Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG - THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) - 20. Tâm Duy Tác Sắc Giới (rūpāvacara-kriyācittāni)

Friday, 12/08/2022, 18:13 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 12.8.2022


THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

20. Tâm Duy Tác Sắc Giới

(rūpāvacara-kriyācittāni)

Chánh văn

1.Vitakka-vicāra-pīti-sukh’-ekaggatā-sahitaṃ paṭhamajjhāna-kriyācittaṃ.

2. Vicāra-pīti-sukh’-ekaggatā-sahitaṃ dutiyajjhāna-kriyācittaṃ.

3. Pīti-sukh’-ekaggatā-sahitaṃ tatiyajjhāna-kriyācittaṃ.

4. Sukh’-ekaggatā-sahitaṃ catutthajjhāna-kriyācitta.

5. Upekkh’-ekaggatā-sahita pañcamajjhāna-kriyācittañ cā ti.

Imāni pañca pi rūpāvacara-kriyācittāni nāma.

Icc’evaṃ sabbathā pi paṇṇarasa rūpāvacara-kusala-vipāka-kriyācittāni samattāni.

Tâm duy tác sơ thiền với tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất hành

Tâm duy tác nhị thiền với tứ, hỷ, lạc, nhất hành

Tâm duy tác tam thiền với hỷ, lạc, nhất hành

Tâm duy tác tứ thiền với lạc, nhất hành

Tâm duy tác ngũ thiền với xả, nhất hành

Những tâm nầy được gọi là 5 tâm duy tác sắc giới

Như vậy tổng kết có tất cả 15 tâm sắc giới gồm tâm thiện sắc giới, tâm quả sắc giới, tâm duy tác sắc giới.

Vitakka > tầm

Vicāra > tứ

Pīti > hỷ

Sukha > lạc

Ekaggatā > nhất hành

sahitaṃ > cùng với

paṭhamajjhāna > sơ thiền

kriyācittāni > tâm duy tác

dutiyajjhāna > nhị thiền

tatiyajjhāna > tam thiền

catutthajjhāna > tứ thiền

pañcamajjhāna > ngũ thiền

rūpāvacara-kriyācittāni > tâm duy tác sắc giới

paṇṇarasa > 15

Chú thích

Tâm duy tác sắc giới là tâm thiền chứng sắc giới của chư vị ứng cúng vô sanh. Có những vị đã thành tựu tuệ giác trước khi thành tựu chánh trí viên giác; cũng có vị sau khi thành tựu giác ngộ hoàn toàn mới tu tập thiền chỉ. Tâm thiền của các ngài không tạo quả sanh tử luân hồi. Một vị muốn nhập diệt thọ tưởng định phải có thiền chứng phi tưởng phi phi tưởng (thiền vô sắc) và quả vị tam quả, hay tứ quả.

Đó cũng là lý do một số chư vị A la hán tu thiền sắc và vô sắc.

Năm tâm duy tác sắc giới:

1.Tâm duy tác sơ thiền sắc giới với tầm, tứ, hỷ, lạc, định

(vitakkavicārapītisukhekaggatasahitaṃ pathamajjhānakiriyacittaṃ)

2. Tâm duy tác nhị thiền sắc giới với tứ, hỷ, lạc, định

(vicārapītisukhekaggatasahitaṃ dutiyajjhānakiriyacittaṃ)

3. Tâm duy tác tam thiền sắc giới với hỷ, lạc, định

(pītisukhekaggatasahitaṃ tatiyajjhānakiriyacittaṃ)

4. Tâm duy tác tứ thiền sắc giới với lạc, định

(sukhekaggatasahitaṃ catutthajjhānakiriyacittaṃ)

5. Tâm duy tác ngũ thiền sắc giới với xả, định

(upekkhekaggatasahitaṃ pañcamajjhānakiriyacittaṃ)

Để hiểu thêm về tính cách cần thiết của tâm duy tác sắc giới (cũng như duy tác vô sắc giới) nên biết đại lược một số điểm sau:

Một người đã có thiền chứng trước khi đắc tứ quả thì sau khi đắc quả a la hán tâm thiền sẽ là tâm duy tác với tầng thiền tương đương.

Khi tuệ giác (các tâm đạo) sanh khởi nếu không có thiền chứng thì tâm đạo vẫn có định lực tương đương với sơ thiền mặc dù sau khi đắc quả không có khả năng nhập định.

Năm triền cái đoạn tận bởi năm thiền chi nhưng một vị a la hán không tu tập thiền chỉ (samatha) thì tất cả phiền não đoạn tận bằng tuệ giác. Nói các khác, có những vị a la hán không còn năm triền cái nhưng không xuất nhập định tự tại vì không có tôi luyện.

Những thiền chứng như sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, ngũ thiền có những công năng cần thiết mà một vị đã đoạn tận phiền não vẫn muốn tu luyện như nhập định, hiển hoá thần thông.

Chư vị a la hán nếu tu thiền thì tu bằng tâm duy tác dục giới; chứng thiền và nhập định bằng các tâm duy tác sắc giới, vô sắc giới; nhập thiền cơ để hiển hoá thần thông cũng bằng những tâm nầy; quán chíếu thiền chi (..) bằng tâm duy tác dục giới tịnh hảo.

Theo Sớ giải thì sự tu thiền, nhập thiền, trụ thiền, hiện thông của chư vị a la hán cũng mang ảnh hưởng của huệ căn bình thường hay huệ căn ưu việt. Những khuynh hướng nặng nhẹ trong ngũ lực là tín, tấn, niệm, định, tuệ cũng ảnh hưởng lớn trong những trường hợp vừa kể. Điều nầy không có khác biệt giữa chư vị a la hán và những vị không phải a la hán.

Biên soạn: Tỳ khưu Giác Đẳng