- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG
THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)
Bài 107. Tứ Thần Túc (iddhipādā)
Cattāro iddhipādā: (1) chandiddhipādo; (2) viriyiddhipādo; (3) cittidhipādo; (4) vīmaṁsiddhipādo.
Có bốn thần túc: Dục thần túc, cần thần túc, tâm thân túc, thẩm thần túc
Chú Thích
Thuật ngữ ‘iddhipāda’ được dịch một cách thú vị trong từ vựng Phật học Hán Việt. ‘Iddhi’ có nghĩa là sự thành tựu. ‘Pāda’ có nghĩa là phương cách. Từ kép mang ý nghĩa là phương thức để đạt được.
Bởi vì ‘iddhi’ mang ý nghĩa “phương tiện diệu dụng”, nên cũng được dịch là “thần” như “chiếc đũa thần” hay “cây đèn thần”. Từ đó tạo ra chữ “như ý”.
Chữ ‘pāda’ là phương cách, con đường; mà cũng có nghĩa là “chân” như cách nói “đi đứng bằng đôi chân của mình”. Từ đó tạo ra chữ “túc”.
Hai từ ghép lại được dịch là “thần túc” hay “như ý túc”. Nên được hiểu trong Giác Phần Tập Yếu là phương tiện diệu dụng dẫn tới thành tựu thiền định và tuệ giác. Tất nhiên, ngoài phạm trù giác phần tập yếu, thì tứ thần túc cũng có thể hiểu là những nhân tố lợi lạc, có hiệu ứng phi thường trong đời sống hằng ngày.
Dục thần túc (Iddhipāda) là phương tiện diệu dụng của ý muốn. Chính ý muốn vừa định hướng, vừa thúc đẩy, vừa tạo nên khả năng kiên nhẫn đường dài để đạt đến mục tiêu.
Cần thần túc (Viriyiddhipāda) là phương tiện diệu dụng của siêng năng tinh cần. Sự nỗ lực mạnh mẽ giống như công suất cao của bộ máy, giúp hành giả vượt qua những dốc cao, hố thẳm để đạt đến đích điểm.
Tâm thần túc (Cittiddhipāda) là tâm thái tương thích với mục đích hướng đến. Đây là chi phần của tứ thần túc thường được giảng giải mơ hồ. Nên lưu ý cả bốn thần túc đều thuộc tâm thức. Nhưng tâm thần túc được hiểu là những “tâm thiện có khả năng tạo quả” dù là tâm thiện hiệp thế (dục giới, sắc giới, hay vô sắc giới) và tâm thiện siêu thế (tâm đạo). Một người thật sự hiểu Phật Pháp, sẽ đánh giá cao thiện tâm, vì chính tâm thiện tạo nên những thành quả đáng có trong cuộc sống.
Thẩm thần túc (Vīmaṃsiddhipāda) là trí tuệ thẩm định, phân biệt đối với các pháp - đặc biệt là thiền án trong chỉ và quán – cũng như bản chất tự nhiên của các pháp. Chính sự quán chiếu sâu rộng đưa đến cảnh giới vô cùng, vượt qua những hạn cuộc.
Về bản thể, dục thần túc là thuộc tánh dục (chanda cetasika); cần thần túc là thuộc tánh cần (viriya cetasika); tâm thần túc là 17 tâm thiện hiệp thế và 4 tâm đạo siêu thế; thẩm thần túc là thuộc tánh trí tuệ.
Chi pháp của tứ thần túc giống như chi pháp của tứ trưởng. Theo ngài Bodhi và ngài Sīlananda thì “Những yếu tố này là giống hệt với bốn trưởng. Tuy nhiên, trong khi những trạng thái kia trở thành trưởng (adhipati), trong trường hợp khi chúng là công cụ trợ giúp cho việc hoàn thành hay chứng đạt một mục tiêu, thì ở đây chúng chỉ trở thành những như ý túc (iddhipāda), khi chúng được áp dụng để chứng đạt mục tiêu cứu cánh của những lời dạy của Đức Phật. Thuật ngữ “iddhipāda” được dùng hay ám chỉ cho cả những trạng thái hiệp thế và siêu thế.” (CMA, VII, Guide to §26, p.280). Ngài Ledi Sayalaw thì xem “tâm thần túc” là sự khắn khít của tâm đối với những thần túc còn lại. Và một quan điểm khác là trong lúc “tâm thần túc” chỉ là những tâm thiện hiệp thế và siêu thế thì “tâm trưởng” gồm tất cả tâm.
Nên lưu ý là trong Kinh Tạng, đặc biệt là Phẩm Như Ý Túc của Tương Ưng Bộ, bốn thần túc được Đức Phật giảng giải rất rộng, chứ không tập trung vào “phương tiện diệu dụng dẫn tới thành tựu thiền định và tuệ giác” như ở đây, trong Giác Phần Tập Yếu.
Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn.