Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG | THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) | Bài 103. Tứ Trưởng (Adhipati)

Sunday, 15/12/2024, 09:56 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

Bài 102. Tứ Trưởng (Adhipati)

Cattāro adhipatī: chandādhipati, viriyādhitpati, cittādhipati. Vīmaṃsādhipati

Có bốn trưởng: dục trưởng, cần trưởng, tâm trưởng, thẩm trưởng.

Chú thích

Trưởng – adhipati – là đứng đầu, lớn hơn hết, không thể có cái ngang bằng cùng trong một đơn vị.

Trưởng khác với quyền (indriya). Trưởng như vị tổng giám đốc điều hành trong lúc quyền như những người có vai trò riêng, thí dụ như người gác cổng có quyền chận hỏi khách ra vào. Có quyền không hẳn có chức vụ. Trong một sát na tâm, trưởng chỉ có một nhưng quyền thì có thể có nhiều. Thí dụ trong tâm dục giới tịnh hảo có những thuộc tánh được xem là “quyền” như tín, niệm, trí tuệ…v.v…đồng sanh.

Dục trưởng - chandādhipati - là ý muốn đóng vai trò chủ đạo. Phải phân biệt dục (chanda) với tham (lobha) vốn là 2 thuộc tánh riêng biệt. Dục là ý muốn không hẳn có dính mắc. Tham là sự ham muốn có dính mắc. Ý muốn có năng lực chủ đạo và lôi kéo tất cả pháp đồng sanh nên được xem là trưởng. Người biết điều hướng ý muốn có thể tạo nên lực dẫn đạo quan trọng trong đời sống bình thường cũng như sự tu tập. Điều này có liên hệ mật thiết với sự sách tấn, tha thiết, nguyện lực.

Cần trưởng – viriyādhipati - nỗ lực hành động. Chính đây là năng lực, cường độ, nhiệt huyết. Sự tinh cần có thể là vai trò chủ đạo vì khả năng tác động toàn bộ tâm thức trong giai đoạn nào đó. Điều này tương tự như người tập thể dục khi đạt đến mức độ “siêng năng tập luyện”, thì điều hướng mọi năng lực vào mục tiêu.

Tâm trưởng – cittādhipati – là vai trò chủ đạo của tâm. Tâm trưởng có hai cách hiểu là tâm chủ đạo các thuộc tánh như thức uẩn đối với thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn hay khái niệm “tâm vương” và “tâm sở” trong cách dịch Phật học Hán ngữ. Cách hiểu thứ hai như Phật ngôn “Tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ, tâm tạo tác” trong câu Pháp Cú 1 và 2 của Phẩm Song Đối.

Thẩm trưởng - vīmaṃsādhipati – là khả năng suy xét, thẩm sát sự việc của trí năng. Đây là sự đào sâu, phân tích, xác định sự liên đới, vi thế nhân quả và tính cách hợp lý (logic) đối với các pháp. Cái biết, đặt biệt là sự thấu hiểu xuyên suốt, là lực chủ đạo không những quan trọng trong đời sống mà ngay cả thời điểm giác ngộ giải thoát.

Bản thể của dục trưởng là thuộc tánh dục; bản thể của cần trưởng là thuộc tánh cần; bản thể của tâm trưởng là tất cả tâm; bản thể của thẩm trưởng là thuộc tánh trí tuệ.

Một điều thú vị là tứ trưởng và tứ thần túc đều có pháp bản thể giống nhau, nhưng được liệt kê trong hai phần “Hỗn hợp tập yếu” và “Giác phần tập yếu” với những khái niệm đồng dị mà người học cần phân biệt.

Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.