có bốn thủ (Upādāna). Các bạn có thể kể tên chúng không? Chúng là dục thủ (Kāmupādāna), kiến thủ (Diṭṭhupādāna), giới cấm thủ (Sīlabbatupādāna) và ngã chấp thủ (Attavādupādāna). Đây là bốn thủ (Upādāna). Trong thực tế thì chỉ có hai: tham (Lobha) và tà kiến (Diṭṭhi). “Upādānakkhandha” có nghĩa là thủ uẩn. “Thủ uẩn” có nghĩa là những uẩn mà là những đối tượng của thủ. Chúng ta phải hiểu điều này. Nó không phải là những uẩn thuộc vào thủ mà là những uẩn là những đối tượng của thủ. Trong phần ghi chú trên trang 286 của tài liệu CMA ở khoảng giữa đoạn văn có ghi: “Ở đây, tất cả các thành phần của năm uẩn rơi vào hay đi vào vùng nắm bắt của bốn thủ thì được gọi là những thủ uẩn.” (CMA, VII, Guide to §35, p.286) Điều này hơi khó hiểu một chút. Tất cả những thành phần của ngũ uẩn là đối tượng của thủ thì được gọi là những thủ uẩn. Đó là nghĩa trực tiếp hay nghĩa đen.
Chúng ta nên hiểu sự khác nhau giữa uẩn (Khandha) và thủ uẩn (Upādānakkhandha). Thủ uẩn (Upādānakkhandha) có nghĩa là những uẩn mà là đối tượng của thủ. Chúng ta hãy đi ngược lại chương thứ ba. Thủ thì bao gồm có tham (Lobha) và tà kiến (Diṭṭhi). Cái gì là đối tượng của tham (Lobha) hay bất thiện (Akusala)? Đối tượng của bất thiện (Akusala) là những pháp hiệp thế. Cái gì là đối tượng của tà kiến (Diṭṭhi)? Cũng như vậy, tức là những pháp hiệp thế. Sắc thủ uẩn (Rūpupādānakkhandha) có nghĩa là 28 sắc pháp (Rūpa). Không có sự khác biệt giữa uẩn (Khandha) và thủ uẩn (Upādānakkhandha). Nó chỉ là 28 sắc pháp (Rūpa). 28 sắc pháp (Rūpa) này là đối tượng của thủ. Tức là chúng ta có thể dính mắc vào 28 sắc pháp (Rūpa) này. Chúng ta có thể có quan điểm sai lầm về 28 sắc pháp (Rūpa) này. Cho nên, trong thể loại này, chúng được gọi là sắc thủ uẩn (Rūpupādānakkhandha), tức là sắc uẩn mà là đối tượng của thủ. Tiếp theo là thọ thủ uẩn (Vedanupādānakkhandha). Đây là tâm sở thọ (Vedanā). Ở đây, thọ thủ uẩn (Vedanupādānakkhandha) có nghĩa là tâm sở thọ (Vedanā) đi cùng với những tâm hiệp thế (Lokiya Citta). Thọ thủ uẩn (Vedanupādānakkhandha) không bao gồm tâm sở thọ (Vedanā) đi cùng với những tâm Siêu thế (Lokuttara Citta). Điều này cũng đúng cho tưởng (Saññā), tưởng thủ uẩn (Saññupādānakkhandha). Ở đây không muốn nói đến tất cả tưởng, mà chỉ là tưởng đi cùng với những tâm hiệp thế (Lokiya Citta). Thứ tư là hành thủ uẩn (Saṅkhārupādānakkhandha). Đây là 50 tâm sở (Cetasika) còn lại. Cũng vậy, những tâm sở (Cetasika) này sanh lên cùng với những tâm (Citta) hiệp thế. Khi bàn về pháp chân đế (Paramattha Dhamma) thì 28 sắc pháp (Rūpa), tâm sở thọ (Vedanā), tâm sở tưởng (Saññā) - tất cả những pháp này được xem là giống với các uẩn (Khandha). Mặc dầu chúng là giống ở đây, nhưng các bạn phải hiểu rằng đối với thủ uẩn (Upādānakkhandha) thì chúng phải là đối tượng của thủ. Chúng phải đi kèm theo hay phải chính là những tâm hiệp thế (Lokiya Citta). Nhưng đối với sắc pháp (Rūpa) thì không có sắc pháp (Rūpa) nào lại không phải là đối tượng của thủ. Ở đây không có sự khác nhau. Sắc pháp (Rūpa) thì luôn luôn là hiệp thế (Lokiya). Nếu các bạn đi ngược lại chương thứ sáu thì sắc pháp (Rūpa) được miêu tả là hiệp thế (Lokiya) trong phần thứ hai của chương thứ sáu. Vì sắc pháp (Rūpa) luôn luôn là hiệp thế (Lokiya), cho nên không có sự khác nhau về pháp chân đế (Paramattha Dhamma) giữa sắc uẩn (Rūpakkhandha) và sắc thủ uẩn (Rūpupādānakkhandha). Tại sao lại có hai nhóm: uẩn (Khandha) và thủ uẩn (Upādānakkhandha)? Uẩn (Khandha) thì dường như là chung chung. Khi chúng ta nói uẩn (Khandha), ý của chúng ta là nói đến mọi thứ mà hiện có, mọi thứ mà có cùng đặc tính. Khi chúng ta nói sắc uẩn (Rūpakkhandha), ý của chúng ta là nói đến tất cả những vật chất có đặc tính thay đổi. Khi chúng ta nói sắc thủ uẩn (Rūpupādānakkhandha), ý của chúng ta là nói đến cùng một thứ đó vì không có sự khác nhau nào. Khi chúng ta nói thọ uẩn (Vedanākkhandha), ý của chúng ta là tất cả các thọ (Vedanā), tức là các thọ (Vedanā) đi kèm theo tất cả 121 tâm. Khi chúng ta nói thọ thủ uẩn (Vedanupādānakkhandha), ý của chúng ta chỉ là những thọ (Vedanā) đi kèm theo 81 tâm hiệp thế (Lokiya Citta). Đó là cách chúng ta nên hiểu những thuật ngữ này. Sự khác nhau là gì? Tại sao lại có hai nhóm? Như tôi đã nói ở trước, nhóm thứ nhất dường như là chung chung. Nhưng nhóm thứ hai thì dành cho thiền Minh sát (Vipassanā). Khi các bạn hành thiền Minh sát (Vipassanā), các bạn bắt thủ uẩn (Upādānakkhandha) làm đối tượng, chứ không phải uẩn (Khandha) nói chung. Nói cách khác, khi các bạn hành thiền Minh sát (Vipassanā), các bạn chỉ bắt các tâm (Citta) hiệp thế, các tâm sở (Cetasika) hiệp thế và sắc pháp (Rūpa) làm cảnh. Các bạn không bắt những tâm Siêu thế (Lokuttara Citta) hay Níp-bàn (Nibbāna) làm cảnh, đơn giản vì các bạn chưa chứng đạt được chúng. Các bạn chưa thấy được chúng. Để chỉ ra nơi vun bồi thiền Minh sát (Vipassanā), Đức Phật đã dạy thủ uẩn (Upādānakkhandha). Đối với sắc uẩn (Rūpakkhandha) và sắc thủ uẩn (Rūpupādānakkhandha) thì không có sự khác nhau. Nhưng đối với yếu tố thứ hai, thứ ba, thứ tư và thứ năm của mỗi nhóm thì có sự khác nhau. Thủ uẩn (Upādānakkhandha) có nghĩa là những uẩn làm đối tượng cho thủ hay nói cách khác là những uẩn hiệp thế. Hiểu được điều này rất quan trọng. Khi chúng ta nói về thiền Minh sát (Vipassanā), chúng ta nói, thiền Minh sát (Vipassanā) là gì? Chúng ta quan sát cái gì khi chúng ta thực hành thiền Minh sát (Vipassanā)? Câu trả lời trong kinh sách là các bạn quan sát hay ghi nhận năm thủ uẩn. Nếu các bạn quán chiếu, nếu các bạn giữ tâm trí của mình trên năm thủ uẩn thì các bạn đang thực hành thiền Minh sát (Vipassanā). Nhưng nếu các bạn giữ tâm trí của mình trên pháp chế định (Paññatti) như khi các bạn thực hành thiền Kasiṇa thì các bạn không phải đang thực hành thiền Minh sát (Vipassanā). Trong trường hợp đó, các bạn đang thực hành thiền chỉ tịnh (Samatha). Thiền Minh sát (Vipassanā) bắt những thủ uẩn (Upādānakkhandha) làm cảnh. Đối tượng của thiền Minh sát (Vipassanā) phải là những đối tượng của thủ. Nói cách khác, chúng phải là một cái gì đó mà chúng ta có thể bị dính mắc vào hay chúng ta có cái nhìn sai trái về chúng. “Bốn danh uẩn của siêu thế giới thì không phải là thủ uẩn vì chúng hoàn toàn vượt ngoài tầm nắm bắt của thủ; …” (CMA, VII, Guide to §35, p.286) Chúng vượt ngoài tầm nắm bắt của thủ, tức là chúng không thể trở thành đối tượng của tham hay tà kiến. Đó là lý do tại sao những tâm Siêu thế (Lokuttara Citta) và những tâm sở (Cetasika) đi cùng với những tâm Siêu thế (Lokuttara Citta) thì không được bao gồm trong thủ uẩn (Upādānakkhandha).
Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn giáo trình.