Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG | THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) | Bài 105. Dẫn Nhập Giác Phần Tập Yếu (Bodhipakkhiya-saṅgaha)

Monday, 23/12/2024, 10:04 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

Bài 104. Dẫn Nhập Giác Phần Tập Yếu (Bodhipakkhiya-saṅgaha)

Cụm từ Pāḷi bodhipakkhiyadhammā được tạo thành bởi ba từ tố: “Bodhi”, “Pakkha” và “Iya”. “Bodhi” ở đây có nghĩa là sự giác ngộ. “Pakkha” có nghĩa là phía, phần hay bên. “Iya” có nghĩa là thuộc vào hay được bao gồm trong. Thường được dịch là giác phần, bồ đề phần, hay pháp trợ đạo. Cụm từ này thật ra rất hiếm được tìm thấy trong chánh tạng, nhưng rất phổ thông đối với Sớ Giải và tục tạng sau này. Có thể đọc những pháp này trong Dīgha Nikāya 16/ii, 20; Majjhima Nikāya 77/ii, 11–12). Những yếu tố này được gọi là “các yếu tố hỗ trợ giác ngộ”. Ba mươi bảy yếu tố này, như đã trình bày, được phân thành bảy nhóm: 1) Tứ Niệm Xứ. 2) Tứ Chánh Cần. 3) Tứ như Ý Túc. 4) Ngũ Căn. 5) Ngũ Lực. 6) Thất Giác Chi. 7) Bát Chánh Ðạo.

Nếu đọc vào bất thiện tập yếu và giác phần tập yếu sẽ dễ dàng nhận thấy sự tương phản giữa pháp dẫn tới sanh tử và niết bàn. Các Pháp được đề cập ở đây không nằm trong phạm trù thiện ác như luân lý, đạo đức thường thức mà là những yếu tố dẫn đến trầm luân hoặc đưa đến sự thành tựu tuệ giác.

Một điểm cần lưu ý ở đây khi nói về giác phần tập yếu thì những những pháp này là tiềm chất nhưng không phải là vốn có sẳn. Một lập thuyết nổi bật và phổ thông trong Phật giáo Đại Thừa và đang lan toả trong giới Phật học Tây Phương ngày nay là Bodhicitta - Phật Tánh được xem là luôn hiện hữu nhưng bị bao che bởi vọng thức và điều mà người tu tập cần làm là xua tan vọng thức để hiển lộ chân tâm phật tánh. Tam tạng Pāli - đặc biệt là Thắng Pháp – nêu rõ những pháp bồ đề phần là những thuộc tánh vốn có mặt trong nhiều thứ tâm. Khi tâm được tu tập thì những thuộc tánh này trở nên mạnh mẽ, nổi trội, có hiệu ứng lớn. Thí dụ thuộc tánh nhất hành (ekaggata cetasika) là thuộc tánh biến hành có mặt trong tất cả tâm. Khi được tu tập trong tâm đại thiện dục giới tạo nên định lực hay khả năng tập trung cao độ. Thuộc tánh nhất hành trong những tâm sắc giới là một thiền chi và trong tâm đạo siêu thế là đạo chi. Trong những pháp thuộc giác phần thì là định căn, định lực, định giác chi, chánh định…

Sự liên hệ giữa những yếu tố giác phần trong tâm tịnh hảo bình thường, đến tâm tu tập rồi sự thành tựu mang tính cách “tuyến tính”. Không nên hiểu là một, cũng không nên hiểu là có sẳn mà là dòng tâm thức sanh diệt, nhưng hướng thượng và thuần thục theo thời gian. Phải hiểu là một tiến trình “chẳng phải hai nhưng không là một”

Giác phần tập yếu bao gồm các pháp cần được hiểu trên cả hai phương diện: vĩ mô và đại loại. Trên phương diện vĩ mô, đây là những pháp thực tính, kể cả bát chánh đạo. Đức Phật giác ngộ tìm thấy, chứ không chế tác, như một thầy thuốc tìm được dược tính trong một loài thảo mộc nào đó, chứ không phải là người sáng tạo như thi nhân đối với một bài thơ. Trong cách nói đại loại thường gặp ở Kinh Tạng, có thể khiến người thoạt nghe như những ý nghĩa mang tín lý tôn giáo.

37 pháp trong 7 chủ đề của giác phần, đôi khi có vẻ như trùng lập, thí dụ như tứ chánh cần, tấn căn, tấn lực, cần giác chi, chánh tinh tấn đều có bản thể là thuộc tánh cần, nhưng phải được hiểu trong từng thể tài riêng biệt và tránh trường hợp cứ thấy giống thì cứ gom chung.

Ba mươi bảy pháp trong giác phần tập yếu là những đề tài chuyên sâu cả ba lãnh vực pháp học, pháp hành, pháp thành nên có nhiều cách giải thích sai biệt của chư vị thiền sư, pháp sư dựa trên suy tư cá nhân và kinh nghiệm thực tế. Người học cần đặc biệt lắng nghe với thái độ thông thoáng hơn là chấp cứng “chỉ có ở đây là đúng ngoài ra đều là hư vọng”.

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn.