- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG
THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)
Bài 111. Những Điểm Cần Lưu Ý Về Giác Phần Tập Yếu
Ettha pana cattāro satipaṭṭhānā ti sammāsati ekā va pavuccati. Tathā cattāro sammappadhānā ti ca sammāvāyāmo.
Ở đây, bốn niệm xứ chỉ riêng chánh niệm thôi.
Tương tự, bốn chánh cần chỉ riêng chánh tinh tấn.
Chando cittam upekkhā ca saddhā-passaddhi-pītiyo
Sammādiṭṭhi ca sankappo vāyāmo viratittayaṁ
Sammāsati samādhī ti cuddas’ete sabhāvato
Sattatiṁsappabhedena sattadhā tattha sangaho.
Bản tóm lược bảy nhóm của ba mươi bảy pháp trợ đạo được cấu thành bởi mười bốn yếu tố này, khi xét theo phương diện bản thể của chúng: dục ; tâm; hành xả (quân bình); tín; khinh an; hỷ; chánh kiến; tư duy; cần; ba giới phần; chánh niệm; và nhất hành.
Sankappa-passaddhi ca pīt’upekkhā
Chanda ca cittaṁ viratittayañ ca
Nav’ekaṭṭhānā viriyaṁ nav’aṭṭha
Satī samādhī catu pañca paññā
Saddhā duṭṭhān’uttamasattatiṁsa
Dhammānam eso pavaro vibhāgo.
Sabbe lokuttare honti na vā saṁkappapītiyo
Lokiye pi yathāyogaṁ chabbisuddhippavattiyaṁ.
Phân tích về ba mươi bảy pháp giác phần này như sau: có chín pháp (tầm, khinh an, hỷ, hành xả, dục, tâm và ba giới phần) chỉ xuất hiện mỗi pháp một lần; cần xuất hiện chín lần; niệm tám lần; nhất hành bốn lần; trí tuệ bốn lần; và tín hai lần.
Tất cả các pháp này đều xuất hiện trong (tâm) siêu thế, ngoại trừ tâm và hỷ có trường hợp ngoại lệ. Trong (tâm) hiệp thế, chúng cũng có mặt trong quá trình sáu pháp thanh tịnh tùy trường hợp.
Chú Thích
Bảy bảng liệt kê của giác phần là tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ thần túc, ngũ quyền, ngũ lực, thất giác chi, bát đạo chi là những quy tập mang tính cách chuyên biệt. Đặc biệt là phương diện thực hành.
Trên phương diện bản thể, ba mươi bảy pháp giác phần được rút gọn thành mười bốn pháp: dục; tâm; hành xả (quân bình); tín; khinh an; hỷ; chánh kiến; tư duy; cần; ba giới phần; chánh niệm; và nhất hành. Trong đó một là tâm (citta) và mười ba pháp còn lại là các thuộc tánh (cetasika). Sự hiện diện của các pháp này trong các pháp trợ đạo, được trình bày bằng cách đối chiếu các thuật ngữ đồng nghĩa.
Mặc dù nêu pháp bản thể của giác phần có 14 nhưng kỳ thật là 15 vì tĩnh giác chi (Passaddhi-sambojjhaṅga) bao gồm hai thuộc tánh là tĩnh thân (kāya-passaddhi) và tĩnh tâm (Citta - passaddhi).
Sự nêu rõ bản thể của 37 pháp giác phần là một trình bày lợi lạc của Thắng Pháp Tạng Abhidhamma, không tìm thấy ở Kinh Tạng. Sự chỉ rõ pháp thực tính soi sáng một số khía cạnh tế nhị về hiệp thế và siêu thế; về thiền chi; về đạo chi; về giới phần. Điểm này là một thí dụ tại sao Thắng Pháp cần thiết trong Phật học.
Sự xuất hiện của các pháp bản thể được ghi nhận như sau:
Cần xuất hiện chín lần dưới các bảng liệt kê: bốn chánh cần, bốn thần túc, năm quyền, năm lực, bảy giác chi và tám đạo chi.
Niệm xuất hiện tám lần dưới các bảng liệt kê: bốn lần trong tứ niệm xứ và năm quyền, năm lực, bảy giác chi và tám đạo chi.
Nhất hành xuất hiện bốn lần dưới các bảng liệt kê: năm quyền, năm lực, bảy giác chi và tám đạo chi.
Trí tuệ xuất hiện năm lần dưới các bảng liệt kê: bốn thần túc, năm quyền, năm lực, bảy giác chi và tám đạo chi.
Tín xuất hiện hai lần dưới các bảng liệt kê: năm quyền, năm lực.
Các pháp còn lại là: tầm, khinh an, hỷ, hành xả, dục, tâm, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng chỉ xuất hiện một lần trong các bảng liệt kê giác phần. (khinh an là tên gọi khác của “tĩnh (Passaddhi)” tức Tĩnh Giác Chi (Passaddhi sambojjhaṅga).
Nên lưu ý sự hiện diện cố định và bất định:
Tầm (vitakka) còn được gọi là tư duy, vừa là đạo chi và thiền chi, đối với tâm siêu thế chỉ có mặt trong những tâm siêu thế sơ thiền. Tương tự, hỷ (pīti) cũng không có mặt trong các tâm siêu thế tứ thiền và ngũ thiền.
Trong tâm hiệp thế sự có mặt tuỳ trường hợp, như ba thuộc tánh giới phần (chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng) không xuất hiện đồng thời mà mỗi lần chỉ có một. Chỉ khi nào là đạo chi thì ba pháp này mới có thể xuất hiện cùng lúc trong một sát na tâm.
Thất tịnh là phiên bản giảng rộng của tam học. Sáu pháp thanh tịnh từ pháp thứ nhất đến pháp thứ sáu thuộc hiệp thế. Pháp sau cùng, tức pháp thanh tịnh thứ bảy, thuộc siêu thế (chứng đạo). Có những pháp bản thể có khi là giác phần nhưng không phải là đạo chi, đơn cử như thuộc tánh cần trong tâm hiệp thế.
Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.