- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG
Bài học ngày 29.4.2022
THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)
5. Tâm Với Căn Sân (dosamūlacittāni)
Chánh văn
Domanassasahagataṃ paṭighasampayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekanti imāni dvepi paṭighasampayuttacittāni nāma.
Một tâm đi chung khó chịu, kết hợp với bất mãn, không có tác động
Một tâm đi chung khó chịu, kết hợp với bất mãn, có tác động
Những tâm nầy nầy gọi là hai tâm đi với sân.
Domanassasahagataṃ > đi chung với khó chịu
paṭighasampayuttaṃ > kết hợp với bất mãn, ghét bỏ
asaṅkhārikamekaṃ > không tác động
sasaṅkhārikamekanti imāni > có tác động
dve > hai
paṭighasampayuttacittāni nāma > gọi là tâm tương hợp với bất mãn.
Tên gọi 2 tâm theo cách dịch của Ngài Tịnh Sự:
1. Tâm sân thọ ưu hợp phấn vô trợ
2. Tâm sân thọ ưu hợp phấn hữu trợ
(người học khi nói gọn có thể gọi 2 tâm sân là: tâm sân vô trợ và tâm sân hữu trợ)
Chú Thích
Tâm sân – dosacitta – trong Phật học đặc biệt là trong Thắng Pháp Abhidhamma nên được hiểu có nhiều phần khác hơn thông thường. Trong cách nói thường thức thì sân có nghĩa là nỗi giận. Chữ dosa - được dịch là sân – ở đây chỉ cho sự khó chịu với cảnh. Tất cả sự phật ý, bất bình, phẫn nộ, lo lắng, sợ hãi… đều nằm trong tâm sân. Thí dụ Tôn giả Ānanda ưu bi trước sự viên tịch của Đức Phật. Tâm trạng ưu bi đó thuộc dosacitta nhưng không có nghĩa gì là “nổi giận” như ý nghĩa của tâm sân theo cách hiểu bình thường. Đôi khi được một số các vị giảng sư dùng câu nầy để diễn tả “tâm sân là trạng thái tâm muốn huỷ diệt đối tượng” cần được hiểu là “không muốn sự hiện hữu tiếp diễn của cảnh khó chịu có thể rất vi tế”.
Về từ ngữ dịch thuật về tâm sân. thì có nhiều dị biệt giữa các dịch giả. Ngài Tịnh Sự dịch chữ domanassasahagataṃ là thọ ưu để chỉ cho tâm đi với phiền muộn, hay không thích thú, hoặc khó chịu là thuộc tánh thọ (thọ uẩn) . Riêng mệnh đề tính từ paṭighasampayuttaṃ được được HT Thích Minh Châu dịch là “tương ưng với hận” (Thắng Pháp Tập Yếu Luận), dịch giả Phạm Kim Khánh dùng cụm từ “có liên hợp với ác ý” (Vi Diệu Pháp Khái Luận). Cả hai cách dịch đều có vấn đề gây ngộ nhận. Tất cả tâm sân đều là paṭighasampayuttaṃ nhưng không hẳn là có ác ý hay hận. Thí dụ tâm bực bội khi trời nóng bức là tâm sân nhưng không thể gọi là có “hận” hay “có ác ý”. Riêng Ngài Tịnh Sự dịch chữ paṭighasampayuttaṃ là “hợp phấn” có một số đọc là “hợp phẩn” giải thích là “đi với phẩn nộ”. Đọc và giải như vậy cũng rơi vào hai trường hợp trên. Tâm sân không nhất thiết là luôn luôn phẩn nộ (tức giận bùng phát). Trong những năm sống với Ngài Tịnh Sự có nêu lên câu hỏi nầy. Ngài giải thích chữ 憤 trong Hán Việt có thể đọc cả hai âm: phẫn và phấn. Chữ hợp phẫn ở đây chỉ cho thứ xung lực (repulsion) của tâm đối với cảnh khó chịu. Dùng chữ phấn như trong câu Bất phấn bất khải, bất phỉ bất phát 不憤不啟, 不悱不發 (Thuật nhi 述而) (Không phấn phát thì không hiểu ra, chẳng tức chẳng nảy ra). Không nên hiểu hợp phấn nghĩa là phẩn nộ. Hợp phấn paṭighasampayuttaṃ chỉ cho thuộc tánh sân thuộc về hành uẩn. Trong bản dịch nầy dùng chữ bất mãn, ghét bỏ để làm rõ nghĩa.
Nêu lưu ý về cách hiểu nhân quả liên quan đến tâm sân. Quan niệm thông thường là tâm sân sanh khởi do gặp cảnh trái ý nghịch lòng, do vậy, là đặc trưng của đau khổ, và vì thế, là quả do nghiệp bất thiện trong quá khứ. Thắng pháp Abhidhamma nêu rõ những tâm bất thiện là tâm tạo nghiệp chứ không phải là tâm quả do nghiệp sanh. Phải nhớ rõ điểm nầy tâm sân là thái độ xữ lý trước nghịch cảnh. Phần lớn nghịch cảnh là quả của nghiệp quá khứ nhưng tâm sân không sanh lên do nghiệp.
Không có tà kiến trong tâm sân. Nhiều người nghĩ là đa số tội ác làm nên như chiến tranh, sát hại sinh vật thì cho thấy tâm sân đi với kiến chấp tà ác. Tà kiến luôn là một trạng thái chấp giữ trong lúc tâm sân là trạng thái muốn huỷ diệt. Thí dụ trong các công trình xây cất thường có bộ phận demolition để đập bỏ những cái cũ nhưng không thể nói đập đổ là xây dựng. Trong một cuộc chiến không có nghĩa chỉ có hận thù mà còn có tham vọng chấp thủ. Tuy vậy không phải hai là một mặc dù cùng hiện khởi.
Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng