Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG - Bài 24. Tâm Duy Tác Vô Sắc Giới (arūpāvacara-kriyācittāni)

Friday, 02/09/2022, 18:12 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 2.9.2022


THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

24. Tâm Duy Tác Vô Sắc Giới

(arūpāvacara-kriyācittāni)

Chánh văn

1. Ākāsānañcāyatana-kriyācittaṃ.

2. Viññāṇañcāyatana-kriyācittaṃ.

3. Ākiñcaññāyatana-kriyācittaṃ.

4. N’evasaññān’āsaññāyatana-kriyācittañ cā ti.

Imāni cattāri pi arūpāvacara-kriyācittāni nāma.

Icc’evaṃ sabbathā pi dvādasa arūpāvacara-kusala-vipāka-kriyā-cittāni samattāni.

1. Tâm duy tác không vô biên xứ

2. Tâm duy tác thức vô biên xứ

3. Tâm duy tác vô sở hữu xứ

4. Tâm duy tác phi tưởng phi phi tưởng xứ

Bốn tâm nầy được gọi là tâm duy tác vô sắc giới

Như vậy tổng cộng có 12 tâm vô sắc giới bao gồm tâm thiện, tâm quả, và tâm duy tác vô sắc giới.

Ākāsānañcāyatana > không vô biên xứ

Viññāṇañcāyatana > thức vô biên xứ

Ākiñcaññāyatana > vô sở hữu xứ

N’evasaññān’āsaññāyatana > phi tưởng phi phi tưởng xứ

Arūpāvacara-kriyācittāni > tâm duy tác vô sắc giới

Chú thích

Tâm duy tác vô sắc giới là tâm thiền vô sắc giới của chư vị ứng cúng la hán. Trong tâm thiện vô sắc giới khi nói về các tầng thiền vô sắc đã đề cập tới những thiền án vô sắc giới mà thoạt nghe dường như là những chấp thủ mang tính giai đoạn. Điều nầy khó tưởng tượng được với tâm thái một vị hoàn toàn giác ngộ đoạn tận vô minh ái dục. Ngay cả chính Đức Phật khi nhập thiền vô sắc vẫn dùng những ý niệm trừu tượng nầy để đi vào các tầng thiền. Do vậy rất cần để nhận rõ về tâm duy tác vô sắc giới hơn là cho rằng tâm nầy cũng giống như tâm thiện vô sắc giới chỉ khác là thiền chứng của vị tứ quả.

Chẳng phải hư, chẳng phải thực mà chỉ là phương tiện. Nói về định lực thì các tầng thiền vô sắc đều là định lực của ngũ thiền. Sự khác biệt giữa các tầng thiền vô sắc giới là lực phủ định. Với ý niệm “vật chất là giới hạn” chỉ có “chân không là vô hạn lượng” vị ấy thể nhập không vô biên xứ. Với ý niệm “chân không còn bị tâm biết như vậy chỉ có thức mới thật sự là không hạn lượng” vị ấy thể nhập thức vô biên xứ. Với ý niệm “cả hai tâm và cảnh đều có giới hạn chỉ có không tánh là không hạn lượng” vị ấy thể nhập vô sở hữu xứ. Với ý niệm nhận thức “chẳng phải có nhận thức mà chẳng phải không nhận thức” vị ấy thể nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ. Hai ý niệm không vô biên và vô sở hữu thuộc thi thiết. Ý niệm thức vô biên lấy tâm không vô biên làm cảnh, ý niệm phi tưởng phi phi tưởng lấy tâm vô sở hữu xứ để quán chiếu. Cả hai tâm thức vô biên và tâm phi tưởng phi phi tưởng biết cảnh chơn đế. Dù là cảnh thi thiết hay cảnh chơn đế thì những ý niệm nầy không phải là chân lý tuyệt đối mà chỉ là những những điểm tựa để đi xa hơn trong những công đoạn của thiền án.

Không có gì để gọi là đúng hay sai trong các thiền án vô sắc giới dù tầng thiền nầy phủ nhận tầng thiền kia. Phải hiểu điều nầy mới có thể hình dung được tâm thái của chư vị A la hán khi thể nhập những thiền cảnh nầy. Như những thể thơ mang giá trị tương đối nhưng để có thể sáng tác những bài thơ hay cần thành thạo những niêm luật. Một thi hào sáng tác những bài thơ theo thể tự do thuộc tuyệt tác vẫn có thể sáng tác những bài đường thi, song thất lục bát, ngũ ngôn ... một cách đúng niêm luật. Một người không am tường luật thơ khi làm thơ không thể gọi là thơ tự do.

Mặc dù mỗi tầng thiền vô sắc giới là những khái niệm mang giá trị tương đối để rồi sau đó phủ nhận (ngoại trừ phi tưởng phi phi tưởng) như phải được chứng nhập theo thứ lớp tuần tự. Điểm mấu chốt ở đây là phải chứng thiền cao nhất của thiền sắc giới thì mới có thể tu thiền không vô biên xứ và cứ thế tiếp tục đến tầng cao nhất chứ không thể đi thẳng vào phi tưởng phi phi tưởng xứ mặc dù tất cả chỉ là khái niệm. Một vị chứng tầng thiền cao nhất vẫn xuất nhập tự tại vào những tầng thiền thấp nhất kể cả sơ thiền sắc giới.

Tầng thiền cao nhất trong các thiền chứng là diệt thọ tưởng định (Nirodhasamāpatti). Đây là trạng thái tâm không sanh khởi trong một thời gian cố định do năng lực của tam muội định. Hai yếu tố bắt buộc phải có là trên phương diện tuệ giải thoát phải là vị thánh tam quả hay tứ quả; trên phương diện tâm giải thoát phải là vị chứng tầng thiền vô sắc giới là phi tưởng phi phi tưởng xứ. Vì vậy tất cả chư vị A la hán nếu muốn nhập diệt thọ tưởng định đều phải là bậc chứng thiền vô sắc giới ở tầng cao nhất.

Biên soạn: Tỳ khưu Giác Đẳng