Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG | Bài 39. Nhóm Thuộc Tánh Vô Lượng Phần (appamaññā)

Friday, 24/02/2023, 09:36 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 24.2.2023


THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

39. Nhóm Thuộc Tánh Vô Lượng Phần (appamaññā)

VI. (1) Karuṇā, (2) muditā pana appamaññāyo nāmā ti.

Nhóm gọi là vô lượng phần gồm có bi và tùy hỷ

Karuṇā = bi

Muditā = tuỳ hỷ

appamaññāyo = vô lượng phần

Chú thích

Vô lượng phần – appamaññā – ở đây có nghĩa là không có hạn cuộc đối với cảnh. Nói rõ hơn hai thuộc tánh nầy – bi mẫn và tuỳ hỷ – nằm trong những tâm lấy chúng sanh làm đối tượng và bởi vì không có giới hạn phân biệt, nên bi mẫn và tuỳ hỷ thật sự là tâm không có sự phân biệt đối với thân sơ, chủng tộc, ngoại hình… Đây là hai thuộc tánh nếu mà ngay trong hình thái phôi thai nhất đã có sự trưởng thành nhất định chứ không giống như thuộc tánh vô sân là chi pháp của từ vô lượng tâm và thuộc tánh quân bình là chi pháp của của xả vô lượng tâm. Theo Thắng Pháp Abhidhamma thì tâm bi và tuỳ hỷ chỉ thật sự hiện hữu khi không có sự phân biệt thân, sơ, gần, xa. Khác với từ (thuộc tánh vô sân) và xả (thuộc tánh quân bình) hai thuộc tánh bi mẫn và tuỳ hỷ không thuộc nhóm thuộc tánh tịnh hảo biến hành (có mặt trong tất cả tâm tịnh hảo) mà thuộc các thuộc tánh tịnh hảo biệt cảnh.

Bi mẫn (karuṇā) là sự cảm thông sâu sắc nỗi khổ của chúng sanh khác. Tất nhiên trong sự cảm thông đó là thái độ mong cho chúng sanh hết khổ được vui.

Tùy hỷ (muditā) là hoà vui theo hạnh phúc của chúng sanh. Từ đó mong cho chúng sanh được hạnh phúc nhiều hơn.

Đau khổ và hạnh phúc qua cái nhìn của bi mẫn và tuỳ hỷ dựa trên trực giác và kinh nghiệm bản thân. Thứ định nghĩa đơn thuần nhất không qua sự dài dòng văn tự.

Bởi vì cả hai đều thuộc vô lượng phần nên không có giới hạn trong mức độ và đối tượng.

Hai thuộc tánh bi mẫn và tuỳ hỷ không thể cùng lúc sanh khởi trong một sát na tâm vì hai đối tượng khác nhau: cảnh của bi mẫn là chúng sanh đau khổ trong khi cảnh của của tùy hỷ là chúng sanh hạnh phúc.

Thuộc tánh bi mẫn chỉ có mặt trong những tâm sắc giới thọ hỷ vì ngũ thiền quá tế nhị cho hai thuộc tánh nầy. Cũng nên lưu ý là thuộc tánh bi mẫn chỉ có trong tâm thiền sắc giới thọ hỷ là điều khẳng định bi mẫn không có nghĩa là “buồn dùm” cho chúng sanh đau khổ mặc dù có định nghĩa là sự rung động trước cái khổ của chúng sanh.

Hai thuộc tánh bi và tuỳ hỷ có mặt trong tâm quả sắc giới thọ hỷ để làm chức năng tục sinh, tiềm thức và mệnh chung trong lúc ở dục giới thì không có trong tâm quả. Đây là sự khác biệt trên phương diện thiền định.

Cũng nên nói thêm trên bình diện rộng hai pháp bi mẫn và tuỳ hỷ được đề cập nhiều trong Kinh Tạng bằng đích danh hay qua các hình thái liên hệ. Chính tâm bi mẫn giúp hành giả tiêu trừ ác tâm, oán thù trong lúc tâm tùy hỷ giúp xoá tan tâm ganh tị, đố kỵ vốn là những thứ tâm bất thiện thường xẩy ra trong cuộc sống.

Bi mẫn và tuỳ hỷ là hai trong bốn vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả). Bốn vô lượng tâm nầy vừa là tâm cao thượng đối với tha nhân vừa là tâm thiền định để phát triển thiền chi đưa đến thiền chứng. Sự tu tập bốn vô lượng tâm có tác dụng lớn để chứng đắc tâm giải thoát theo thiền chỉ (samatha).

Đại bi tâm cũng là đặc điểm của bồ tát hạnh trong nỗ lực huân tu pháp ba la mật. Chư vị bồ tát hướng cầu giác ngộ vô thượng đều có tâm ý thức về sự đau khổ một cách sâu sắc để tự mình vượt thoát khổ đau và mong chúng sanh thoát khổ.

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn