- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG
Bài học ngày 9.9.2022
THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)
25. Tóm Lược Tâm Vô Sắc Giới
(arūpāvacara-kriyācittāni)
Chánh văn
25. Ālambanappabhedena catudh’āruppamānasaṃ
Puññapākakriyābhedā puna dvādasadhā ṭhitaṃ.
Tâm vô sắc giới được phân loại theo thiền án gồm có bốn. Khi chia những tâm nầy theo thiện, quả, và duy tác thành 12 thứ tâm.
26. Tâm Thiện Siêu Thế
(lokuttara-kusalacittāni)
1. Sotāpatti-maggacittaṃ.
2. Sakadāgāmi-maggacittaṃ.
3. Anāgāmi-maggacittaṃ.
4. Arahatta-maggacittañ cā ti.
Imāni cattāri pi lokuttara-kusalacittāni nāma.
1. Tâm đạo nhập lưu
2. Tâm đạo nhất lai
3. Tâm đạo bất lai
4. Tâm đạo vô sanh ứng cúng
maggacittaṃ > tâm đạo
Sotāpatti > nhập lưu, vào giòng thánh vức
Sakadāgāmi > nhất lai
Anāgāmi > bất lai
Arahatta > vô sanh ứng cúng, đoạn tận phiền não
lokuttara-kusalacittāni > những tâm thiện siêu thế
Chú thích
Tâm siêu thế là tâm biết cảnh niết bàn - cảnh giới xuất thế gian. Có những tâm hiệp thế cũng biết cảnh niết bàn nhưng không chuyên nhất và không đóng vai trò đặc biệt như tâm siêu thế. Những giải thích về tâm siêu thế trong Thắng Pháp là mô tả chi tiết nhất về hiện tượng “đắc chứng đạo quả” thường được nghe. Hiện tượng nầy cần hiểu theo phạm trù vĩ mô vì có sự khác biệt lớn giữa sát na nầy đối với sát na khác.
Gọi là tâm thiện siêu thế vì tạo ra tâm quả siêu thế. Chữ thiện ở đây phải hiểu tương đối khác với quan niệm bình thường. Trong cách nói chuẩn xác thì niết bàn không nằm trong đối đãi của thiện ác. Thắng Pháp đòi hỏi sự quy định chính xác về cách dùng và hiểu thuật ngữ. Không thể dùng cách hiểu về thiện trong tâm hiệp thế áp dụng với tâm siêu thế.
Chữ đạo trong tâm đạo mang ý nghĩa “nẻo vào cảnh giới niết bàn”. Nói cách khác là niết bàn không phải là thành quả của bất cứ duyên sanh nào. Con đường dẫn tới hòn núi không tạo ra hòn núi. Chữ đạo ở đây vốn là gốc của nhiều cách dùng về “đạo” hiện nay nhưng phải có định nghĩa “rất riêng”.
Một đặc điểm chỉ có ở tâm đạo là sự hợp nhất nhuần nhuyễn của tám đạo chi. Tám đạo chi đó là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Sự đồng sanh của các đạo chi phải được nhìn trong phạm trù vĩ mô. Điều nầy hoàn toàn không thể xẩy ra trong các tâm hiệp thế.
Tất cả tâm siêu thế đều có sự có mặt các thiền chi tối thiểu ở mức độ sơ thiền. Nhưng nên nhớ là trong tâm sắc giới và tâm vô sắc giới lấy định lực làm tâm điểm trong lúc tâm siêu thế lấy tuệ lực làm lực chính yếu. Phải hiểu chính xác theo Phật học thì trong chỉ (samatha) không nhất thiết có quán (vipassanā) nhưng trong quán luôn có chỉ.
Những tâm đạo chứng tri niết bàn trong trường hợp đặc biệt là cùng lúc có niết bàn là cảnh đồng thời cũng đoạn tận hay vĩnh viễn giảm thiểu các kiết sử. Cũng giống như ánh sáng xuất hiện đồng thời cũng làn tan biến bóng tối. Nghe như hai sự việc nhưng kỳ thật là một. Không có sự thối thất hay trở lui trong đạo quả siêu thế. Đây là điều khác biệt lớn so với thiền sắc giới và vô sắc giới.
Về ý nghĩa của những thuật ngữ nhập lưu, nhất lai, bất lai, vô sanh ứng cúng sẽ nói rõ trong phần tâm quả siêu thế. Những thuật ngữ nầy được dịch và phiên âm thường tìm thấy rất phổ biến trong Hán Tạng. Trong phần “tâm siêu thế” những thuật ngữ nầy cần được định nghĩa rõ.
Để hiểu rõ về tâm thiện siêu thế cần hiểu rõ 10 kiết sử (saṃyojana) (phần chú thích đoạn nầy sẽ là nội dung của bài học tiếp theo).
Biên soạn: Tỳ khưu Giác Đẳng