Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG | Bài 42. Sự Kết Hợp Thuộc Tánh Với Tâm – 6 Thuộc Tánh Tợ Tha Biệt Cảnh

Friday, 24/03/2023, 17:08 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 24.3.2023


THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

Bài 42. Sự Kết Hợp Thuộc Tánh Với Tâm – 6 Thuộc Tánh Tợ Tha Biệt Cảnh

Pakiṇṇakesu pana:

1. Vitakko tāva dvipañcaviññāṇa-vajjita-kāmāvacaracittesu c’eva ekādasasu paṭhamajjhānacittesu cā ti pañcapaññāsa cittesu uppajjati.

2. Vicāro pana tesu c’eva ekādasasu dutiyajjhānacittesu cā ti chasaṭṭhi cittesu jāyati.

3. Adhimokkho dvipañcaviññāṇa-vicikicchāsahagata-vajjitacittesu.

4. Viriyaṃ pañcadvārāvajjana-dvipañcaviññāṇa-sampaṭicchana-santīraṇa vajjita-cittesu.

5. Pīti domanass’-upekkhāsahagata-kāyaviññāṇa-catutthajjhāna-vajjita-cittesu.

6. Chando ahetuka-momūha-vajjita-cittesu labbhati.

Pakiṇṇakesu = trong những thuộc tánh tợ tha biệt cảnh.

Vitakko = thuộc tánh tầm. tāva = trước hết. dvipañcaviññāṇa = ngũ song thức. vajjita = ngoại trừ. kāmāvacaracittesu = trong tâm dục giới. ekādasasu = trong 11 tâm. paṭhamajjhānacittesu = tâm sơ thiền. pañcapaññāsa cittesu = trong 55 tâm. uppajjati = sanh khởi.

Vicāro = thuộc tánh tứ. dutiyajjhānacittesu = trong tâm nhị thiền. chasaṭṭhi = 15. jāyati = sanh ra.

Adhimokkho = thuộc tánh thắng giải. vicikicchāsahagata = tâm si nghi hoặc

Viriyaṃ = thuộc tánh cần. pañcadvārāvajjana = tâm khán ngũ môn. sampaṭicchana = tâm tiếp nhận. santīraṇa = tâm kiểm tra.

Pīti – thuộc tánh hỷ. domanassa-upekkhāsahagata = tâm đi với thọ xả, thọ ưu. kāyaviññāṇa = tâm thân thức. catutthajjhāna = tứ thiền.

chando = thuộc tánh dục. ahetuka = tâm vô nhân. momūha = tâm si. labbhati = có được.

Giữa những thuộc tánh tợ tha biệt cảnh:

1. Thuộc tánh tầm sanh khởi ở 55 tâm gồm tất cả tâm dục giới trừ ngũ song thức và 11 tâm sơ thiền.

2. Thuộc tánh tứ sanh khởi ở 66 tâm gồm 55 thứ tâm (đi với thuộc tánh tầm) cộng với 11 tâm nhị thiền.

3. Thuộc tánh thắng giải sanh khởi ở tất cả tâm ngoại trừ ngũ song thức và tâm si hoài nghi.

4. Thuộc tánh cần sanh khởi trong tất cả tâm ngoại trừ khán ngũ môn, ngũ song thức, tâm tiếp nhận, tâm kiểm tra.

5. Thuộc tánh hỷ sanh khởi trong tất cả tâm ngoại trừ tâm ngoại trừ tâm thọ ưu, tâm thọ xả, tâm thân thức (thọ khổ), các tâm tứ thiền.

6. Thuộc tánh dục sanh khởi trong tất cả tâm ngoại trừ tâm vô nhân và tâm si.

Chú Thích

Cách hành văn: “sanh khởi trong tất cả tâm ngoại trừ (vajjita)…” nghe lạ tai trong cách nói vì đã là tất cả sao còn ngoại trừ. Nên hiểu đây là cách nói dễ hiểu nhất hàm ý “gom tất cả tâm rồi trừ ra”. Cách nầy rất tốt để nhớ, đặc biệt là người sử dụng “biểu đồ chư pháp”. Trong phần thích văn có thêm vào các chữ “tâm, thuộc tánh” để dễ nhận ra.

Thuộc tánh tầm có mặt trong 55 tâm bao gồm 44 tâm dục giới (54 tâm dục giới trừ ngũ song thức) cộng với 11 tâm sơ thiền gồm 3 tâm sơ thiền sắc giới, 8 tâm sơ thiền siêu thế. Ngũ song thức bắt cảnh sơ khởi, muội lược nên không có tầm mà chỉ đơn thuần 7 thuộc tánh tợ tha biến hành. Trong tất cả tâm sắc giới, vô sắc giới và tâm siêu thế thì thuộc tánh tầm chỉ có mặt trong các tâm sơ thiền vì từ tâm nhị thiền trở đi đã loại bỏ thiền chi tầm.

Thuộc tánh tứ có mặt trong 66 tâm với 55 tâm giống như trường hợp thuộc tánh tầm và cộng thêm 11 tâm nhị thiền.

Thuộc tánh thắng giải không có trong những tâm ngũ song thức, vì như đã nói 5 cặp thức nầy muội lược sanh khởi đơn thuần do 5 căn gặp 5 cảnh. Tâm si nghi hoặc vì bản chất không quyết đoán nên không có thuộc tánh thắng giải. Như vậy thuộc tánh thắng giải có mặt trong 110 tâm.

Thuộc tánh cần không có mặt trong ngũ song thức, tâm khán ngũ môn, 2 tâm tiếp nhận, 3 tâm kiểm tra vì những tâm nầy gần như sanh khởi một cách máy móc mang vai trò cơ năng nên không có thuộc tánh cần. Như vậy thuộc tánh cần có mặt trong 105 tâm.

Thuộc tánh hỷ do bản chất hân hoan nên không đi với các tâm thọ khổ (thân thức thọ quả bất thiện), thọ ưu (2 tâm sân), Nên lưu ý thuộc tánh hỷ khác với thọ hỷ nằm trong thuộc tánh thọ như những tâm nào không có thọ hỳ thì không có thuộc tánh hỷ. Như vậy thuộc tánh hỷ có mặt trong 4 tâm tham thọ hỷ, tâm kiểm tra thọ hỷ, tâm ứng cúng sanh tiếu, 12 tâm dục giới tịnh hảo thọ hỷ, 11 tâm sơ thiền, 11 tâm nhị thiền, 11 tâm tam thiền. Tổng cộng là 51 tâm.

Thuộc tánh dục vì bản chất là sự mong muốn nên không có mặt trong 18 tâm vô nhân do tính cách cơ năng của những tâm nầy cộng với 2 tâm si như vậy còn lại là 101 tâm.

Khi nói về sự tương hợp của nhóm thuộc tánh tợ tha biệt cảnh cho chúng ta biết rõ hơn về trạng thái của ngũ song thức, 2 tâm si, và các tâm thiền. Mỗi một chương mới là dịp trở lại những điều đã học với góc nhìn khác và rõ hơn.

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn