- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG
Bài học ngày 17.3.2023
THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)
Bài 41. Sự Kết Hợp Thuộc Tánh Với Tâm – 7 Thuộc Tánh Tợ Tha Biến Hành
Tesaṃ cittāviyuttānaṃ yathāyogam ito paraṃ
Cittuppādesu paccekaṁ sampayogo pavuccati
Satta sabbattha yujjanti yathāyogaṃ pakiṇṇakā
Cuddas’ākusalesv’eva sobhanesv’eva sobhanā.
Tesaṃ = chúng, những thứ đó. Cittāviyuttānaṃ = bất ly với tâm. Yathāyogam = như sự kết hợp. Ito paraṃ = từ đây về sau
Cittuppādesu = tâm sanh. Paccekaṃ = mỗi một. Sampayogo = tương hợp. Pavuccati = nói đến. Satta = bảy. Sabbattha = tất cả. Yujjanti = kết hợp. Pakiṇṇakā = thuộc tánh biệt cảnh. Cuddasa = 14. Akusalesu = bất thiện, sobhanesu = tâm tịnh hảo. Sobhanā = thuộc tánh tịnh hảo.
Sau đây sẽ giải thích về sự tương hợp của các thuộc tánh đối với các thứ tâm khác nhau. 7 thuộc tánh biết hành tương hợp với tất cả tâm. Thuộc tánh biệt cảnh chỉ kết hợp với những tâm tương thích. 14 thuộc tánh chỉ đi với tâm bất thiện. Những thuộc tánh tịnh hảo chỉ đi với tâm tịnh hảo.
Kathaṃ?
1. Sabbacittasādhāraṇā tāva satt’ime cetasikā sabbesu pi ekūnanavuti cittuppādesu labbhanti.
Kathaṃ? = thế nào. Sabbacittasādhāraṇā = biến hành trong tất cả tâm. Tāva = trước hết. Satta =7. Cetasikā = thuộc tánh. Sabbesu = trong tất cả. Ekūnanavuti = 89. Cittuppādesu = tâm sanh. Labbhanti = có được.
Như thế nào? Trước hết, 7 thuộc tánh biến hành có mặt trong tất cả 89 tâm.
Chú Thích
Một trong những điều rất quan trọng trong việc học Thắng Pháp Abhidhamma là hiễu rõ sự tương hợp của tâm và các thuộc tánh. Người học không những chỉ nên nhớ những con số mà còn hiểu rõ lý do tại sao có và không có. Đây của là đặc điểm mà Thắng Pháp mang lại cho người học.
Nên lưu ý rằng người học cần nắm rõ cả hai chiều mỗi tâm tương hợp bao nhiêu thuộc tánh, và ngược lại, mỗi thuộc tánh tương hợp bao nhiêu tâm. Đó là hai góc cạnh nhìn khác nhau. Mỗi phương diện cho chúng ta cái hiểu khác biệt. Chính vì vậy không nên xem thường.
Trước kia Ngài Tịnh Sự dịch chữ sampayoga là “hợp đồng” đôi khi HT Thích Minh Châu cũng dùng chữ “hiện hành” trong giáo trình nầy gọi là sự tương hợp để chỉ cho sự đồng sanh của tâm và thuộc tánh trong một sát na tâm.
Ngài Anuruddha trong việc biên soạn phần tương hợp giữa tâm và các thuộc tánh đã chia sự tương hợp thành hai phần: thuộc tánh trong các tâm, và tâm có bao nhiêu thuộc tánh. Sự chú tâm của người học sẽ rất lợi ích nếu theo sát cách trình bày nầy.
Bày thuộc tánh tợ tha biến hành là xúc, thọ, tưởng, tư, nhất hành, mạng quyền, tác ý có mặt trong tất cả tâm. Từ những tâm đơn giản nhất như ngũ song thức cho tới tâm siêu thế đều có 7 thuộc tánh nầy. Là điều rất quan trọng cho người học nêu lên câu hỏi tại sao 7 thuộc tánh nầy phải có mặt trong tất cả tâm. Thí dụ thuộc tánh tư được xem là đầu não tạo nghiệp nhưng cũng có mặt trong các tâm quả, tâm phi nhân phi quả, tâm siêu thế ..v.v..
Con số 89 tâm ở đây là một cách liệt kê tất cả tâm: thay vì tâm siêu thế tính là 40 thì tính chỉ có 8. Tính giản lược thì 89 tâm là 81 tâm hiệp thế cộng với 8 tâm siêu thế. Tính rộng thì 121 tâm gồm 81 tâm hiệp thế cộng 40 tâm siêu thế.
Trong 7 thuộc tánh biến hành thì thuộc tánh thọ là thọ uẩn; thuộc tánh tưởng là tưởng uẩn; 5 thuộc tánh còn lại là hành uẩn. Như vậy dù thứ tâm đơn giản nhất cũng có đủ 4 danh uẩn là thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn. Trên phương diện vĩ mô thì bốn danh uẩn là bất khả ly. Trên cách nói đại loại thì bốn danh uẩn có thể quán chiếu riêng biệt như đề cập trong kinh Vô Ngã Tướng (Anattalakkhanasutta).
Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn