Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG | THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) | Bài 101. Mười Hai Đạo Chi (Magganga)

Monday, 09/12/2024, 18:36 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 4.10.22

THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

Bài 100. Mười Hai Đạo Chi (Magganga)

Dvādasa maggangāni: (1) sammādiṭṭhi; (2) sammāsankappo; (3) sammāvācā; (4) sammākammanto; (5) sammā-ājivo; (6) sammāvāyāmo; (7) sammāsati; (8) sammāsamādhi; (9) micchādiṭṭhi; (10) micchāsankappo; (11) micchāvāyāmo; (12) micchāsamādhi.

Có mười hai đạo chi (maggangāni): (1) Chánh kiến (sammādiṭṭhi); (2) Chánh tư duy (sammāsankappa); (3) Chánh ngữ (sammāvācā); (4) Chánh nghiệp (sammākammanta); (5) Chánh mạng (sammā-ājiva); (6) Chánh tinh tấn (sammāvāyāma); (7) Chánh niệm (sammāsati); (8) Chánh định (sammāsamādhi); (9) Tà kiến (micchādiṭṭhi); (10) Tà tư duy (micchāsankappa); (11) Tà tinh tấn (micchāvāyāma); và (12) Tà định (micchāsamādhi).

Chú Thích

Chữ “magga - đạo” nghĩa là con đường. Con đường ở đây là hành trình dẫn tới điểm đến nhưng không tạo ra điểm đến. Như con đường dẫn tới dòng sông nhưng không tạo ra dòng sông.

Đạo là một khái niệm lớn trong triết lý và tín ngưỡng của Phương Đông. Người ta dùng chữ này thay thế và chuẩn xác hơn, cho chữ “tôn giáo” như Đạo Phật, Đạo Khổng… Từ cách dùng rất phổ biến trong dân gian cho đến cách sử dụng vô cùng tế nhị trong “đắc đạo, chứng quả” trong Phật Pháp.

Riêng trong Thắng Pháp, chữ đạo ở đây hàm tàng cả hai ý nghĩa vĩ mô về sự điều hướng dẫn đến cả hai cảnh giới vui, khổ. (Giống như khi nói về “thiền chi”. Nếu thiền duyên nói rộng về thiền chi, thì đạo duyên cũng là cách nói rộng về đạo duyên. Điểm này sẽ được bàn sâu trong phần duyên hệ (paccaya) sau này)

(Có hai cách dùng từ ở đây: theo văn pháp chữ Hán và thuần Nôm. Có thể gọi là “đạo chi” hoặc “thiền chi” theo Hán ngữ. Cũng có thể dịch là “chi đạo” hoặc “chi thiền” theo cách thuần Nôm. Ngài Tịnh Sự thường dùng cách dịch thuần Nôm. Ở đây chọn chữ “thiền chi”, “đạo chi” để nhất quán với các thuật ngữ khác về ngữ pháp (…) trong cả giáo trình).

Những đạo chi thường biết tới một cách quen thuộc với tám chánh đạo và tám tà đạo. Thế nhưng thay vì mười sáu đạo chi thì ở đây chỉ nêu 12 và về bản thể chỉ nằm trong 9 thuộc tánh. Đây là điểm thú vị khi học Thắng Pháp.

12 đạo chi là: (1) Chánh kiến (sammādiṭṭhi); (2) Chánh tư duy (sammāsankappa); (3) Chánh ngữ (sammāvācā); (4) Chánh nghiệp (sammākammanta); (5) Chánh mạng (sammā-ājiva); (6) Chánh tinh tấn (sammāvāyāma); (7) Chánh niệm (sammāsati); (8) Chánh định (sammāsamādhi); (9) Tà kiến (micchādiṭṭhi); (10) Tà tư duy (micchāsankappa); (11) Tà tinh tấn (micchāvāyāma); và (12) Tà định (micchāsamādhi).

  1. Chánh kiến (sammādiṭṭhi) là thấy biết chân xác, một cách nói khác về trí tuệ. Cao điểm của trí tuệ là khả năng nhìn thấy sự việc qua cả bốn khía cạnh: vấn đề, nguyên nhân, giải pháp và phương cách đạt tới giải pháp.

  1. Chánh tư duy (sammāsankappa) là sự suy nghĩ trong sáng, không bị vướng vấp bởi ham muốn, bực tức, hiềm hận. Trong Phật học chữ “sankappa” (tư duy) đồng nghĩa với tầm (vitakka) hay sự hướng tâm.

  1. Chánh ngữ (sammāvācā) là sự kiêng tránh không dùng ngôn từ sai quấy trong sự truyền đạt.

  1. Chánh nghiệp (sammākammanta) là sự kiên tránh không có những hành động bất thiện.

  1. Chánh mạng (sammā-ājiva) là sự kiêng tránh không mưu sinh bất chánh.

  1. Chánh tinh tấn (sammāvāyāma) là nỗ lực làm tốt bản thân theo cách “bỏ ác, làm lành”.

  1. Chánh niệm (sammāsati) là sự tỉnh táo ý thức rõ những gì đang xảy ra đối với thân tâm.

  1. Chánh định (sammāsamādhi) là khả năng tập chú bền bỉ tạo nên định lực.

  1. Tà kiến (micchādiṭṭhi) chấp thủ quan niệm bất kể đúng sai.

  1. Tà tư duy (micchāsankappa) là sự suy nghĩ bị ảnh hưởng bởi ham muốn, bực tứcvà thù hận.

  1. Tà tinh tấn (micchāvāyāma) là sự cố gắng không có lập tâm giảm thiểu ác pháp, tăng trưởng thiện pháp.

  1. Tà định (micchāsamādhi) là sự tập trung tâm ý tạo nên những biến chứng tai hại cho đời sống nội tâm về lâu dài.

Pháp bản thể của 12 đạo chi mang nhiều ý nghĩa thú vị.

Bản thể của chánh kiến là thuộc tánh trí tuệ trong lúc bản thể của tà kiến không phải là thuộc tánh si (trong si phần) mà là thuộc tánh tà kiến (trong tham phần)

Bản thể của chánh tư duy và tà tư duy là thuộc tánh tầm (thuộc nhóm tợ tha). Tư duy và tầm đồng nghĩa trong sự giải thích về pháp. Đây là điều người học Phật cần đặc biệt lưu tâm.

Bản thể của chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng là ba thuộc tánh của nhóm giới phần hay nhóm kiêng tránh. Ba thuộc tánh này chỉ sanh khởi riêng lẻ trong tâm thiện dục giới nhưng đồng sanh và kết hợp đồng bộ trong tâm siêu thế. Đây là đặc điểm của “bát chi đạo”. Không có pháp bản thể của tà ngữ, tà nghiệp và tà mạng. Ba pháp tà này thuộc về hiện tượng không thuộc bản chất. Tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng tạo ra bởi tâm bất thiện nhưng không có pháp bản thể cố định nên không có trong đạo chi.

Bản thể của chánh niệm là thuộc tánh niệm trong nhóm thuộc tánh tịnh hảo biến hành. Không có pháp bản thể của tà niệm. Tất cả những dao động, thiếu ý thức tỉnh táo về những gì đang xảy ra có thể tạo nên bởi nhiều tâm bất thiện khác nhau, nên không có trong đạo chi.

Bản thể của chánh tinh tấn và tà tinh tấn đều là thuộc tánh cần.

Bản thể của chánh định và tà định đều là thuộc nhất hành.

Tất nhiên để trở thành “đạo chi” những thuộc tánh phải ở mức độ tinh luyện cao (cố ý hay vô tình) để tạo nên hiệu ứng.

 Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.