Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG | THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) | Bài 100. Bảy Thiền Chi (Jhānaṅga)

Tuesday, 26/11/2024, 05:39 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 27.9.2024

THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

Bài 99. Bảy Thiền Chi (Jhānaṅga)

Sattajhānangāni: (1) vitakko, (2) vicāro, (3) pīti, (4) ekaggatā, (5)

somanassaṁ, (6) domanassaṁ, (7) upekkhā.

Bảy thiền chi gồm: (1) tầm, (2) tứ, (3) phỉ, (4) nhất hành, (5)

lạc, (6) ưu, (7) xả.

Chú Thích

Chữ “jhāna” được phiên âm là “thiền” và cách phiên âm quen thuộc khác là zen, là một thuật ngữ quan trọng trong Phật học, từ ý nghĩa uyên nguyên đến cách dùng rộng rãi tạo nên sự khác biệt to lớn giữa “gốc” và “ngọn”. (Trong thiền tông Nhật Bản, như chữ thiền trong Phật giáo Trung Hoa, chữ zen gần với khái niệm quán chiếu của “vipassana” hơn là sự nung nấu của định lực “samatha” theo Tam tạng Pāli).

Trong Thắng Pháp, thì phải dùng nghĩa gốc, mà đặc biệt ở đây, mang hai ý nghĩa.

Ý nghĩa thứ nhất “jhāna” có nghĩa là sự nung nấu, thẩm thấu của tâm đối với cảnh tạo nên hiệu ứng đối lập, xua tan các pháp cái. Thí dụ, thiền chi định được tu tập thì sẽ không có chỗ cho pháp cái tham. Vì tham là sự vọng móng trong lúc định là sự an lập.

Trong ý nghĩa thứ hai, “jhāna” ở đây là yếu tố khiến tâm thẩm thấu, thấm thía, thâm nhập cảnh (upanijjhāyana). Đây là ý nghĩa thiền trong bảy thiền chi.

  1. Tầm (vitakka) là sự hướng tâm. Khi tầm là thiền chi có nghĩa là có khả năng tập chú nhanh chóng do thuần thục.
  2. Tứ (vicāra) là sự gắn kết đối với cảnh.
  3. Phỉ (pīti) là sự hân hoan tạo nên hiệu ứng thoải mái với cảnh.
  4. Nhất hành (ekaggatā) là sự an lập trên cảnh một cách bền bỉ.
  5. Lạc (somanassa) là trạng thái thể nhập một cách hạnh phúc với cảnh.
  6. Ưu (domanassa) là sự khó chịu, bất mãn với cảnh nhưng cũng là cách khiến cho tâm thẩm thấu nhiều như câu “thấm thía nỗi đau”. Một hành giả quán chiếu bản chất vô thường của một tử thi sanh tâm nhàm chán sinh tử, cũng là “một thứ thọ ưu nên thường có”.
  7. Xả (upekkhā) là trạng thái điềm đạm an nhiên do đã quá thuần thục. Xả ở đây không phải là sự vô cảm bởi không có chuyện vui buồn, mà là sự bình tâm do nếm trải quá nhiều. Ở cảnh giới tối cao của tâm thì những trạng thái “xả niệm thanh tịnh” hay “xả niệm lạc trú” được xem là đặc điểm của tinh luyện.

Những thiền chi có thể được hiểu như trong tiến trình học ngoại ngữ. Ban đầu phải học mặt chữ rồi ráp vần, ráp câu, học ngữ vựng, văn phạm. Để nói được một câu có nghĩa và không sai trong giai đoạn đầu thì phải dụng công nhiều. Khi thành thạo thì vẫn có khả năng nhận mặt chữ, ráp câu với từ vựng, ngữ pháp, mà còn có thể mau mắn cảm nhận ý nghĩa sâu xa hay thưởng thức sự bóng bẩy của ngôn từ. Tất cả hiển hiện một cách nhuần nhuyễn khó diễn tả.

Về bản thể pháp thì thiền chi tầm là thuộc tánh tầm; thiền chi tứ là thuộc tánh tứ; thiền chi phỉ là thuộc tánh hỷ; thiền chi nhất hành là thuộc tánh định; thiền chi lạc là thuộc tánh thọ; thiền chi ưu cũng là thuộc tánh thọ; thiền chi xả cũng là thuộc tánh thọ.

Thọ - vedanā – là một yếu tính quan trọng trong thiền chỉ. Ở đây, ba thiền chi lạc, thọ, ưu đều nằm trong thuộc tánh thọ. Nói cách khác trong trạng thái tâm ở trình độ cao thấp thì vai trò cảm thọ phải được lưu ý.