- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG
THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)
Bài 110. Bát Đạo Chi (Maggaṅga)
Aṭṭha maggangāni: (1) sammādiṭṭhi; (2) sammāsankappo; (3) sammāvācā; (4) sammākammanto; (5) sammā-ājīvo; (6) sammāvāyāmo; (7) sammāsati; (8) sammāsamādhi.
Có tám đạo chi: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
Chú Thích
Thuật ngữ “maggaṅga - đạo chi” là cách nói nhất quán với những pháp như thiền chi (jhānaṅga), giác chi (bojjhaṅga) là tám chi phần của “đạo - magga”. Gọi đầy đủ là “Ariya Aṭṭhaṅgika Magga” có nghĩa là bát thánh đạo, bát chánh đạo. HT Thích Minh Châu thường dịch là “thánh đạo tám ngành” hay “thánh đạo tám chi phần”.
Đạo – magga – là lối vào hay sự dẫn nhập. Đạo không tạo ra quả mà là đưa đến cứu cánh. Thí dụ như con đường dẫn tới hòn núi, nhưng hòn núi không phải là kết quả của con đường. Khái niệm này được nói rõ trong duyên hệ (paccayo) của Thắng Pháp. Và cũng là một khái niệm quan trọng trong Phật Học. Cứu cánh ở đây là niết bàn hay sự chấm dứt toàn bộ đau khổ.
Chi phần - aṅga – có nghĩa là thành tố. Tất cả chi phần phải hội tụ đầy đủ tạo nên thế “ắt có và đủ”. Không thể dư hoặc thiếu. Cả 8 đạo chi phải kết hợp đầy đủ mới gọi là đạo chi.
Tám đạo chi thoạt nghe như 8 bài học về luân lý, nhưng chính thật là bản thể pháp tự nhiên. Thắng Pháp nêu rõ 8 thuộc tánh khi được tu tập trở thành 8 đạo chi. Và sự kết hợp đồng thời, đồng bộ của 8 đạo chi là sự kiện hãn hữu, có hiệu năng đoạn trừ hay giảm thiểu kiết sử mà không có sự thối thất sau này.
Tám đạo chi gồm có:
1. Chánh Kiến (Sammā-diṭṭhi) là sự hiểu biết đúng đắn về Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) và bản chất vô thường, khổ, vô ngã của vạn pháp. Đây là nền tảng cho mọi thực hành, giúp hành giả phân biệt giữa thiện và bất thiện, từ đó định hướng con đường tu tập.
2. Chánh Tư Duy (Sammā-saṅkappa) là sự suy nghĩ đúng đắn, hướng tới sự từ bỏ dục vọng, nuôi dưỡng từ bi và tâm vô hại. Là pháp giúp hành giả duy trì tâm ý trong sạch và tránh xa những tư duy bất thiện như tham lam, sân hận và si mê.
3. Chánh Ngữ (Sammā-vācā) bao gồm việc tránh nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô ác và nói lời vô ích. Thay vào đó, là sử dụng lời nói mang lại lợi ích, sự thật và hòa hợp.
4. Chánh Nghiệp (Sammā-kammanta) là sự tránh xa các hành động bất thiện như sát sinh, trộm cắp và tà dâm. Thực hành chánh nghiệp giúp hành giả sống đời đạo đức, không gây tổn hại cho bản thân và người khác.
5. Chánh Mạng (Sammā-ājīva) là việc mưu sinh một cách chân chính, không làm tổn hại đến chúng sinh và không đi ngược lại các nguyên tắc đạo đức. Những nghề nghiệp như buôn bán vũ khí, chất độc, hay tham gia vào các sinh kế bất thiện cần được tránh xa.
6. Chánh Tinh Tấn (Sammā-vāyāma) là sự cố gắng loại bỏ các bất thiện pháp đã sinh, ngăn ngừa các bất thiện pháp chưa sinh, phát triển các thiện pháp đã sinh và nuôi dưỡng các thiện pháp chưa sinh. Đây là nguồn năng lượng cần thiết để hành giả vững tiến tu tập.
7. Chánh Niệm (Sammā-sati) là sự tỉnh giác và chú tâm vào hiện tại, với bốn lĩnh vực quán niệm: thân, thọ, tâm và pháp. Sự thực hành này giúp hành giả nhận biết rõ ràng bản chất của vạn pháp, từ đó đạt được sự bình an nội tại.
8. Chánh Định (Sammā-samādhi) là sự tập trung tâm ý vào một thiền án một cách nhất tâm, đạt được các tầng thiền định (jhāna). Đây là nền tảng để phát triển trí tuệ (paññā) và đạt đến sự giác ngộ.
Nói về bản thể pháp thì chánh kiến là thuộc tánh vô si (Amoha) tức tuệ quyền. Chánh tư duy là thuộc tánh tầm (Vitakka). Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng là ba thuộc tánh có cùng tên. Chánh Niệm là thuộc tánh niệm (Sati). Chánh định là thuộc tánh nhất hành (Ekaggatā).
Bát chánh đạo là phần thứ tư trong Tứ Diệu Đế, được Đức Phật trình bày như phương pháp để chấm dứt khổ đau. Đây là con đường trung đạo (majjhimā paṭipadā), tránh xa hai cực đoan: hưởng thụ dục lạc và khổ hạnh ép xác.
Thực hành bát chánh đạo được hướng dẫn qua tam học (giới, định, tuệ). Tam học có thể huân tu riêng lẻ, trước sau nhưng khi tám pháp này đạt đến mức nhuần nhuyễn với sự kết tinh cùng lúc trong tâm đạo siêu thế mới gọi là đạo chi. (phần này được nói rõ nhất trong “thất tịnh” mà tư liệu giảng rộng rãi nhất là quyển “Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga)” của Ngài Buddhaghosa)
Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.